Ly kỳ chuyện “cụ” rùa khổng lồ chết hàng chục năm bỗng “tỉnh giấc” bỏ trốn

Vào một đêm mưa gió trung tuần tháng 7/2011, xác “cụ” rùa khô vốn được trưng bày từ hàng chục năm nay trong nhà bà Nguyễn Thị Sâm (ngụ xã Nam Hồng, huyện Đông Anh, Hà Nội) bỗng dưng bò đi “bỏ trốn” khiến cả nhà xanh mắt tìm kiếm. Sự việc khó lý giải này không chỉ khiến gia chủ lo sợ mời thầy cúng mà còn phải làm tủ kính giữ chân “thần kim quy”.

Vào một đêm mưa gió trung tuần tháng 7/2011, xác “cụ” rùa khô vốn được trưng bày từ hàng chục năm nay trong nhà bà Nguyễn Thị Sâm (ngụ xã Nam Hồng, huyện Đông Anh, Hà Nội) bỗng dưng bò đi “bỏ trốn” khiến cả nhà xanh mắt tìm kiếm. Sự việc khó lý giải này không chỉ khiến gia chủ lo sợ mời thầy cúng mà còn phải làm tủ kính giữ chân “thần kim quy”.

Người quản lý bên tủ kính để “cụ” rùa

Xác rùa… “tỉnh giấc”

Bà Sâm chia sẻ, hơn 20 năm trước một người bạn của chồng bà đã tặng gia đình xác một “cụ” rùa khô, ước tính hàng trăm năm tuổi làm kỷ niệm và gia đình đặt xác rùa ở vị trí trang trọng trong phòng khách. Một năm trước đây, bà Sâm nảy ra ý định đưa chú rùa lên khu vực nhà vườn trưng bày bởi cả nhà bà thường tập trung ở đây, hiếm khi có mặt đầy đủ ở nhà.

Chủ nhà tâm sự: ““Cụ” rùa vừa là vật làm cảnh, vừa là vật tâm linh nên gia đình đã cẩn thận đặt ngay ngắn trên một tấm phản, sát ban thờ chính ở căn nhà chính rộng rãi, ngay giữa khu vườn sinh thái”. Ai ngờ việc “không cho “cụ” yên chỗ” lại dẫn đến nhiều chuyện lạ khiến cả gia đình phải một phen thất kinh hoàng vía.

Từ khi di chuyển xác rùa đến nhà vườn, du khách ghé thăm ngày càng đông hơn. Ai đến cũng phải trầm trồ, thích thú trước hình ảnh một xác rùa khô to lớn chiều dài tới gần 1m, chiếc mai còn rõ màu nâu bóng nằm oai nghiêm bệ vệ giữa vườn. Hơn nữa không hiểu đặt “cụ” rùa ở đây có đem lại may mắn hay không mà việc kinh doanh của gia đình bà từ đó cũng rất “thuận buồm xuôi gió”, nhân viên của công ty đều “trên dưới một lòng”, không xảy ra cãi cọ hay điều tiếng gì.

Xác con rùa không chỉ được gia đình bà Sâm, mà gần 30 nhân viên ở đây cũng xem đó là vật “gia bảo”, không ai dám đụng chạm gì. “Lúc nào tôi cũng cắt cửa một nhân viên trông chừng “cụ”, nếu đám trẻ đến tham quan nghịch ngợm mó chân mó tay vào đầu “cụ” rùa là nhân viên này phải kịp thời ra can thiệp, nhắc nhở ngay”, bà Sâm kể lại.

Đột nhiên, chuyện kỳ lạ xảy ra vào một ngày giữa tháng 7/2011. Sau một đêm mưa tầm tã, sấm chớp đùng đùng, anh trai bà Sâm cũng là người quản lý khu vui chơi này thức dậy từ sáng sớm và thảng thốt nhận ra xác rùa đã mất tích. Ngó quanh khu vực bàn thờ rồi tìm khắp cả gian nhà chính cũng không thấy, sợ vật “gia bảo” bị đánh cắp, ông chạy một mạch ra cổng chính thì thấy cửa vẫn khóa im ỉm. Hỏi chuyện bảo vệ thì được biết người này không nghe thấy tiếng động bất thường hay hiện tượng khả nghi nào. 

Người quản lý kể lại: “Lúc ấy biết là con rùa khó có thể ra khỏi khu vực nên tôi gọi bảo vệ cùng toàn bộ nhân viên tỏa đi tìm. Khu vực ao câu rộng 3 ha nên mỗi người được chia ra tìm ở một góc, từ nhà bếp tới nhà ăn, khu vui chơi trẻ em, vườn sinh thái.... Tìm tới gần trưa mướt mồ hôi cũng chưa thấy đâu. Khi nghỉ giải lao chuẩn bị tìm kiếm lần thứ hai, chúng tôi tới bàn trà ở gần cổng chính thì bỗng nhiên phát hiện con rùa nằm cách đó vài mét”.

