Mang thai hộ có phải cần sự đồng ý của chồng?

(PLO) - Em năm nay 27 tuổi, đã có một con gái 8 tuổi. Thực tế em và chồng đã sống ly thân ngay từ khi con gái tôi được 2 tuổi, nhưng vì lý do riêng nên em không thể ly hôn. Hiện chồng em đang thụ án 20 năm tù vì ma túy. Biết hoàn cảnh của em như vậy, mới đây vợ chồng người chị gái hiếm muộn đã đặt vấn đề nhờ em mang thai hộ giúp vợ chồng chị ấy. Em cũng muốn nhận lời anh chị ấy, vừa là làm việc nghĩa, cũng là kiếm một khoản tiền lớn để lo cho con gái học hành sau này nhưng lại sợ chồng em sẽ không đồng ý. Xin hỏi liệu em tự mình quyết định việc nhận mang thai hộ có được không, hay bắt buộc phải được sự đồng ý của chồng em? (Chị Hà Thị Dương, ở Bắc Giang)
Hình minh họa
Hình minh họa

Trả lời:

 Theo như chị trình bày, mặc dù thực tế vợ chồng chị ly thân đã nhiều năm và hiện tại chồng chị đang thụ án tù dài hạn nhưng hai người chưa ly hôn nên giữa chị và chồng vẫn tồn tại hôn nhân hợp pháp.

Mặc dù chồng chị đang thụ án tù, đang bị mất quyền tự do thân thể và hạn chế một số quyền công dân, tuy nhiên một số quyền khác của chồng chị như quyền đối với hôn nhân, tài sản, con cái vẫn tồn tại và được pháp luật bảo vệ. 

Về tình huống mà chị hỏi, Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 tại điểm d khoản 3 Điều 95 đã quy định: “Trường hợp người phụ nữ mang thai hộ có chồng thì phải có sự đồng ý bằng văn bản của người chồng.”

Như vậy, trong trường hợp chị muốn nhận mang thai hộ vì mục đích nhân đạo thì bắt buộc phải được sự đồng ý của người chồng thì mới đủ điều kiện pháp luật cho phép.  

Bên cạnh đó, điều 96 Luật này về Thỏa thuận về mang thai hộ vì mục đích nhân đạo cũng quy định: thỏa thuận giữa vợ chồng nhờ mang thai hộ và vợ chồng người mang thai hộ với nội dung pháp luật quy định phải lập thành Biên bản thỏa thuận, có công chứng.

Trong trường hợp vợ/ chồng bên nhờ mang thai hộ ủy quyền cho nhau hoặc vợ/ chồng bên mang thai hộ ủy quyền cho nhau về việc thỏa thuận thì việc ủy quyền cũng phải lập thành văn bản có công chứng. Việc ủy quyền cho người thứ ba không có giá trị pháp lý.

Như vậy, dù không muốn nhưng bắt buộc chị vẫn phải vào trại giam gặp chồng để thảo luận, thuyết phục chồng đồng ý cho chị thực hiện việc mang thai hộ. Nếu đã thuyết phục được chồng, bước tiếp theo là chị cần chuẩn bị các giấy tờ, văn bản để người chồng ủy quyền để chị đứng ra giải quyết, thực hiện việc mang thai hộ; do các văn bản, ủy quyền pháp luật quy định phải có công chứng nên chị phải mời công chứng viên vào trại giam cùng với mình để thực hiện các thủ tục này. 

Đọc thêm