Rộ chuyển nhượng đất nông nghiệp
Giữa tháng 5/2023, gia đình ông Tuấn (thôn Đông, xã An Vĩnh) quyết định bán đi 1.000m2 đất, cắt ra trong hơn 4 sào đang trồng hành, tỏi. Khi được trả giá 2,5 tỷ đồng, ông không chần chừ, lập tức đi làm thủ tục sang tên. Ông cho rằng, với nguồn thu nhập từ trồng hành, tỏi khá bấp bênh, có được số tiền lớn như này, ông có thể lấy đầu tư vào việc khác và trang trải cuộc sống sinh hoạt. Đây cũng là tâm lý của một số gia đình khác. “Được giá thì bán”, một người dân khác nói.
Theo một số người dân huyện đảo, hiện giá đất nông nghiệp ở đây cao gấp 20-30 lần so với giá quy định của nhà nước. Tùy vị trí mà đất được mua với giá 1 - 1,5 triệu đồng/m2. Những thửa đất có mặt tiền hướng biển, gần trung tâm huyện được mua với giá cao hơn. Đặc biệt, từ khi Thủ tướng Chính phê phê duyệt điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Dung Quất, huyện đảo Lý Sơn được định hướng phát triển thành TP, có sân bay và nhiều dự án lớn khác, thì giá càng tăng. Tình trạng chuyển nhượng đất nông nghiệp tại Lý Sơn cũng vì thế sôi động.
Theo tìm hiểu của PV, trong 4 tháng đầu năm nay, Văn phòng Đăng ký đất đai - Chi nhánh huyện Lý Sơn tiếp nhận 24 hồ sơ chuyển nhượng đất nông nghiệp. Trong đó 18 hồ sơ đã được giải quyết. Các cá nhân nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp không phải người dân Lý Sơn, mà đến từ nhiều tỉnh thành; trong đó có nhiều trường hợp mua gom nhiều thửa đất nông nghiệp cùng lúc.
Có một trường hợp ngụ Hà Nội đã được giải quyết thủ tục nhận chuyển nhượng cùng lúc 6 thửa đất nông nghiệp, tổng diện tích 2.3000m2. Hay một người phụ nữ ngụ huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) cũng mua 3 thửa đất nông nghiệp, tổng diện tích gần 1.400m2.
Thông tin với báo chí, Văn phòng Đăng ký đất đai - Chi nhánh huyện Lý Sơn cho hay, hiện chỉ có quy định tạm dừng chuyển nhượng đất nông nghiệp tại đảo Bé (huyện đảo Lý Sơn). Riêng ở đảo Lớn, không có bất cứ văn bản nào quy định nội dung này. Thời gian qua, đơn vị chỉ tiếp nhận, giải quyết thủ tục chuyển nhượng đất nông nghiệp tại đảo Lớn. Việc này phù hợp với chỉ đạo của tỉnh và các quy định pháp luật.
Theo thống kê, Lý Sơn có hơn 22.000 dân, khoảng 55% dân số tham gia sản xuất nông nghiệp. Huyện có trên 300ha đất nông nghiệp, chủ yếu trồng hành, tỏi. Để ngăn chặn tình trạng đầu cơ đất nông nghiệp, chính quyền huyện đảo đã chỉ đạo tăng cường quản lý đất đai. Bà Phạm Thị Hương, Chủ tịch UBND huyện, xác nhận, mới đây huyện đã chỉ đạo tạm dừng chuyển nhượng đất nông nghiệp cho người dân ngoài địa phương (thông báo ngày 19/5). Điều này nhằm ngăn chặn việc đầu cơ đất nông nghiệp, gây tác động xấu đến huyện đảo.
