Nộp mấy trăm triệu tiền huy động vốn, sau gần 5 năm, nhà đầu tư được gọi lên để thanh lý “cam kết” cũ và nộp tiền theo thời giá mới. Câu chuyện “bắt chẹt” khách hàng đang diễn ra tại dự án Viglacera Xuân Phương (Hà Nội).
Khách hàng giăng băng rôn phản đối Vigracera. Ảnh: MH |
Thông báo một đằng, bán một nẻo
Năm 2007, UBND TP. Hà Nội cho phép Tổng công ty Thủy tinh và gốm xây dựng (Viglacera) chuyển đổi mục đích sử dụng đất tại Nhà máy gạch Từ Liêm trên địa bàn xã Xuân Phương, huyện Từ Liêm (Hà Nội) và khu đất thuộc Công ty cổ phần cơ khí và xây dựng Viglacera tại xã Đại Mỗ, huyện Từ Liêm (Hà Nội) sang xây dựng nhà ở để bán.
Trong dự án tại Xuân Phương (Từ Liêm), sau đây gọi tắt là Viglacera Xuân Phương, được phép xây nhà ở liền kế, diện tích bình quân 100m2/lô đất và chiều cao trung bình 3 – 4 tầng. Đơn giá chuyển nhượng đất khoảng 8 triệu đồng/m2; đơn giá hoàn thiện 3,5 triệu đồng/m2. Bình quân khoảng 1,657 tỷ đồng/căn nhà, bao gồm cả đất và xây dựng nhà hoàn thiện.
Trong văn bản 125/TCT-TCKT ngày 8/2/2007 gửi các đơn vị thành viên, Viglacera cho hay, để tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ công nhân viên các đơn vị trong tổng công ty có nhu cầu mua nhà ở thuộc dự án nói trên, tổng công ty sẽ huy động vốn tối thiểu 20% giá trị 1 căn nhà (khoảng 330 triệu đồng) với thời gian 6 tháng, lãi suất 0,8%/tháng. Những người đăng ký mua căn hộ có vốn góp huy động như trên sẽ được ưu tiên chọn hướng và vị trí lô đất phù hợp. Cán bộ công nhân viên các đơn vị đăng ký mua và nộp tiền huy động vốn trước ngày 13/2/2007.
Sau thông báo đó, người đăng ký mua đã thực hiện góp vốn cho công ty. Theo trình bày của bà Nguyễn Xuân Hà, một nhà đầu tư góp vốn cho dự án, trải qua suốt 5 năm qua, Công ty Đầu tư hạ tầng và Đô thị Viglacera không có thông báo gì cho nhà đầu tư. Thế nhưng, cách đây vài tháng, công ty này đã gọi khách hàng lên thông báo thanh lý sổ tiết kiệm với lãi suất 0,8%/tháng. Đồng thời, công ty này yêu cầu khách hàng đóng 100% tiền đất với giá 34 triệu đồng/m2 đến 40 triệu đồng/m2 tiền đất và 9,3 triệu đồng/m2 đến 10,8 triệu đồng/m2 tiền xây dựng.
Nhà đầu tư “tiến thoái lưỡng nan”
Trong văn bản số 136/2011/ĐK-VIGLACERA đứng tên người đăng ký là Nguyễn Xuân Hà, lập ngày 24/10/2011, trong phần cam kết của người đăng ký, ghi rõ: “Trong vòng 7 ngày kể từ ngày Bên B thông báo cho Bên A đến làm thủ tục để ký kết Hợp đồng mua bán nhà ở, nếu Bên A không đến làm thủ tục này thì bên B được quyền coi như bên A từ chối tham gia mua bán sản phẩm nhà ở của bên B và được đơn phương chấm dứt/hủy bỏ Bản đăng ký này. Bên A phải chịu phạt một khoản tiền bằng 10% giá trị quyền sử dụng đất nêu tại Mục III.4” (mức giá mới được thông báo).
Bà Nguyễn Xuân Hà than vãn: “5 năm vừa rồi công ty không có ý kiến gì về khoản tiền đã đóng. Thế mà có thông tin ngày 20/11 rồi hạn đến 24/12 không đóng 100% tiền đất với giá 34 triệu đồng/m2 thì không được mua đất, chưa kể tính hệ số đường to, đường nhỏ. Giá như vậy là khá cao so với mặt bằng thị trường trong khu vực. Hơn nữa, chúng tôi là người góp vốn cho công ty từ 5 năm nay. Nếu theo đúng công văn “huy động vốn trong thời gian 6 tháng”, thì công ty đã chiếm dụng vốn của khách hàng suốt hơn 4 năm qua”.
Nhà đầu tư này cho hay, công ty sẽ trả lại số tiền 330 triệu đồng và trả lãi suất 0,8%/tháng từ năm 2007 đến giờ. “Trước đây chúng tôi nhìn dự toán công ty thông báo để mua sản phẩm. Nay công ty lại khảo sát thị trường chợ đen để áp đặt giá cho nhà đầu tư. Việc áp đặt này là không thể được vì chúng tôi đều là người mua từ đầu”, bà Hà bức xúc
“Chúng tôi đề nghị, trong bối cảnh giá nhà đất liên tục giảm như hiện nay, công ty cần xem xét lại cho hợp tình hợp lý để khách hàng khỏi phải đi khiếu kiện khắp nơi, vừa mệt mỏi, vừa mang tiếng cho một thương hiệu lớn như Viglacera”, bà Hà phân bua.
Bách Nguyễn