Bản chất cần cù, trung dũng, sáng tạo… của nhân dân đã làm nên sức mạnh vô địch của quân đội ta.
Từ các đội vũ trang cách mạng của Đảng Cộng sản Đông Dương, tự vệ công nông, du kích quân khởi nghĩa khắp ba miền Bắc, Trung, Nam (Bắc Sơn, Ba Tơ, Nam Kỳ), ngày 22/12/1944 đơn vị đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam đã ra đời, vỏn vẻ chỉ là một trung đội, vũ khí thô sơ, theo chỉ thị của đồng chí Nguyễn Ái Quốc - Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Suốt 66 năm qua, quân đội luôn phát huy bản chất của một đội quân từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, được tin cậy, yêu mến với lời gọi thân thương “anh Bộ đội Cụ Hồ”.
Bộ đội Cụ Hồ là lực lượng nòng cốt trong cuộc trường chinh giành độc lập của dân tộc. |
Truyền thống vô giá của quân đội ta dưới sự lãnh đạo của Đảng, là mối quan hệ máu thịt, gắn bó mật thiết với nhân dân. Một quân đội có mục tiêu nhất quán “Vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì Chủ nghĩa xã hội, vì hạnh phúc của nhân dân”. Ra đời trong hoàn cảnh thiếu thốn trăm bề, nhưng nhờ được nhân dân giúp đỡ, chỉ 3 ngày sau, quân đội ta đã có trận đánh thắng giòn giã: trận Phai Khắt, Nà Ngần mở đầu cho truyền thống đánh chắc thắng, mưu trí, dũng cảm của quân đội ta; thực hiện lời dạy của Bác Hồ “trong vòng một tháng sau khi thành lập phải có hoạt động”, “trận đầu nhất định phải đánh thắng”.
Bước vào kháng chiến chống Pháp, trên phạm vi toàn quốc từ 19/12/1946, quan hệ quân dân càng mở rộng và sâu sắc hơn. Kháng chiến, kiến quốc từ cầm cự, phòng ngự chuyển dần sang phản công với những chiến dịch tạo bước ngoặt như chiến dịch Biên giới, Bác Hồ ra trận cùng bộ đội, dân công; đến chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ (1954), tình quân dân càng sâu rộng. Trên đường từ Khu 4 cũ lên Tây Bắc với hàng vạn dân công bằng xe đạp, quang gánh chở gạo, chở hàng cho mặt trận.
Quân đội Nhân dân Việt Nam không ngừng xây dựng trở thành đội quân chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. |
Đất nước chưa thanh bình, những người con gái, con trai từ nhân dân lại vào chiến trường, họ xa nhau không hề rơi nước mắt/nước mắt giành cho ngày gặp mặt. Nhân dân đã đưa những đứa con yêu thương của mình cho Quân đội, với khẩu hiệu “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”.
Trên đường vào tiền tuyến, nhiều “ngọn đèn đứng gác” của thanh niên xung phong giữ vững đoạn đường cho xe ta đi qua. Trận “Điện Biên Phủ trên không” (1972) là kết quả cao nhất của lưới lửa phòng không 3 thứ quân, dệt thành thế trận chiến tranh nhân dân buộc địch phải quay lại bàm đàn phán Paris.
Từ quê dừa Bến Tre, năm 1960, tiếng mõ đồng khởi mở đầu cho giai đoạn vũ trang nổi dậy, từng bước đánh thắng chiến tranh đặc biệt, chiến tranh cục bộ… và kết thúc là ngày toàn thắng khi các binh đoàn chủ lực có sự hỗ trợ của nhân dân các tầng lớp nông thôn, thành thị trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, quân dân ta đã viết nên chương mới cho đất nước.
Từ đó đến nay đã 35 năm nhưng đất nước nào phải bình yên hoàn toàn. Quân dân đã sát cánh bảo vệ biên giới, giữ yên bờ biển. Anh “Bộ đội Cụ Hồ” lúc nào cũng cùng dân trong cơn bão lụt, đến những thôn làng đang bị cô lập vì nước dâng, lũ cuốn. Các em thơ miền núi lớn lên trong vòng tay cha mẹ và “cái chữ” của người thày quân hàm xanh - bộ đội biên phòng. Tận sóng nước Trường Sa, người gác đèn, người đo gió đo mây có mặt cùng bộ đội giữ đảo.
Bộ đội trên quần đảo Trường Sa canh giữ biển trời Tổ quốc. |
Bản chất cần cù, trung dũng, sáng tạo… của nhân dân đã làm nên sức mạnh vô địch của quân đội ta. Quân đội ta vì thế là một đội quân chiến đấu, đội quân sản xuất, đội quân công tác.
Mỗi dịp tháng 12 đến, kỷ niệm ngày thành lập Quân đội nhân dân và ngày Hội Quốc phòng toàn dân, cả nước hướng đến chiến sĩ của mình và mỗi chiến sĩ khắc sâu trong lòng ý nguyện của Tổ quốc, nhân dân qua lời thề: “Trung với Đảng, hiếu với dân, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”. Quân đội ta mãi mãi là Quân đội Nhân dân, là Bộ đội Cụ Hồ.