Mai nở vàng trong trại

Tết này tôi sẽ có một cuộc viếng thăm nơi ấy. Tôi đã hứa với anh như vậy, thế nên tôi đi lùng đặt một cành mai vàng từ bây giờ. Không biết năm nay mai có nở đúng mấy ngày Tết hay không nữa. Anh bảo rất nhớ mai vàng.

Tết này tôi sẽ có một cuộc viếng thăm nơi ấy. Tôi đã hứa với anh như vậy, thế nên tôi đi lùng đặt một cành mai vàng từ bây giờ. Không biết năm nay mai có nở đúng mấy ngày Tết hay không nữa. Anh bảo rất nhớ mai vàng.

Tôi và anh, hai người có cuộc sống và thân phận hoàn toàn khác nhau nhưng không hiểu tại sao ông trời lại nối chúng tôi làm bạn. Tình bạn ấy đến vào một ngày rất lạnh. Mùa đông của hai năm về trước. Khi ấy tôi vẫn còn là một cô sinh viên bé bỏng, thích viết lách và lãng mạn. Một lần tôi viết cho mục “1.001 chuyện học đường” của báo Tri thức trẻ, không hiểu thế nào mà tòa soạn lại bê nguyên cả địa chỉ, số điện thoại của tôi ở cuối bài. Thế là giữa   hàng trăm cuộc điện thoại, hàng trăm cái tin nhắn gửi đến thì trong đó có anh. Không nhớ anh đã gọi cho tôi khi nào và nói những gì để rồi cuối cùng chính tôi lại lưu anh trong danh bạ của mình với cái tên cực kỳ “đáng tin cậy” là ĐỘC GIẢ TỐT. Chỉ bấy nhiêu thôi cũng đủ làm cái giấy thông hành để tôi nhấc máy mỗi khi anh gọi.

Anh thường điện cho tôi vào lúc khuya, nói rất nhỏ. Tôi bảo:
- Anh nói to lên được không, em chẳng nghe thấy gì hết.
Vẫn cái giọng thì thào, anh bảo:
- Anh không thể nói to được vì sợ ảnh hưởng đến người khác.

Cũng vào thời gian ấy tôi bắt đầu đi thử việc, vừa học vừa làm khiến mọi áp lực làm tôi strees nặng. Tôi gần như không nói chuyện, không giao lưu. Một ngày chỉ có ba việc đi học, đi làm và ngủ. Đã thế mẹ còn điện xuống bảo: “Tết này mẹ sẽ lấy chồng”.

Trời ơi! Mẹ có còn trẻ trung gì nữa… Hơn năm mươi tuổi rồi mà nhắc đến hai từ “lấy chồng” thấy giọng mẹ vui hơn hớn còn hơn cả thanh niên. Lấy chồng có phải quyền tự do cá nhân không nhỉ? Nếu đúng vậy thì tôi cớ gì mà ngăn mẹ. Cứ nghĩ đến việc mẹ tôi sắp mời họ hàng đến dự lễ cưới, nghe người ta chúc tụng đôi “uyên ương”, người ta tung hô “thế là con Hà có bố rồi nhé. Sướng nhé” là tôi chỉ muốn đâm đầu vào chăn mà chết quách đi. Cứ mỗi lúc như thế này tôi lại muốn thét lên rằng “Cha ơi! Cha đang ở đâu?”. Câu hỏi này không khi nào mẹ tôi muốn trả lời. Mẹ toàn bảo:
- Con sinh ra không cần có cha. Tự mẹ sinh ra con.
Tôi hỏi:
- Mẹ sinh con ra từ rốn chứ gì?

Mẹ vẫn gật đầu đầy thành thật như cái hồi tôi năm tuổi không bằng. Hồi ấy tôi tin mẹ lắm. Tin cho đến khi thấy đứa nào cũng có cha. Đứa nào khi nghe tôi kể chuyện mẹ tôi sinh tôi không cần cha thì chúng nó đều cười và đặt luôn biệt danh cho tôi là “Hà ngố”. Mẹ vẫn cứ trả lời tôi như thế, không cần biết tôi buồn hay vui, tôi khóc hay cười. Đã không ít lần tôi giận mẹ.

Chẳng mấy chốc sau những buồn lo tôi sinh ra ốm. Mà đã ốm là ốm ra trò. Nằm một mình trong phòng, tôi đâm ra thèm người, chỉ mong có một ai đó đến thăm, ai đó gọi điện chuyện trò. Đúng vào mùa thi nên lũ bạn đều không đứa nào qua thăm tôi được. Nhớ và thèm có mẹ. Nhưng mẹ bây giờ còn đang vui chuyện lấy chồng, làm sao tôi nỡ làm mẹ lo lắng cho mình. Duy chỉ có “độc giả tốt” là vẫn gọi cho tôi vào lúc khuya, nói rất nhỏ nhưng đủ để tôi lắng nghe để thấy mình không cô độc.  Những ngày ốm của tôi đã trôi qua như thế.

