Ly thân đang “ngoài vòng luật pháp”

Luật không quy định nên không có một định nghĩa chính xác về ly thân, không có cơ quan, tổ chức nào đứng ra giải quyết cho ly thân theo hướng ra quyết định hoặc bản án công nhận cho ly thân. Trong quy định về căn cứ cho ly hôn không có quy định là vợ chồng phải sống ly thân một thời gian rồi mới được ly hôn.

[links()]Có nhiều nguyên nhân để người trong cuộc chọn ly thân như mâu thuẫn xích mích giận dỗi nhau, do bồng bột, do bị phản bội, không thể hàn gắn được vết rạn nứt của trái tim. 
Ly thân, hiểu đơn giản là sự sống riêng giữa vợ và chồng, như là không ăn chung, ở chung, không sinh hoạt vợ chồng. Ly thân sẽ giúp vợ chồng không tiếp xúc với nhau một thời gian. Họ có thể ở riêng hai người hai nơi, có thể vẫn chung nhà mà không chung phòng. Đó là khoảng thời gian để hai người bình tĩnh nhìn nhận lại vấn đề một cách toàn diện và nghiêm túc, có đủ thời gian để cân nhắc. 
Hình minh họa
Hình minh họa
 Con dao hai lưỡi
Tuy nhiên, ly thân giống như con dao “hai lưỡi”, có thể hàn gắn tình cảm vợ chồng nhưng cũng có thể đẩy 2 người xa nhau mãi mãi hoặc sống đến hết đời bên nhau mà không chút tình cảm, tất cả chỉ vì con cái.
Nếu hai người chọn giải pháp ly thân để dành một khoảng lặng nhìn lại mọi việc, nhìn lại những khiếm khuyết của bạn đời và bỏ qua để tái hợp thì là điều cần thiết. Nhưng kéo quá dài sẽ dẫn đến sự mệt mỏi, buông xuôi, chấp nhận cuộc sống chung nhà mà không chung lòng, không cần đến ly dị nữa. 
Ngoài ra, khác với ở các nước phương Tây, người Việt Nam thường ly thân nhưng vẫn sống chung nhà, mọi giao tiếp chỉ là chiếu lệ. Trước mặt người thân, bạn bè, hàng xóm họ vẫn tỏ ra quan tâm yêu thương nhau. “Điều này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý của người con. Vì khi cha mẹ - những người thân cận và đáng tin nhất mà còn lừa dối thì sẽ chẳng còn gì đáng tin nữa. Và như vậy giải pháp ly thân trở thành quyết định sai lầm lớn, còn nguy hiểm hơn cả ly hôn” - Tiến sĩ xã hội học Hoàng Bá Thịnh nhận định.
Những người chấp nhận ly thân lại đặt ra nhiều câu hỏi như: Thời gian ly thân nên kéo dài bao nhiêu lâu là đủ?. Và nếu trong thời gian ly thân, những người trong cuộc có được phép thiết lập một mối quan hệ khác hay vẫn phải giữ phận sự là vợ, là chồng, là cha, là mẹ?. Ai được lợi trong cuộc ly hôn này - những người đã quá ngán ngẩm nhau, những đứa trẻ ngây thơ vô tội hay là họ hàng và những người dưng xung quanh?...
Điều chỉnh ly thân bằng pháp luật?
Câu hỏi này chưa có được lời giải hữu hiệu vì Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 hoàn toàn không có chế định về ly thân. Cũng bởi Luật không quy định nên không có một định nghĩa chính xác về ly thân, không có cơ quan, tổ chức nào đứng ra giải quyết cho ly thân theo hướng ra quyết định hoặc bản án công nhận cho ly thân. Trong quy định về căn cứ cho ly hôn không có quy định là vợ chồng phải sống ly thân một thời gian rồi mới được ly hôn.
Ông Nguyễn Hồng Hải - Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế (Bộ Tư pháp) nhấn mạnh: Về mặt pháp lý, ly thân ở nước ta không được điều chỉnh, trong khi thực tiễn xã hội đã và đang tồn tại nhiều việc ly thân, những hậu quả về nhân thân, tài sản và con cái từ những việc ly thân chưa được pháp luật quy định. Không những thế, Việt Nam có một cộng đồng lớn cư dân theo Công giáo với giáo lý không chấp nhận ly hôn. Do đó, rất nhiều quan hệ hôn nhân trong cộng đồng Công giáo không thể ly hôn theo giáo lý Nhà thờ đã phải sống ly thân, nhưng quyền và lợi ích hợp pháp của họ và con chưa thành niên không được bảo vệ vì không có hành lang pháp lý.
Ông Hải cũng cho biết, trên thế giới, ly thân là một trong các giải pháp pháp lý được nhiều nước ghi nhận, với 3 mục đích sau: như là một biện pháp giải quyết mâu thuẫn của vợ chồng ngoài biện pháp cuối cùng là chấm dứt hôn nhân bằng ly hôn; tạo căn cứ pháp lý điều chỉnh về nhân thân, tài sản và con trong khi hôn nhân của họ chưa chấm dứt về mặt pháp luật; đảm bảo sự minh bạch, công khai trong các giao dịch dân sự. Bởi vậy, một định hướng lớn trong xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 là bổ sung chế định ly thân.
Tán thành với định hướng trên, bà Ngô Thị Hường (Trường Đại học Luật Hà Nội) điểm lại “lịch sử”: Pháp luật về gia đình ở miền Nam Việt Nam giai đoạn 1954 – 1975 đã quy định chế định ly thân. Năm 2000, vấn đề này cũng đã được đưa vào trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Hôn nhân và gia đình năm 1986 nhưng không được Quốc hội thông qua.
Tuy nhiên, theo kết luận của Ban Bí thư Trung ương Đảng ngày 9/5/2011 rằng ly thân là một trong những tồn tại của gia đình chậm được khắc phục thì trong lần sửa đổi Luật Hôn nhân và Gia đình tới đây, việc bổ sung chế định ly thân là cần thiết. Cụ thể, bà Hường kiến nghị, trong chế định ly thân nên có các quy định về căn cứ ly thân, hậu quả của ly thân, ai có quyền yêu cầu ly thân, cơ quan giải quyết vấn đề ly thân. 

Uyên San

Đọc thêm