Mãi mãi gắn bó... Mãi mãi diệu kỳ...

Cả Đà Nẵng và Quảng Nam đều tiến hành Đại hội Đảng vào tháng 9 năm 2010, năm của những sự kiện lớn đầy ý nghĩa. Quảng Nam-Đà Nẵng vừa kỷ niệm 35 năm Ngày hoàn toàn giải phóng. Nếu tính từ khi bị cuốn vào vòng xoáy của chiến tranh thế giới lần thứ 2, thì mảnh đất này đã đi qua 35 năm chiến tranh và 35 năm hòa bình.
Cả Đà Nẵng và Quảng Nam đều tiến hành Đại hội Đảng vào tháng 9 năm 2010, năm của những sự kiện lớn đầy ý nghĩa.

Cầu bắc qua sông Trường Giang, nối liền hai xã Duy Thành và Duy Nghĩa, huyện Duy Xuyên. Cầu là tuyến nối huyết mạch, thông suốt các xã vùng Đông huyện Duy Xuyên với huyện Thăng Bình. Tổng kinh phí đầu tư 75 tỷ đồng, do UBND huyện Duy Xuyên làm chủ đầu tư.
Quảng Nam-Đà Nẵng vừa kỷ niệm 35 năm Ngày hoàn toàn giải phóng. Nếu tính từ khi bị cuốn vào vòng xoáy của chiến tranh thế giới lần thứ 2, thì mảnh đất này đã đi qua 35 năm chiến tranh và 35 năm hòa bình.

70 năm đầy ắp những sự kiện cũng chỉ là 1/10 của 700 năm lịch sử, kể từ lúc mảnh đất này thuộc về Đại Việt sau cuộc hôn nhân Huyền Trân – Chế Mân.

Với con người, chiến tranh dù chỉ là một ngày cũng rất dài, 9 năm làm một Điện Biên, chúng ta gọi cuộc chống Pháp là trường kỳ kháng chiến. Vậy là chúng ta đã đi qua một chặng đường 4 cuộc trường kỳ.

Song 35 năm hòa bình lại dường như rất ngắn, một cái chớp mắt của lịch sử, con người hối hả lao vào cuộc dựng xây mới, can trường và nỗ lực.

Quảng Nam-Đà Nẵng là một trong những nơi gánh chịu những hậu quả nặng nề nhất của chiến tranh, những vết thương sâu không đáy trong lòng người và sự hủy diệt khủng khiếp về vật thể. Ấy thế mà con người ở đây không gục quỵ xuống, chúng ta đã làm rất giỏi công việc chuyển chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong chiến tranh cứu nước thành chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong lao động xây dựng lại đất nước (hơn 540 người đã ngã xuống và hơn 3.000 người bị thương khi khai hoang phục hóa, giành lại màu xanh, sự sống cho quê hương).

Đã xa rồi câu hát ru:

Gió nam thổi kiệt bảy ngày
Khoai lang khô đã hết, lúa vay cũng chẳng còn

Năm 1980, Quảng Nam đạt 50 vạn tấn lương thực. Cái đói như một định mệnh lơ lửng trên cuộc sống dường như đã chấm dứt. Hai năm liền 1983-1984 Quảng Nam-Đà Nẵng nhận cờ dẫn đầu thi đua cả nước.
Và hồ Phú Ninh, rừng dương Thăng Bình, thủy điện Duy Sơn, đồng lúa Đại Nghĩa cùng với những chiếc khăn 29-3, đôi dép nhựa, chiếc xe đạp, chiếc máy ươm tơ mang nhãn hiệu Đà Nẵng, chai bia sông Hàn… mỗi người Quảng Nam, mỗi người Đà Nẵng đều có đóng góp công sức và đều tự hào về những công trình, những sản phẩm ấy.

Chúng ta vừa phơi phới đi lên như thế, vừa tự trói buộc mình trong cơ chế quan liêu bao cấp, vừa theo đuổi một mô hình chủ nghĩa xã hội xa lạ. Những năm ấy, trong một bối cảnh thế giới có quá nhiều bất lợi, chúng ta cố vùng vẫy để thoát ra thì lại chìm sâu vào cuộc khủng hoảng.

Xin cảm ơn Đảng đã khởi xướng và lãnh đạo công cuộc đổi mới đem lại cho nhân dân môi trường làm ăn sinh sống như nó phải có, như mong ước của mọi người, như quy luật muôn đời.