□   

Sinh nhật tôi đúng ngày lành tháng tốt, bạn bè đông đủ, quây quần bên nồi lẩu. Đang vui thú thì mẹ điện xuống bảo:
- Dượng gửi lời chúc mừng sinh nhật con nhé!
Tôi xị mặt:
- Con chưa được ăn cỗ thì con chưa gọi bằng dượng đâu.
Mẹ cười giòn tan:
- Tết này vui cửa vui nhà rồi con gái ạ.

 Tết nào tôi chẳng đi chơi tròn ba ngày, và quay quắt nhớ cha tròn ba đêm trắng. Năm nay có thêm một người trong nhà, lại chỉ càng làm cho nỗi nhớ trong tôi thêm đau đáu. Mẹ thật là… Nhưng mà thôi, mẹ đang yêu. Với những người đang yêu bao giờ cũng nên bao dung cho họ. Chưa bao giờ tôi lại mong có một người thương mình hoặc mình thương một người nào đó cũng được. Dù sao cũng là được yêu, được chờ đợi và hy vọng. Không biết ở một nơi nào đó, cha có được yêu thương không nhỉ?

Cuối ngày sinh nhật, đang ngồi đối thoại với bức tường xanh rêu đối diện khu trọ thì tiếng chuông cửa kêu vang. Ba phút sau bà chủ gọi:
- Hà ơi! Có ai gửi hoa cho cháu này. Thế này mà nó cứ bảo là nó không có người yêu. Hoa hồng, lại còn đủ 22 bông nhé.
Tôi còn đang ngơ ngác thì bà chủ lại gọi với lên:
- Không thích thì để cô cắm vào lọ dưới phòng khách nhé!
Tôi chạy vù xuống ba tầng nhà, ngỡ ngàng nhìn người con trai lạ trao cho tôi bó hoa rồi nhún vai bảo:
- Của anh Quốc.
- Anh Quốc?
- Phải! Anh ấy gửi lời chúc mừng sinh nhật chị.
- …
Người con trai im lặng rồi quay đi, tôi nâng niu bó hoa trên tay, một niềm vui hiếm hoi rất lạ đã xâm chiếm lấy tôi. Một người con trai mà tôi chưa hề gặp mặt, nhưng lại luôn ở bên cạnh tôi bất cứ lúc nào tôi cảm thấy cô đơn nhất. Nhưng khi tôi muốn cám ơn anh một câu thì anh đều không thể nghe máy. Tôi không hiểu vì sao. Cho đến một ngày…

Anh điện cho tôi, ngập ngừng bảo:
- Anh vẫn nợ em một câu trả lời đúng không. Em đã nhiều lần hỏi anh là ai? Nếu anh nói… nếu anh nói, anh sợ em sẽ chẳng còn muốn làm bạn với anh.
Tôi cười bảo:
- Trên đời này em chẳng sợ cái gì hết. Chỉ sợ mỗi đói ăn thôi.
- Thế em có sợ một kẻ giết người không?
Sau một giây suy nghĩ, tôi bảo:
- Không sợ. Nhưng là ai?
- Là anh.
Tôi giật bắn người, vội bảo:
- Là anh?

Anh im lặng rất lâu, cả tôi cũng vậy. Không hiểu sao chính giây phút ấy tôi lại tin rằng những điều anh nói là thật chứ không phải sự bông đùa. Mặc dù trí óc phong phú của tôi đã tưởng tượng ra biết bao nhiêu hình ảnh hãi hùng. Nhưng đến khi anh bảo “Em đừng sợ. Anh không thể làm gì hại đến em đâu. Anh đang ở trong tù” thì tình thương trong tôi đã lớn hơn cả sự sợ hãi. Chúng tôi thực sự làm bạn với nhau từ khi ấy.

Tôi kể anh nghe về cha tôi, một người cha trong tưởng tượng. Cha cao lắm, mỗi lần muốn lau cái bóng đèn trong bếp cho hết bồ hóng là cha chỉ cần đứng dưới đất, với tay lên là được (kỳ thực là lần nào bóng bẩn, tôi cũng phải bắc ghế rồi leo lên cái hòm gỗ mới lau được cái bóng đèn. Nhưng lau xong cái bóng thì mặt mũi, quần áo tôi đã đen thui vì bồ hóng). Cha khỏe mạnh lắm, củi gỗ to cha bổ phâm phâm tí là được cả góc bếp đầy, hai mẹ con đun nấu thỏa mái không phải lo ngày mưa bão (kỳ thực là có rất nhiều ngày mưa, tôi ngồi trong bếp trống trơ không còn một cành củi nào để nấu cơm. Bụng thì đói cồn cào, mẹ đi làm đồng chắc trú mưa ở đâu đó chưa về. Tôi bó gối, ngồi nhìn ra màn mưa mà đẫm lệ). Cha chìu tôi lắm, thế nên chẳng đứa trẻ con nào dám động đến đống đồ chơi gỗ đẹp tuyệt mà tự tay cha đã đục đẽo cho tôi (kỳ thực là tôi phải ganh tị với lũ bạn vì Trung thu chúng được cha làm cho những cái đèn lồng thật ngộ. Và… đã rất nhiều lúc tôi bị chúng nó đánh cho sưng đầu mà ngồi ước trong nước mắt “giá như có cha”). Anh bảo:
- Em sướng thật. Em còn có cha. Anh chẳng có ai trên đời hết. Không một ai…

