Mang hình ảnh đất Cảng đến với thành phố mang tên Bác

 Đêm 9-5, người dân thành phố Hải Phòng và thành phố Hồ Chí Minh sẽ được chứng kiến chương trình cầu truyền hình đặc sắc kết nối giữa hai điểm cầu mang tên: Hải Phòng- phượng thắm màu cờ. Đây là cầu truyền hình được xây dựng nhân kỷ niệm 55 năm giải phóng thành phố Hải Phòng (13-5-1955 — 13-5-2010).

 Đêm 9-5, người dân thành phố Hải Phòng và thành phố Hồ Chí Minh sẽ được chứng kiến chương trình cầu truyền hình đặc sắc kết nối giữa hai điểm cầu mang tên: Hải Phòng- phượng thắm màu cờ. Đây là cầu truyền hình được xây dựng nhân kỷ niệm 55 năm giải phóng thành phố Hải Phòng (13-5-1955 — 13-5-2010).

 

Nối liền khoảng cách giữa hai thành phố

 

Hải Phòng và TP. Hồ Chí Minh cách nhau hàng nghìn km, nhưng  lại gần gũi về tinh thần bởi  không chỉ vì đều là những địa phương đi đầu đột phá trong đổi mới trước và sau năm 1986, mà còn vì ở TP. Hồ Chí Minh có hàng vạn bà con người Hải Phòng sinh sống, lao động và học tập, hằng ngày vẫn nhớ về quê hương với tình cảm thiết tha và mong muốn chứng kiến sự đổi thay, lớn mạnh của thành phố Cảng. Cầu truyền hình Hải Phòng- TP. Hồ Chí Minh được thực hiện dịp này là để đáp ứng nguyện vọng của những người con Hải Phòng và cũng là dịp ôn lại những quá khứ hào hùng của thành phố Cảng trung dũng kiên cường, năng động, sáng tạo trong công cuộc xây dựng XHCN từ ngày giải phóng. 55 năm đã trôi qua, những ký ức hào hùng ngày ấy vẫn còn sống mãi với thời gian…

 

Phó chủ tịch Hội đồng hương Hải Phòng tại TP. Hồ Chí Minh  Đỗ Ngọc Núi cho biết, để đáp ứng nguyện vọng của bà con người Hải Phòng tại TP. HCM và cũng là để cho người dân thành phố mang tên Bác hiểu sâu hơn về thành phố Cảng Hải Phòng trong quá trình xây dựng, bảo vệ và phát triển, lãnh đạo thành phố Hải Phòng và TP. Hồ Chí Minh nhất trí cho thực hiện chương trình cầu truyền hình trực tiếp giữa hai thành phố vào 20 giờ tối  9-5-2010 với 2 điểm cầu. Điểm TP. Hồ Chí Minh  được đặt tại Nhà hát truyền hình (Đài truyền hình TP. Hồ Chí Minh), còn điểm cầu Hải Phòng diễn ra tại nơi quen thuộc với người dân Hải Phòng: Nhà hát thành phố. Chương trình  được phát trực tiếp trên sóng của Đài Phát thanh- Truyền hình Hải Phòng, kênh HTV9 của Đài Truyền hình TP. Hồ Chí Minh và trên mạng truyền hình cáp của Đài truyền hình Việt Nam tại Đà Nẵng, Hà Nội, Hải Phòng và TP. Hồ Chí Minh.

 

