Ly kỳ chuyện Phủ Đồi Ngang

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Nằm ở xã Phú Long, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình, tọa lạc bên Khu du lịch hồ Đồng Chương, Phủ Đồi Ngang trở thành địa điểm tâm linh nổi tiếng ở mảnh đất cổ này. Tại đây, còn lưu giữ rất nhiều dấu tích lịch sử, câu chuyện ly kỳ thu hút không ít người tới.
Phủ Đồi Ngang có thần tích được lưu truyền hàng trăm năm. (Nguồn: Đạo Mẫu Việt Nam)
Phủ Đồi Ngang có thần tích được lưu truyền hàng trăm năm. (Nguồn: Đạo Mẫu Việt Nam)

Thần tích trăm năm

Cách trung tâm huyện Nho Quan khoảng 13km, men theo con đường phủ bóng cây thông, không khó để đến được phủ Đồi Ngang - một địa điểm tâm linh nổi tiếng gắn bó với người dân huyện Nho Quan suốt bao đời nay.

Phủ Đồi Ngang còn được nhiều người biết đến với cái tên khác như đền Cậu Bé Đồi Ngang, là nơi thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh, một trong bốn vị “tứ bất tử” của Việt Nam và thờ Cậu Bé Đồi Ngang. Đây cũng là nơi duy nhất ở miền Bắc tại Việt Nam có đền thờ Thánh Cậu. Còn đền thờ Thánh Mẫu, có rất nhiều nơi như phủ Dầy (Nam Định), phủ Tây Hồ (Hà Nội),…

Ông Phạm Văn Tuất, hiện là người thường xuyên trông coi phủ Đồi Ngang kể lại thần tích từ hàng trăm năm trước đây: “Phủ Đồi Ngang gắn liền với truyền thuyết Thánh Mẫu tiên chúa tái tam giáng thế, hiển thánh tại vùng đất Nho Quan, Ninh Bình. Sau khi Mẫu Mẹ về trời, một thời gian qua đi, Mẫu Mẹ nhớ trần gian, khuôn mặt trở nên u buồn. Bà bèn tâu với vua cha cho giáng thế xuống trần. Thánh Mẫu biến hóa thành cô thôn nữ dọn quán bán nước ven đường (trước cổng phủ Đồi Ngang ngày nay) quan sát, dùng phép thuật trừ tà ác, dâm tặc bảo vệ nhân dân. Thánh Mẫu cũng biến hóa, cải trang thành người trần để thử lòng trần gian”.

Phủ Đồi Ngang vẫn lưu giữ những sắc phong, khánh, bia cổ từ thời nhà Nguyễn. (Ông Phạm Văn Tuất bên cạnh khánh cổ, nguồn: Hương Ngọc)

Phủ Đồi Ngang vẫn lưu giữ những sắc phong, khánh, bia cổ từ thời nhà Nguyễn. (Ông Phạm Văn Tuất bên cạnh khánh cổ, nguồn: Hương Ngọc)

Ngoài câu chuyện về Thánh Mẫu tái tam giáng thế, ở phủ Đồi Ngang, còn có một câu chuyện nữa về Cậu Bé Đồi Ngang. Ông Phạm Văn Tuất nhấn mạnh, Cậu Bé Đồi Ngang không phải là một nhân vật có thật trong lịch sử, đây là tích do dân gian kể lại gắn liền với câu chuyện của Thánh Mẫu. Trong lần giáng thế thứ ba tại huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình này, Thánh Mẫu gặp một người đàn ông họ Mai (kiếp trước là người chồng trong lần giáng thế thứ hai của Thánh Mẫu), cơ duyên đã đưa họ gặp gỡ, tâm đầu ý hợp, nên duyên vợ chồng. Thánh Mẫu mong ước có được một người con, nguyện ước vừa được nghĩ đến, trong bụi hoa hồng vang lên tiếng khóc trẻ con. Đến khi Thánh Mẫu và người đàn ông đi vào bụi cây, thì thấy một cậu bé, đó là con trai của hai người, cũng chính là Cậu Bé Đồi Ngang. Cậu được đặt tên là Hồng Hoa, giống như nơi mà cậu đã sinh ra.

