Thực hiện cuộc phỏng vấn này, cứ nghĩ Mai Hoa sẽ ngại ngần khi bị “truy” về chuyện riêng tư, nhưng tôi đã lầm. Chúng tôi thực hiện cuộc phỏng vấn này ngay trong phòng làm việc của nhạc sĩ Trọng Đài, ở khu nhà của Đoàn Ca nhạc Thăng Long. Trọng Đài vẫn làm việc còn tôi và Mai Hoa trò chuyện. Ngoài những câu hỏi riêng về nghiệp hát, nghiệp diễn, tôi đã đặt những câu hỏi liên quan đến chuyện riêng tư của hai vợ chồng nhưng Mai Hoa không ngại ngần hay né tránh bất kỳ câu hỏi nào. Chỉ khi Mai Hoa nhắc đến chuyện hay quên khi giận chồng, Trọng Đài mới lên tiếng “đính chính”: “Cô ấy nói quên nhưng thực ra là nhớ giai lắm đấy. Không dễ quên đâu”. Vợ chồng nhạc sĩ Trọng Đài gọi nhau là “bố”, xưng “mẹ” một cách đầy trìu mến trước mặt người lạ mà không cần giữ kẽ. Không phủ nhận sự giúp sức của “ông xã”
|
Ca sĩ Mai Hoa |
Những album chị làm đều có sự giúp sức của “ông xã” Trọng Đài. Chị nghĩ sao khi có người nói nếu không có sự giúp sức của chồng thì chị khó được biết đến với vai trò ca sĩ như bây giờ? - Tôi chưa bao giờ phủ nhận điều đó nhưng trước khi gặp ông xã tôi cũng đã từng đạt giải nhất tiếng hát truyền hình. Tôi cũng được đồng nghiệp nhìn nhận là người có giọng hát vô cùng lạ và hay. Tôi cũng có một hình thức tốt. Vậy thì không có lý do gì tôi không thể đi lên bằng đôi chân của mình. Tất nhiên, nếu có sự giúp sức của một người như ông xã cũng là một điều may mắn đối với tôi. Nhà tôi có một đặc thù là tất cả mọi người trong gia đình luôn hỗ trợ nhau để đi lên. Anh Trọng Đài sáng tác thì tôi là người thể hiện những ca khúc ấy. Nhiều bạn bè trêu “bài của ông thì cũng thường thôi nhưng nhờ Mai Hoa mà ca khúc của ông thành ra đặc biệt. Cũng có người nói rằng, nhờ Trọng Đài mà Mai Hoa được khán giả nhớ tới là cô ấy đã từng hát bài gì...” (cười lớn). Đó âu cũng là một sự tương hỗ cần phải có trong đời sống vợ chồng.Nhiều người nói, chị mang mệnh Mộc, anh mệnh Thủy nên vợ chồng ít khi cãi cọ, xung đột với nhau. Nhưng một khi đã xung đột thì luôn lớn chuyện? - Tất nhiên, đã gọi là vợ chồng thì không thể tránh được sự va chạm trong cuộc sống, đó là chuyện rất thường tình. Huống hồ tôi và Trọng Đài, hai con người ở hai thế hệ khác nhau, ảnh hưởng bởi hai nền giáo dục khác nhau. Thế nhưng với tôi, khi đã là vợ chồng nghĩa là chúng tôi luôn hướng đến những gì tương đồng nhất để mà chia sẻ và thấu hiểu. Vậy sự trái ngược lớn nhất giữa chị và ông xã là gì? - Trong âm nhạc, sự trái ngược dễ nhận thấy nhất đó là chồng tôi thoải mái, phóng khoáng bao nhiêu thì tôi lại tính toán bấy nhiêu. Còn trong cuộc sống, chúng tôi ít khi soi xem giữa hai người có những gì trái ngược lắm. Cũng không có thời gian để soi nữa. Khi quyết định làm một việc gì đó trọng đại thì chúng tôi thường hay bàn thảo với nhau và một khi không bàn được nữa thì sẽ làm theo cách làm của một trong hai người.Những lúc không thể bàn nổi dẫn đến cãi cọ thì chị hay ông xã là người xuống nước trước? - Ông xã thường là người xuống nước trước (cười lớn). Thật ra thì anh ấy biết tôi là một người dễ thỏa hiệp nên hay tìm cách đưa tôi vào tròng thì đúng hơn. Khách quan mà nói thì khi hai người nóng thì phải có một người lùi nhưng vì tôi cũng không phải là người cố chấp nên mọi chuyện không bao giờ căng thẳng đến mức không giải quyết nổi. Còn trong những lần tranh luận này nọ thì có những lúc tôi nhường, nhưng đa phần là chồng tôi nhường nhiều hơn. Mỗi lúc như thế, trong gia đình, anh là người nhiều “đồng minh” hơn hay chị? - Nhà tôi có một nguyên tắc là giải quyết mâu thuẫn riêng, có tranh luận gì thì đóng cửa bảo nhau chứ tuyệt đối không cho trẻ con và người già biết. Và nói chung là chúng tôi rất ít những cuộc cãi vã cần phải “đóng cửa”.Đã bao giờ chị hay anh ấy giận nhau dài ngày? - Chưa. Đôi lúc cũng muốn giận anh ấy cho anh ấy biết tay “đàn bà” thế nhưng tôi lại là người hay quên nên muốn giận cũng chẳng giận được. Nhiều lúc cứ sợ mình hay quên như thế chồng sẽ tái phạm nên lại nghiêm mặt: “Không quên đâu nhé! Giống như cái ghế, chưa ngồi thì gấp lại để đó chứ không phải vất đi đâu” (cười).Cảm động trước “tấm gương” bí thư Kim Ngọc