Con rùa được tìm thấy và trả về vị trí thường ngày. Thế nhưng nguyên nhân về sự biến mất lạ lùng này khiến mọi người nơi đây đều phải thắc mắc. Người bảo vệ nhà hàng cho biết khó có thể có trộm đột nhập vì chẳng tên trộm nào lại muốn lấy cái xác rùa khô. “Với nhà hàng con rùa có thể quý bởi giá trị tinh thần chứ với người ngoài lại chẳng có ý nghĩa gì”, người bảo vệ phân tích. Còn người quản lý nhà hàng thì hậm hực trong lòng: “Chắc đứa nào đùa dai nên giấu rùa đi trêu mọi người”.

Cận cảnh xác rùa biết… “bỏ trốn”

Mời thầy cúng “giữ chân” “cụ” rùa

Câu chuyện ấy cũng sẽ trôi vào quên lãng nếu như “điệp khúc” này không lặp lại đúng một tháng sau đó. Cũng một buổi sớm tinh mơ, người quản lý tỉnh dậy đi kiểm tra khắp nhà hàng thì một lần nữa thấy chú rùa “không cánh mà bay”. Sực nhớ tới câu chuyện cũ, ông chạy một mạch ra khu bàn trà nơi trước đây đã tìm thấy con rùa nhưng lần này không thấy gì. Bảo vệ, nhân viên lại được một phen huy động lùng sục vật “gia bảo”. Một nhân viên của cửa hàng may mắn tìm thấy “cụ” đang nằm giữa lối đi từ gian nhà chính ra khu vườn, cách vị trí thường “ngự” khoảng hơn 50m.

Một lần nữa, dù kiểm tra và phân tích kỹ, người quan lý cũng không thể tìm thấy dấu hiệu có người di chuyển món vật này. Bà Sâm cũng đã cho họp tất cả nhân viên của nhà hàng lại nhưng ai nấy cũng đều “lắc đầu” bởi chẳng ai muốn mất công với trò đùa vô bổ như thế. “Không ai dám tin con rùa đã chết khô có thể tự di chuyển nhưng chẳng còn cách lý giải nào thỏa đáng. Có một điều kỳ lạ là cả hai lần rùa mất tích thì trời đều mưa gió, nổi bão giông. Chính vì dính mưa mà tới giờ hai chân sau của nó đã bị mục và gãy rời khỏi thân”, người quản lý không giấu được sự tò mò, hoài nghi khi nhắc lại câu chuyện.

Bà Sâm bảo, rùa vốn là loài vật linh thiêng nên dù không mê tín nhưng khi nhiều người đồn thổi, cho là có “điềm” thì bà cũng “lo ngay ngáy”. Thế là sau lần thứ hai rùa “bỏ ra vườn chơi”, bà vội đi tìm thầy cúng và theo “lệnh” của người này "phải làm tủ kính nhốt “rùa thần” lại”, gia đình bà Sâm tất tưởi chạy ngược xuôi để lo chỗ “nghỉ ngơi” của “cụ rùa thần”. Người quản lý mau chóng đóng một chiếc tủ kính chắc chắn, dày dặn và đặt rùa vào bên trong. Chiếc tủ này không bày ở gian nhà chính như mọi khi mà được chuyển ra đảo nổi nhân tạo của khu du lịch.

Kỳ công hơn nữa, chiếc đảo nằm ở giữa hồ còn được bắc một cây cầu nhỏ thiết kế như một thân cây cổ thụ. Dù là khu vực “linh thiêng” nhất của nhà vườn bởi nơi đây thờ Phật Quân âm nhưng theo lời “tư vấn” của “thầy” cúng, con rùa cũng được nhà này “trân trọng” không kém khi tủ đặt “rùa thần” được đặt ngay bên cạnh bức tượng Phật bà. Kể từ ấy, ngày nào cũng vậy, người quản lý nhà hàng đều phải dậy từ sáng sớm và ra đảo nổi thắp hương “cúng” “thần rùa”.

Chẳng rõ có “thần” hay không nhưng suốt hơn nửa năm nay, câu hỏi “Tại sao con rùa khô bỗng dưng tự dịch chuyển và dịch chuyển như thế nào” khiến gia đình bà Sâm và những nhân viên của vườn vẫn luôn âm thầm tò mò, suy nghĩ tìm lời giải đáp. Chủ nhà cho biết suốt thời gian qua đã nhiều lần gặng hỏi tra vấn xem có nhân viên nào đùa nghịch mang cụ rùa đi giấu nhưng ai cũng lắc đầu quầy quậy.

Dẫn chúng tôi tới tham quan nơi đặt xác rùa, người quản lý chỉ vào hai chân sau của “cụ rùa” đã bị gãy sau hai lần “vận động”: “Lần ấy cứ mải lo chuyện cái tủ kính nên tôi cuống cuồng lấy bắng dính trắng dán lại hai chân cho “cụ”. Giờ nhìn lại cũng thấy tính thẩm mỹ… không cao. Mong “cụ” bỏ qua mà không trách phạt tôi”, người đàn ông này cười phân bua.

Tuấn Minh

Đọc thêm