Theo thời gian, cậu bé lớn lên và trưởng thành, khí phách hiên ngang, giúp dân, giúp nước. Dân gian cũng lưu truyền, ngoại hình của Cậu Bé Đồi Ngang giống như bức tượng được thờ trong phủ Đồi Ngang. Cậu có khuôn mặt tròn trịa, đôi mắt lanh lợi, mặc trang phục áo cánh màu xanh lá, đầu vấn khăn đầu rìu, chân quấn xà cạp, đi hài thêu hoa. Tương truyền rằng cậu sống phóng khoáng, sẵn sàng cho một người nào đó tất cả nếu thuận lòng và người đó có tâm sáng. Nhưng nếu không bằng lòng với ai, cậu sẽ lấy hết những gì mà người đó có. Vì vậy, phủ Đồi Ngang ngoài thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh, còn là nơi linh thiêng thờ Cậu Bé Đồi Ngang.

Thăng trầm lịch sử

Không chỉ có những thần tích thiêng liêng, phủ Đồi Ngang còn gắn liền với dòng chảy lịch sử của đất nước từ thời kỳ phong kiến cho đến hiện đại. Phủ Đồi Ngang được xây dựng từ thời nhà Lê, đến ngày nay, đã được trùng tu lại nhiều lần. Hiện tại, phủ Đồi Ngang còn lưu giữ khánh, bia cổ từ thời Tự Đức (nhà Nguyễn) và sắc phong ở thời Thành Thái (nhà Nguyễn). Đạo sắc ghi công lao với đất nước của các vị thần, thánh được vua sắc phong. Trong đạo sắc có ghi tại các thôn, bản, làng, châu, huyện được miễn thuế ba năm để người dân có thể “tôn cấp, lập thờ” các ngài.

Ông Tuất cũng kể lại tích chuyện về công lao của Thánh Mẫu Liễu Hạnh tại nơi đây: “Lúc bấy giờ, khi quân triều đình đang chống lại sự xâm lược của quân Xiêm. Vị tướng dẫn quân đi chinh chiến đã vào đền Thánh Mẫu ở phủ Đồi Ngang để xin sự “phù trợ” của thần linh. Đến khi ra trận, quân đội nước ta đã dùng ít địch nhiều, chiến thắng vẻ vang quay về. Câu chuyện sau lan truyền rộng rãi trong dân gian, được nhiều người cho rằng đó là nhờ quân Thiên Đình phù trợ, nên dù ít, nhưng quân ta vẫn chiến thắng một cách nhanh chóng. Thánh Mẫu ở phủ Đồi Ngang được đạo sắc phong là Thượng Thượng Đẳng Thần (vị thần giỏi nhất trong một trăm vị các thần), cũng là người hộ quốc bảo vệ cho con dân, đất nước sống trong bình yên, hạnh phúc”.

Phủ Đồi Ngang đã trải qua rất nhiều thăng trầm của lịch sử. (Khung ảnh lưu giữ kỷ niệm tại phủ Đồi Ngang, nguồn: Diệp An)

Phủ Đồi Ngang đã trải qua rất nhiều thăng trầm của lịch sử. (Khung ảnh lưu giữ kỷ niệm tại phủ Đồi Ngang, nguồn: Diệp An)

Trải qua mấy trăm năm, đến thời kỳ chống Pháp, trong chiến dịch Tây Nam - Ninh Bình, là một trận đánh lớn trong chiến tranh Đông Dương. Ngày đó, tất cả người dân đều đồng lòng chống thực dân Pháp, huyện Nho Quan (Ninh Bình) cũng không ngoại lệ. Phần lớn đồ đạc ở trong phủ đều được sử dụng để ngăn chặn xe cộ của quân Pháp hành quân. Khi cuộc chiến ngày càng trở nên ác liệt, do bom đạn của quân giặc, phủ Đồi Ngang cũng đã bị phá hoại rất nhiều. Sau kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, do những biến động của thời kỳ lịch sử, phủ Đồi Ngang lại bị phá bỏ lần nữa, đồ đạc trong đền như các câu đối, bộ bàn ghế cổ,… đều được mang ra làm băng rôn, khẩu hiệu.