Cầu truyền hình trực tiếp đêm 9-5 được thực hiện bởi Đài Truyền hình TP.  Hồ Chí Minh và Đài Phát thanh- Truyền hình Hải Phòng dưới sự chỉ đạo của lãnh đạo hai thành phố. Tuy nhiên, nội dung chương trình chủ yếu được dành cho thành phố Hải Phòng nhân kỷ niệm 55 năm  giải phóng. Tư tưởng đó đã xuyên suốt quá trình dàn dựng sân khấu, kịch bản và tổ chức biểu diễn dưới sự chỉ đạo của nhạc sĩ Lê Quang. Ngay tên gọi cầu truyền hình: Hải Phòng- phượng thắm màu cờ nói lên điều ấy. Tại hai điểm cầu, người dân ở hai thành phố sẽ được chứng kiến màn biểu diễn nghệ thuật mang đậm màu sắc, âm hưởng của vùng biển Hải Phòng, màu sắc của TP. Hồ Chí Minh  sôi động phát triển từng ngày và hơn nữa, đây là dịp để Hải Phòng khẳng định với bạn bè sự đổi thay nhưng luôn song hành với truyền thống, qua đó, thắt chặt tình cảm đồng bào, đồng chí giữa Hải Phòng và TP. Hồ Chí Minh  mà thể hiện trực tiếp  là ở mỗi người dân Hải Phòng đang sống, lao động và học tập tại thành phố mang tên Bác.

 

Dấu ấn Hải Phòng tại thành phố mang tên Bác

 

Hải Phòng- vùng đất cách mạng trung dũng kiên cường, có nhiều đóng góp quan trọng trong  cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc. Người Hải Phòng tự hào có bến K15, nơi xuất phát của những con tàu không số chi viện cho miền Nam trong những năm cả nước kháng chiến chống đế quốc Mỹ. Hải Phòng là nơi tiếp nhận 15.000 (gần 50%) học sinh miền Nam ra Bắc tập kết và hơn nữa, Hải Phòng cũng là thành phố chi viện cho chiến trường miền Nam 100 tiểu đoàn mà trong số đó, tiểu đoàn Cát Bi (K2) lừng danh luôn là nỗi kinh hoàng  đối với kẻ thù… Quá trình chiến đấu, bảo vệ và xây dựng thành phố hào hùng đó được Đài Phát thanh và Truyền hình Hải Phòng thể hiện qua 8 video clip phát trong chương trình cầu truyền hình đêm 9-5.

 

Phó giám đốc Đài Phát thanh và Truyền hình Hải Phòng Bùi Thanh Long cho biết, 8 video clip được xây dựng công phu, thể hiện được lịch sử, tinh thần kiên cường bất khuất, năng động sáng tạo, hội nhập và phát triển của thành phố Hải Phòng, truyền tải đến người dân 2 thành phố về lịch sử hào hùng của Hải Phòng với chiến thắng, chống ngoại xâm vang dội; về sự phát triển Hải Phòng những năm đầu thế kỷ, là nơi  sản sinh ra những nhà tư sản dân tộc và văn nghệ sĩ tiên phong của đất nước. Lịch sử chống ngoại xâm  giữa thế kỷ 20 cũng được tái hiện với bến K15, với đoàn tàu Không số, những học sinh miền Nam ở Hải Phòng. Còn nữa, hình ảnh Hải Phòng những năm đầu xây dựng CNXH với “Sóng Duyên Hải, Tổ đá nhỏ ca A, Đội lái máy xúc Cảng Hải Phòng” cũng được trình chiếu trong chương trình. Sự nghiệp đổi mới của Hải Phòng truyền thống và giữ vững đạo lý “uống nước nhớ nguồn” sẽ là thông điệp mà những người làm chương trình muốn truyền tải đến với mỗi người dân. Nhân dịp này, những nhà hảo tâm cũng tham gia đóng góp quỹ “Vì người nghèo” của thành phố Hải Phòng, góp phần cùng thành phố chăm lo cho người nghèo,  bảo đảm an sinh xã hội .

 

Chương trình cầu truyền hình trực tiếp giữa Hải Phòng và TP. Hồ Chí Minh  đêm 9-5 là chương trình mang nhiều ý nghĩa xã hội, vừa đáp ứng nhu cầu  thưởng thức văn hóa, tìm hiểu thông tin của người dân hai thành phố, nhưng quan trọng nhất là mang được hình ảnh của Hải Phòng đến với thành phố mang tên Bác để thắt chặt hơn nữa mối quan hệ. Đây  cũng là dịp để Hải Phòng khẳng định thế mạnh về văn hóa, giáo dục, thể thao, du lịch, thu hút đầu tư… để vươn xa hơn nữa trong quá trình hội nhập và phát triển.

 

Mai Lâm

Đọc thêm