|
Khi vào phim chị thường thủ vai thiếu nữ thôn quê, mộc mạc, bình dị. Chị nghĩ sao khi các đạo diễn hay giao cho chị những vai diễn đó? - Cái này là do sự lựa chọn của đạo diễn thành ra mình cũng không thể nói hết được. Nhưng theo như tôi nghĩ, khi một người đạo diễn đã quyết định giao những vai như thế cho tôi thì tất nhiên đạo diễn phải biết khả năng của tôi như thế nào mới dám giao vai. Ở đây tôi cũng không quan trọng là mình phải vào vai diễn đài các, sang trọng thì mới sáng hình ảnh mà tôi chỉ nhận vai nào tôi thấy hợp. Sau hai vai diễn cô Tám trong “Hương Đất” và bí thư Chi trong “Bí thư tỉnh ủy”, khi đi ra ngoài tôi đã nhận được rất nhiều tình cảm trìu mến của khán giả. Nhiều còn bất ngờ vì ngoài đời tôi không nông thôn chút nào mà vào vai lại “ngọt” như thế. Tôi cũng chia sẻ với họ rằng, tuy tôi sinh ra ở thành thị nhưng ông bà, bố mẹ tôi là người gốc thôn quê. Tôi từng theo bố mẹ lội xuống ruộng, ao... để vớt bèo, gặt lúa từ khi còn nhỏ. Tôi cũng là một người rất hay để ý và quan sát, từ một chị đồng nát, đến một cậu bé chăn trâu... khi đi qua tầm nhìn của tôi đều được tôi quan sát rất kỹ. Đó chính là điều thuận lời giúp tôi hóa thân vào nhân vật mà không hề gượng gạo, đóng kịch một chút nào.Thế nhưng người ta vẫn thấy một cô Chi – bí thư huyện ủy Tam Bình đi ra chiến hào, lội xuống ruộng sâu với một bộ quần áo diêm dúa, phẳng phiu đến khác thường? - Đây là điều nằm ngoài chủ kiến của tôi. Như bạn biết, chúng tôi có một ê kip làm phim và phục trang là do họa sỹ lên sẵn cho chúng tôi. Tôi ra trường quay mặc áo gì, đi dép gì, cài tóc như thế nào, trang điểm ra sao... đều có sự chỉ đạo hết. Thêm nữa, cô ấy không phải là thôn nữ thuần túy mà cô ấy là một bí thư huyện nên cô ấy ở một vị trí rất khá. Nếu để ý, trong phim cô Chi rất ít khi mặc áo bà ba. Cô ấy chủ yếu mặc áo sơ mi để tách rời hẳn hình ảnh của cô này ở trên huyện khắc với những người nông thôn. Tôi cũng từng nghe các cụ sống ở đó phản ánh lại là ở thời đó, nếu cặp ba lá thì không bao giờ để mạ trắng loáng như thế mà phải dùng vải quấn lại cho tối hoặc nếu mặc áo màu sáng thì phải vấy bùn lên nếu không địch sẽ phát hiện được. Tuy nhiên, phim chỉ mang 70 – 80% là ước lệ, không thể giống 100% như ngoài đời thật được. Huống hồ một bộ phim tái hiện lại một thời kỳ lịch sử dài tới 50 tập thì không thể chỉn chu đến từng chi tiết nhỏ như thế được.Điều gì còn đọng lại trong chị sau khi đã hoàn thành vai cô Chi trong phim “Bí thư Tỉnh ủy”? - Trong bộ phim, một nửa về trước vai cô Chi còn rất mờ nhạt nhưng càng về sau vai trò và hoạt động của cô ấy càng rõ nét dần. Và đây là lần thứ hai tôi hóa thân vào vai thiếu nữ thôn quê, đúng cái bản ngã mà vai diễn trước tôi từng trải qua do đó tôi cũng không có nhiều bỡ ngỡ. Tôi cảm thấy cảm động trước một con người như ông Ngọc – là Bí thư của một Tỉnh ủy mà dám đi ngược lại đường lối của Đảng ở thời điểm đấy để lo cho cuộc sống của dân. Chính vì xúc cảm nên tôi cùng anh Quốc Trọng đã đứng ra soạn lời cho bài hát “Đợi xuân trên quê hương”. Tôi cũng là người viết nhạc và thể hiện ca khúc đó luôn. Là dân tay ngang, theo đuổi một bộ phim truyền hình dài tập như thế, có lúc nào đó chị cảm thấy hụt hơi? - Tôi có thói quen, nếu không làm được thì tôi nghỉ luôn, nghỉ ở nhà chơi với con, nghỉ cả tháng tôi cũng không thấy gì. Còn khi đã nhận làm thì bao giờ tôi cũng làm đến cùng và đã làm là say mê dứt ra không được. Trong phim nhạc hay phim ảnh đều như thế hết.
Theo Hà Tùng Long
GĐ&XH
GĐ&XH