Đến năm 1991, phủ Đồi Ngang chỉ còn hai gian nhà tranh, chít vách đất rất đơn sơ, thô lậu. Ông Tuất kể lại, lúc bấy giờ, ông cụ thân sinh ra người thủ nhang hiện tại, cũng là bố vợ của ông Tuất - cụ Lan, đã đứng ra xây dựng lại nơi đây. Không chỉ tự bỏ vốn liếng ra để xây lại ngôi phủ này, cụ Lan còn đi đến rất nhiều gia đình có điều kiện ở huyện Nho Quan và các vùng lân cận để xin quyên góp, dựng lại phủ Đồi Ngang khang trang và đẹp đẽ hơn. Ở ngay tại cửa phủ vẫn còn hai câu đối: “1953 giặc phá đi, 1991 ta xây lại”.

Tính đến hiện nay, ông Phạm Văn Tuất cho biết, phủ Đồi Ngang đã được trùng tu rất nhiều lần. Lần đầu là cuối năm 80, đầu năm 90, lần hai là năm 2012, cho nên những ghi chép trước những năm 2000 là không chuẩn xác. Kể từ đó, cứ vài năm, phủ lại được trùng tu hoặc sửa chữa. Sau mỗi lần khôi phục, thì phủ Đồi Ngang lại có những thay đổi nhất định. Như trước đây, đền Cậu Bé Đồi Ngang chỉ chiếm một diện tích nhỏ, bây giờ do nhu cầu thực tế và khi “Những thực hành liên quan đến tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, đền Cậu đã được làm riêng một khu, xây dựng khang trang, rộng lớn. Hiện tại, quần thể phủ Đồi Ngang là một trong ba phủ lớn nhất miền Bắc bên cạnh phủ Dầy (Nam Định) và phủ Tây Hồ (Hà Nội).

Và những câu chuyện hư thực

Bên cạnh bề dày về lịch sử, phủ Đồi Ngang còn có rất nhiều câu chuyện hư hư, thực thực. Người dân ở quanh khu vực phủ Đồi Ngang có truyền nhau một câu chuyện vào khoảng thế kỷ thứ mười bảy, mười tám, quan quân triều đình lúc bấy giờ được lệnh san bằng, phá hủy phủ Đồi Ngang. Trong những năm ấy, các châu, các huyện quanh đây đều mất mùa, bệnh dịch liên tiếp hoành hành. Cho đến ngày lễ hội, Thánh Mẫu giáng thế, hiển linh, chỉ bảo người dân phải “tôn cấp, lập thờ”. Rồi những người dân ấy ngất đi, khi tỉnh lại họ không còn nhớ gì nữa.

Không ít những câu chuyện hư thực diễn ra ở Phủ Đồi Ngang. (Nguồn: Đậu Hạt)

Không ít những câu chuyện hư thực diễn ra ở Phủ Đồi Ngang. (Nguồn: Đậu Hạt)

Tại đây, cũng có nhiều người hiếm muộn hoặc muốn có con trai nối dõi đến làm lễ để cầu xin. “Nơi đây, có nhiều gia đình, cặp vợ chồng đến để cầu con, có người xin cũng được như ý nguyện”, ông Tuất cho biết. Ngoài ra, người dân ở quanh đây từ xưa đến nay cũng đến phủ để tìm của bị mất. Cứ mỗi khi chăn trâu, thả bò bị lạc, người dân quanh đây đều đến phủ Đồi Ngang thắp hương để xin Thánh Mẫu chỉ đường tìm vật. Ông Tuất kể lại: “Những người may mắn có căn duyên sẽ có linh cảm tâm linh để tìm nơi mà trâu, bò đang đi lạc, hoặc đến gia đình đang giữ trâu, bò để chuộc lại. Với một số người khác, thì đợi hai đến ba hôm sau, trâu, bò lại tự về đến nhà”…

Vào những dịp mùa xuân, những ngày lễ hội ở phủ Đồi Ngang, người dân từ khắp cả nước lại đổ về nơi đây để chiêm bái, tham gia những nghi thức, hoạt động tín ngưỡng dân gian và nhất là tín ngưỡng thờ Mẫu. Lễ hội diễn ra trong không khí tưng bừng, sôi nổi, từ trẻ đến già ai nấy cũng đều nô nức tham gia, kính cẩn bày tỏ lòng thành với Thánh Mẫu, Thánh Cậu, cũng như cầu mong những điều thuận lợi, may mắn trong cuộc sống.

Đọc thêm