Tạm dừng để chờ quy hoạch chi tiết
Trước chỉ đạo trên, một số ý kiến, với đất nông nghiệp mà trồng lúa thì mới có một số hạn chế như người không trực tiếp sản xuất, trồng lúa không được nhận chuyển nhượng đất. Còn với đất nông nghiệp khác, nếu đủ điều kiện về giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, không có tranh chấp, đang trong thời hạn sử dụng đất, không bị kê biên để thi hành án... thì người dân được chuyển nhượng bình thường. Quy định hạn chế chuyển nhượng cho người không sinh sống ở Lý Sơn là không phù hợp.
Trao đổi với báo Pháp luật Việt Nam, bà Hương nhấn mạnh, chính quyền đang yêu cầu tạm dừng để chờ quy hoạch chi tiết 1/2000 đô thị Lý Sơn hiện đang được BQL Khu kinh tế Dung Quất và các khu công nghiệp Quảng Ngãi triển khai. Trước mắt, việc chuyển nhượng đất nông nghiệp cho người dân ngoài địa phương sẽ ảnh hưởng đến quá trình thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng các công trình, dự án thu hút đầu tư khi triển khai các quy hoạch trong thời gian tới.
Bà Hương cũng cho rằng, đất nông nghiệp nhưng người ngoài địa phương mua rồi không làm, thì thực chất là đầu cơ, khi đó đất bỏ hoang, làm mất đi nghề truyền thống của huyện đảo. Bên cạnh đó, việc người dân bán đất lấy tiền, chỉ nhìn thấy cái lợi trước mắt còn không có ngành nghề chuyển đổi, cũng là bài toán nan giải về sinh kế bền vững sau này.
Theo bà Hương, nhiều giao dịch đất đai trong thời gian qua được người dân thực hiện thông qua các văn phòng công chứng tư, không thông qua chính quyền địa phương nên công tác quản lý gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, huyện yêu cầu các phòng, ban, đơn vị tiếp tục thực hiện và tuyên truyền thực hiện nghiêm quy định của Nhà nước, chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh tại Chỉ thị 09/CT-UBND ngày 15/9/2022 về việc tăng cường công tác quản lý, sử dụng đất ven biển trên địa bàn Quảng Ngãi; chỉ đạo của UBND huyện tại các Công văn 1821/UBND-NNTN ngày 28/4/2021; 1136/UBND ngày 29/4/2021; 1137/UBND ngày 29/4/202; 3337/UBND ngày 14/10/2022; 1502/UBND ngày 16/5/2023 về tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất đai.
Huyện cũng giao bộ phận một cửa huyện và Trưởng các phòng TN&MT, Tư pháp, Văn phòng đăng ký đất đai thực hiện nghiêm việc tiếp nhận và trả kết quả đúng theo quy trình quy định; thường xuyên giám sát cán bộ thực hiện nhiệm vụ; chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND huyện nếu để xảy ra trường hợp giải quyết hồ sơ của tổ chức, cá nhân là người đất liền nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp.
Trả lời PLVN, một cán bộ Văn phòng đăng ký đất đai - Sở TN&MT tỉnh Quảng Ngãi (đề nghị giấu tên) cho biết, chủ trương không chuyển nhượng đất nông nghiệp ở đảo cho người không sinh sống ở đảo có từ 2018; nhưng được huyện làm quyết liệt thời gian gần đây nhằm tránh đầu cơ, ảnh hưởng thực hiện các dự án. “Tuy nhiên chỉ đạo này chưa phù hợp pháp luật, vì người dân có quyền chuyển nhượng đất, trừ khi địa phương có thông báo thu hồi đất cho dự án. Đặt vấn đề một số người dân ở huyện đau ốm, có con đi học muốn bán đất lấy tiền trang trải, cũng bị ảnh hưởng với thông báo cấm chuyển nhượng”, vị này nói.
LS Lê Cao (Đoàn LS Đà Nẵng), nhìn nhận, việc quản lý vấn đề sử dụng đất cần dựa trên chính sách đồng bộ về kinh tế - xã hội của các địa phương theo kế hoạch, quy hoạch sử dụng đất lâu dài, bền vững.