Nghe tiếng anh thở dài trong điện thoại, tôi lại thấy ân hận vì mình đã vẽ ra những điều tốt đẹp. Giá như tôi bảo tôi cũng không cha thì có lẽ anh sẽ bớt buồn hơn. Con người là vậy, nỗi buồn của người khác đôi khi là sự an ủi cho mình. Nhưng còn tôi, nếu không tự tô vẽ cho mình thì có thể cả đời tôi không thể nào hình dung ra mặt cha tôi.

Một lần anh hỏi:
- Không biết khi nào thì anh mới được gặp em nhỉ?
Tôi phá lên cười:
- Em không nghĩ đấy là một chủ đề để bàn luận đâu đấy. Nếu muốn gặp em thì anh đừng gọi trộm điện thoại cho em nữa. Phải chịu khó cải tạo tốt, nếu gọi điện mà bị cán bộ bắt được thì anh sẽ bị phạt đấy.
- Để làm gì chứ? Khoan hồng à? Cũng hết cả một đời rồi.

Nhưng từ hôm ấy anh không còn thường xuyên gọi điện cho tôi nữa. Tôi lại ngồi đối thoại một mình với bức tường xanh rêu. Chúng tôi đã làm bạn với nhau bốn năm như thế, cho đến khi tôi ra trường, đi làm trong một công ty truyền thông. Tôi vẫn chưa thể yêu ai được. Anh cứ đôi tháng điện cho tôi một lần, vẫn vào lúc khuya, vẫn chỉ để biết tôi vẫn ổn. Có đôi lúc, tôi giật mình khi nhận ra rằng tôi nhớ anh. Một người con gái nhớ một người con trai đâu có gì là lạ. Nhưng anh là tù nhân, tôi nhớ nhung một tù nhân liệu có ai tin câu chuyện của tôi không?

Anh bảo:
- Đã lâu lắm rồi anh không được ngắm mai vàng.
Tôi hỏi:
- Người miền Bắc sao không nhớ đào lại nhớ mai?
- Vì từ bé anh mồ côi, phiêu bạt, lang thang làm ăn trong Nam suốt hơn chục năm trời, làm trong một vườn mai. Tết nào cũng nhiều sắc mai, cũng được nhìn gia đình người ta dắt nhau đi mua mai. Ấm lắm.

Nghe anh nói tôi mới biết rằng một cái Tết nữa lại sắp đến. Lạ thật. Thời gian trôi đi ngấm ngầm thật lạ. Tôi đã gần hai nhăm tuổi, tôi cũng phải yêu thôi chứ. Một ai đó trong số những người đang theo đuổi. Dĩ nhiên không phải là anh, một tù nhân đã lĩnh án chung thân về tội giết người. Mà con người ta cũng thật lạ, chỉ một phút bồng bột thôi để rồi mãi mãi phải chôn vùi những ước muốn của mình trong song sắt nhà tù. Biết đâu nếu anh không phải là một tù nhân, chúng tôi cũng sẽ gặp gỡ và quen nhau bằng một cách nào đó. Và… có thể lắm chứ, tôi sẽ yêu anh. Ai mà dám khẳng định rằng trường hợp đó không thể xảy ra.

Tết rồi, cái Tết thứ mười của anh trong song sắt. Tết thứ hai nhăm tôi vắng bóng cha. Dài đấy chứ. Đã có lúc tôi muốn đi tìm cha, nhưng tôi sợ càng cố đi tìm càng không thấy cha mà nỗi đau thì càng sâu hơn nữa. Cha tôi giờ này rất có thể đang lo mua sắm Tết cho gia đình, lo gọi đứa con này nhớ thu sếp về ăn Tết, gọi đứa khác xem tình hình sức khỏe thế nào. Cũng có thể trong một giây phút nào đó cha sẽ nhớ đến tôi. Nhưng xáo trộn một lần nữa để  làm gì… Khi ngay cả mẹ tôi cũng đã có một bờ vai bình yên, thì thôi, hãy cứ để nỗi nhớ nhung của tôi sống bằng những mường tượng đẹp.

Tôi đã nhờ bạn đặt hộ tôi một cành mai. Bạn tôi bảo muốn có một cành mai nở đúng Tết khó lắm, bởi chỉ một sự thay đổi của thời tiết cũng khiến mai nở sớm hơn hay muộn hơn rồi. Nhưng nhất định phải kiếm một cành mai nở vàng cho anh. Mười năm rồi anh không được nhìn thấy mai vàng.

Tết này tôi sẽ đến thăm nơi ấy cùng với một cành mai. Tôi đã hứa với anh như vậy. 

Vũ Thị Huyền Trang

Đọc thêm