10 năm (1986-1996) là thời kỳ dò đá qua sông để thực hiện đổi mới một sự nghiệp chưa có tiền lệ và vô cùng rộng lớn, chúng ta đã nhận thức lại bao điều ngộ nhận, sự trả giá cho chuyển đổi đâu đó cũng là bài học quý cho chúng ta.

Và một vấn đề phải đến đã đến với Quảng Nam-Đà Nẵng, trong khi vận hành cơ chế mới, là cứ giữ nguyên Quảng Nam-Đà Nẵng một đơn vị hành chính như hiện hữu, như hơn 20 năm đã qua hay chia tách.

Kể từ khi đạo Thừa Tuyên thứ 13 được thành lập năm 1471 với danh xưng Quảng Nam và nhất là từ khi Chúa Tiên Nguyễn Hoàng, tách phủ Điện Bàn (vùng đất từ Nam đèo Hải Vân đến Bắc sông Thu Bồn) ra khỏi phủ Triệu Phong Hóa Châu nhập vào dinh Quảng Nam và thiết lập (dời) dinh trấn Quảng Nam ở Thanh Chiêm, đã 400 năm cha ông chúng ta và chúng ta quen sống với một Quảng Nam-Đà Nẵng như thế, dù trong những năm tháng kháng chiến không phải chỉ chia tách Đà Nẵng, Quảng Nam mà có khi còn chia ba Đà Nẵng – Quảng Đà – Quảng Nam.

Bao câu hỏi lớn được đặt ra.

Đã luôn là một, luôn gắn bó máu thịt trong chiến đấu vì độc lập tự do, đã chung một đơn vị hơn 20 năm xây dựng lẽ nào bây giờ lại chia tách.

Nhiều người chân thành níu giữ quá khứ gắn bó ấy vì tình cảm sâu nặng, sợ mất đi, sợ tổn thương truyền thống đoàn kết.

Nhiều người băn khoăn “Đà Nẵng hẳn là khỏe rồi, sẽ vươn lên mạnh mẽ, nhưng còn Quảng Nam những khó khăn thiếu thốn dồn hết về đây, liệu có vượt được thiên nan, vạn nan”.

Rất mừng là những người lãnh đạo Quảng Nam-Đà Nẵng lúc ấy đại diện cho ý chí, nguyện vọng của cộng đồng gần hai triệu con người đã tỉnh táo, rất quý trọng truyền thống đoàn kết nhưng nhận thức rất rõ vào thời xây dựng và phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm thì tổ chức đơn vị hành chính như thế nào tạo thuận lợi cho xây dựng và phát triển kinh tế là việc nhất thiết phải làm, không thể khác được.

Chúng ta đón chào Nghị quyết chia tách Quảng Nam-Đà Nẵng với niềm tin mạnh mẽ, chia tách để phát triển, cả Quảng Nam và Đà Nẵng cùng phát triển.

Và điều này đã trở thành sự thật - cuộc sống, thành công hơn, đẹp đẽ hơn là chúng ta mong đợi.

Đáng mừng nhất là sự vươn lên của Quảng Nam.

GDP tăng liên tục ở mức cao, năm sau cao hơn năm trước, bình quân là hơn 10%/năm, từ 2.500 tỷ đồng năm 1996 đã lên 21.000 tỷ đồng năm 2009, tăng hơn 8 lần. Một cơ cấu kinh tế rất đẹp đang hình thành, từ 40,10% năm 2001, nông-lâm-thủy sản chỉ còn 23% vào năm 2009, trong thời gian ấy công nghiệp - xây dựng đã tăng từ 26,9% lên 38,6% và du lịch dịch vụ từ 33% tăng lên 39,8%, kinh tế Nhà nước giữ tỷ lệ khoảng 25%, kinh tế ngoài Nhà nước hiện chiếm 69% và kinh tế có vốn nước ngoài là 6,5%.

Dù còn 17% hộ nghèo, có 3 huyện thuộc diện các huyện nghèo nhất nước và còn nhiều lao động nông thôn phải đi tha hương làm ăn, nhưng rõ ràng trên đất Quảng Nam không còn cảnh lửa cơ đốt ruột, dao hàn cắt da; các nhu cầu về ăn, mặc, ở, đi lại, học hành, chữa bệnh của người dân được đáp ứng ngày càng tốt hơn.

