Theo lề lối truyền thống, lý tưởng thẩm mỹ của Nguyễn Bỉnh Khiêm thể hiện ở quan điểm về thơ và nhạc.
Hồ nước trong khu đền thờ Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm Ảnh: Hoàng Phước |
Đối với thơ, ông sáng tác khá nhiều nhất là thơ chữ Hán, trong đó Bạch Vân quốc ngữ thi tập. Lâu nay, chúng ta chưa đọc hết, hoặc chưa hiểu hết thơ ông, nên cứ tưởng thơ ông thiên về đạo lý khô khan. Có biết đâu khi cởi mở thì thơ ông cũng có chất thép như dao chém đá: Vạn cổ gian hùng vô địa táng/Nhất sinh trung nghĩa hữu thiên lâm, nghĩa là: (Muôn thủa gian hùng không đất táng/Một đời trung nghĩa thấu trời cao).
Hay chất thơ hào hùng khi tiếp sứ nhà Minh sang ta: Bắc Nam tích dĩ thù phân hạn/Vũ trụ kim đồng nhất thái hòa (Bắc nam vốn đã chia bờ cõi/Vũ trụ nay chung sống thái bình); Hoặc có chất thơ não nề, nhân gặp thu sang, khi phải xa quê hương biền biệt: Kỷ hồi cô chẩm song hàng lệ/ Độc tính hàn châm bản dạ thanh (Bao đêm gối chiếc lệ rơi/ Nghe ai nện vải khôn nguôi tấc thầm)
Bởi có ý thức xây dựng và bảo vệ nền văn hiến dân tộc, nên dù có làm thơ chữ Hán, Nguyễn Bỉnh Khiêm vẫn thể hiện ở mức độ cao nội dung và chất liệu thơ dân tộc. Thơ của ông có những câu tả cảnh ngụ tình hấp dẫn có thể so sánh với những câu thơ hay trong Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi, hay trong Hồng Đức quốc âm thi tập của các nhân sĩ thời Lê Thánh Tông: Ái ưu vằng vặc trăng in nước/ Danh lợi lâng lâng gió thổi hoa” (bài 1) hoặc: Đêm đợi trăng lòng soi bóng cúc /Ngày chờ gió thổi tìm hoa”(bài 19)
Trong Bạch Vân quốc ngữ thi tập, Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng sử dụng cả thể thơ thất ngôn pha lục ngôn và cách kết hợp nhuần nhuyễn, như bốn câu thực và luận trong bài 127: Dặng dõi bên tai cầm suối/ Dập dìu trước mặt cánh sen/ Xuân về hoa nở mùi hương nức/ Khách đến chim mừng dáng mặt quen. Đọc Bạch vân quốc ngữ thi tập, chúng ta bắt gặp ngoài những tri thức chung của nhân loại, rất nhiều tri thức dân gian của dân tộc ta qua thành ngữ, cổ ngữ, tục ngữ, ca dao Việt
Bùi Văn Nguyên