Sản xuất nông nghiệp thu hút đến 60% lao động đang làm việc trong các lĩnh vực kinh tế với thu nhập từ 16,5 triệu đồng/ha năm 2001 đã lên 38,36 triệu đồng/ha năm 2009. Vẫn còn đó những cảnh tang thương sau bão lụt, nhưng nhìn chung nhà cửa khang trang hơn, đường sá ở nông thôn đều được bê-tông hóa, hầu hết hộ dân có điện, nhiều hộ có xe máy, ti-vi, điện thoại, bếp gas.

Sau khi Hội An và Mỹ Sơn được công nhận là di sản văn hóa thế giới, du lịch Quảng Nam đã có sự bứt phá, năm 2009 đón trên 1,1 triệu lượt khách quốc tế và 700.000 lượt khách trong nước. Quảng Nam đã thành thương hiệu của một vùng du lịch.

Khu kinh tế mở Chu Lai dẫu chưa được như kỳ vọng, nhưng đã đánh thức tiềm năng của những cơ sở hạ tầng quan trọng sân bay, cảng mà người Mỹ đã xây dựng trong chiến tranh, như người ta thường nói chúng ta đem gươm giáo đúc lưỡi cày. Ở một nơi có địa thế thuận lợi không đâu bằng ấy đã hình thành một trung tâm cơ khí ô-tô của Tập đoàn Trường Hải với công suất 55 nghìn xe các dòng mỗi năm.

Những cơ sở công nghiệp tuổi đã hơn 100 năm như Bồng Miêu, Nông Sơn đã sống lại với quy mô mới và những công nghệ mới. Cả một chuỗi nhà máy thủy điện bậc thang trên dòng sông Vu Gia, Thu Bồn, núi rừng có điện thay sao không chỉ ở trong thơ và nhà máy gạch ceramic hiện đại nhất Đông Nam Á, nhà máy cồn sinh học lớn nhất nước mọc lên ở những nơi mà ngày nào là vùng tự do oanh kích, hố bom chồng lên hố bom. Những người giàu tưởng tượng nhất chưa bao giờ ước mơ như thế.

Đà Nẵng đã không còn là một thành phố rốc két, một căn cứ quân sự khổng lồ, một trại tập trung khổng lồ, một xã hội tiêu thụ… của một thời chiến tranh. Tổng sản phẩm xã hội GDP đã tăng từ 2.800 tỷ đồng năm 1996 lên 24.000 tỷ đồng năm 2009, gấp hơn 8 lần. Thu nhập bình quân của một người dân đạt 1.000 đô-la/năm 2007 và năm 2010 đạt 2.015 đô-la. Cơ cấu kinh tế vốn đã đẹp từ khi chia tách, nay càng đẹp hơn, dịch vụ 50,5%, công nghiệp xây dựng 46,5%, nông- lâm-thủy sản 3%. Cơ cấu các thành phần kinh tế cũng chuyển biến tích cực, kinh tế Nhà nước từ 48,4% năm 2006 còn 39% năm 2010, kinh tế dân doanh từ 44% tăng lên 52,5%, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tăng từ 5,5% lên 6,5%.

Với 6 khu công nghiệp đã hoạt động và 2 khu công nghiệp công nghệ cao, khu công nghiệp công nghệ thông tin đang mời gọi các nhà đầu tư, với một vệt các khu du lịch cao cấp, khách sạn năm sao suốt vùng ven biển, với Bà Nà tiên cảnh, và bãi biển đẹp nhất hành tinh. Đà Nẵng xác định du lịch dịch vụ là mũi nhọn kinh tế và công nghiệp mà Đà Nẵng hướng tới là công nghiệp của nền kinh tế tri thức. Đà Nẵng đang phấn đấu xây dựng thành phố môi trường.

Sự phát triển kinh tế ở Đà Nẵng gắn bó và thể hiện ở quá trình đô thị hóa với tốc độ cao mà nét nổi bật là có đến 90.000 hộ dân đã tham gia vào các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, chỉnh trang đô thị bằng sự đồng thuận của mình. Thành phố thay da đổi thịt từng ngày, Đà Nẵng hầu như không lâm vào tình huống mệt mỏi đến chán chường vì giải tỏa đền bù. Đà Nẵng hầu như không vướng vào các vấn nạn kẹt xe, ngập nước, ô nhiễm tiếng ồn, khói bụi mà những đường phố, những khu dân cư, những công trình công cộng được quy hoạch đâu ra đấy, dáng vẻ một thành phố quy mô vừa phải nhưng hiện đại, văn minh đang xuất lộ.

Con sông Hàn là chứng nhân đầy sức thuyết phục cho số phận, cho sự vươn mình của Đà Nẵng.

Từ con sông nước xanh như tàu lá với một vài phố Tây, được xem là nghênh ngang ấy, mãi đến những thập niên giữa thế kỷ trước trên con sông này mới có hai cây cầu liền kề, nay có sự đổi thay có thể gọi là thần kỳ.

Sông Hàn lung linh ánh đèn. Sông Hàn lộng lẫy muôn màu những đêm hội pháo hoa. Những dòng người, dòng xe, dòng ánh sáng như lướt đi bất tận.

Trên con sông Hàn gần 10 cây cầu với những kiểu dáng khác nhau không chỉ nối những bờ vui mà còn làm hài hòa sự phát triển của Đà Nẵng, một Đà Nẵng hướng ra biển.

Sau ngày toàn thắng 29-3 năm ấy, Quảng Nam và Đà Nẵng với ý chí trung dũng kiên cường, đi đầu diệt Mỹ tiến vào cuộc trường chinh chống đói nghèo đầy thử thách. Và chúng ta đều hiểu chống đói nghèo còn là nâng cao dân trí, là một cuộc cách mạng toàn diện.

35 năm đi qua rất nhanh, những gì chưa làm được, làm chưa tốt còn ngổn ngang nhức nhối, song những gì đã làm được hẳn là đẹp đẽ, hoành tráng vượt xa những dự báo lạc quan.

Chúng ta đã thấu hiểu cái giá máu xương của độc lập tự do.

Ngày ấy ở chiến hào không có gì quý hơn độc lập tự do được chúng ta ghi vào trong tim. Giờ đây chúng ta càng thấm thía lời Người “Nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc, tự do thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”.

Thế mà tự do hạnh phúc của con người đâu chỉ là chỉ số 1.000 đô-la/người/năm, đâu chỉ đo đếm với những chuẩn chung, những con số mà là biết bao chuyện phải lo để phân hóa giàu nghèo không doãng ra để mọi người mọi nhà đều yên vui thanh thản, đều tin tưởng phấn chấn, đều thấy  cuộc đời trên mảnh đất này thật đáng yêu đáng sống.

Và trong thời đại hội nhập cạnh tranh này, đất nước độc lập tự do, con người tự do hạnh phúc lại luôn luôn đòi hỏi sánh vai với các cường quốc năm châu.

*

Từ ngày chia tách, Đà Nẵng và Quảng Nam luôn luôn gắn bó.

Chỉ tính riêng các năm từ 2008 đến 2010, Đà Nẵng đã giúp Quảng Nam nhiều công trình, dự án với tổng vốn đầu tư trên 50 tỷ đồng. Những ngôi nhà tình nghĩa, những cây cầu và những con đường, những bệnh viện và những mái trường. Và nhân dân bằng mọi nguồn lực tự chắt chiu dành dụm, tranh thủ nơi bạn bè bốn phương đã chia sẻ với Quảng Nam những chiếc xe lăn, những tấm mền, những bao gạo, những viên thuốc, những học bổng. Mỗi khi lũ lớn, bão dữ đi qua, dẫu ở cửa Hàn còn đổ nát, ngổn ngang, nhiều đồng chí lãnh đạo, những người cán bộ, những người dân bình thường bươn bả đến Quảng Nam, bởi lẽ đây chính là nơi chôn nhau cắt rốn, đây chính là ruột thịt anh em.

Trước thềm Đại hội XX, lãnh đạo thành phố Đà Nẵng đã vào Tam Kỳ, trao cho Quảng Nam một món quà đầy ý nghĩa - một trường Trung học phổ thông chuyên, một vườn ươm nhân tài, một trung tâm chuẩn bị cho nguồn nhân lực chất lượng cao, rất cần cho Quảng Nam để tăng tốc và cất cánh.

Có một ca từ trong một bài hát được giới trẻ yêu thích “mãi mãi diệu kỳ là tình yêu chúng ta”.

Tôi ao ước mình là một nhạc sĩ có tài để viết được một ca khúc cho dàn đồng ca hơn 2 triệu người Quảng Nam-Đà Nẵng luôn là một trong chiến đấu vì độc lập tự do, trong dựng xây vì ấm no, văn minh, hạnh phúc, trong khúc hát ấy nhất định sẽ có lời ca : Mãi mãi gắn bó, mãi mãi diệu kỳ.

Nguyễn Đình An

Đọc thêm