Mang việc làm đến vùng giải tỏa

Có được một công việc ổn định tại nơi ở mới là điều mà bất cứ người lao động nào tại các khu vực tái định cư, vùng giải tỏa mơ ước. Thế nên, khi những phiên chợ việc làm được mở ra tại đây, hàng trăm, thậm chí hàng ngàn lượt người đã đổ  về,  ai cũng vui mừng, mong ngóng.

Có được một công việc ổn định tại nơi ở mới là điều mà bất cứ người lao động nào tại các khu vực tái định cư, vùng giải tỏa mơ ước. Thế nên, khi những phiên chợ việc làm được mở ra tại đây, hàng trăm, thậm chí hàng ngàn lượt người đã đổ  về,  ai cũng vui mừng, mong ngóng.

Mô tả ảnh.
Nhiều bạn trẻ quan tâm đến kỹ thuật pha chế (bartender) đồ uống, một nghề đang có nhu cầu sử dụng cao tại các điểm dịch vụ.

Người dân phấn khởi

Vừa qua, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội đã tổ chức phiên chợ việc làm và định hướng nghề nghiệp cho lao động tại quận Ngũ Hành Sơn. Hơn 1.000 lượt người đã tham gia tìm kiếm việc làm cũng  như tìm hiểu và được tư vấn nghề nghiệp. Đây là những lao động thuộc diện giải tỏa phục vụ các dự án trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn. Tuy đa dạng về thành phần, tuổi tác nhưng tất cả đều tìm hiểu rất kỹ về nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp, chứng tỏ nhu cầu việc làm đang trở nên cần thiết tại địa phương này.

Bác Trần Văn Hiệp, 52 tuổi, tổ 32A khu dân cư Đông Trà, phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn cho biết, từ khi chuyển lên chỗ ở mới bác cũng bỏ hẳn  nghề đi biển vì quá xa nhà. Khi nghe tin có phiên chợ việc làm, bác đã vội đến với mong muốn tìm được một công việc nhằm thoát khỏi cảnh “bó gối ngồi nhà” đã một năm nay. “Ở cái tuổi này, bác cũng chỉ mong tìm được một chân bảo vệ vì sức khỏe cũng không còn được như xưa. Dù không khá giả gì nhưng nó đem lại cho mình thêm nguồn thu nhập, đã an cư rồi thì nên tính đến chuyện lạc nghiệp”, bác cho biết. Sinh ra trong một gia đình nghèo không được học hành nên việc bám biển mưu sinh là lựa chọn duy nhất của bác suốt 30 năm qua. Vất vả là vậy nhưng căn nhà gồm 6 miệng ăn của bác vẫn không khá lên được. Dọn đến nơi ở mới theo diện di dời giải tỏa khiến bác vừa mừng vừa lo, mừng vì có được căn nhà khang trang hơn trước, lo vì bỏ biển rồi bác sống bằng nghề gì. Vì vậy, phiên chợ việc làm như là nơi bác tìm kiếm hy vọng hóa giải nỗi lo lâu nay.

Còn đối với cô gái tật nguyền Trần Thị Ngọc, 20 tuổi, quê Hà Tĩnh, tạm trú tổ 24 phường Hòa Quý, tìm kiếm việc làm không chỉ giúp cô có thêm thu nhập phụ giúp người mẹ tần tảo đang nuôi 3 đứa em ăn học ở quê mà còn thoát khỏi cảm giác “người thừa” luôn đè nén bấy lâu. “Tật nguyền như em, xin được một việc làm ngoài quê rất khó. Thông qua người thân, em mới biết có phiên chợ này, cũng mong kiếm được công việc gì đó”, Ngọc tâm sự. Được biết, tại phiên giao dịch việc làm vừa qua, có 8 doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động tật nguyền, 2 cơ sở dạy nghề nhận đào tạo.

Tạo nghề, hướng nghiệp

Hiện nay, quận Ngũ Hành Sơn đang đón nhận một làn sóng đầu tư mạnh mẽ. Theo Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội, hiện trên địa bàn có trên 100 dự án đã và đang đầu tư, xây dựng với số diện tích đất thu hồi phục vụ các dự án trên 17.000ha, 6.000 hộ dân với gần 20.000 lao động đều nằm trong diện giải tỏa. Phiên giao dịch giúp giải quyết “cơn khát” việc làm cho địa phương tại thời điểm này.

Theo bà Trần Thị Bích Liên, Trưởng phòng Việc làm, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, sự khác biệt của phiên giao dịch việc làm này chính là sự phối kết hợp giữa công tác tìm kiếm việc làm và định hướng, tư vấn dạy nghề cho người lao động có nhu cầu. Có 10 cơ sở dạy nghề tham gia tư vấn, tuyển dụng học viên với các ngành nghề đào tạo theo trình độ cao đẳng, trung cấp và sơ cấp. Các nghề như lễ tân, nhân viên kỹ thuật, quản trị nhà hàng, pha chế… được đông đảo bạn trẻ quan tâm. Theo bà Liên, hướng tuyển dụng này phù hợp với một bộ phận bạn trẻ không có điều kiện học tập đến nơi đến chốn cũng như giải quyết tình trạng bỏ học tràn lan ở các khu vực vùng ven.

“Em không có ý định sẽ thi vào đại học vì biết rõ khả năng và hoàn cảnh của mình, thông qua phiên giao dịch này em muốn tìm một nghề đào tạo ngắn hạn và đang có nhu cầu cao”, em Nguyễn Xuân Khoa, học sinh Trường THPT Hermann Gmeiner, cho biết. Đó cũng là tâm lý chung của nhiều bạn trẻ hiện nay, đại học không phải là con đường duy nhất, nhất là khi điều kiện gia đình và khả năng của bản thân không đáp ứng được.

Một cuộc hội thảo Tư vấn, hỗ trợ cho lao động có nhu cầu đi xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc do Sở Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp tổ chức tại phiên giao dịch cũng thu hút gần 50 lao động tham gia. Cuộc hội thảo giúp tháo gỡ những vướng mắc về thủ tục pháp lý, phong tục tập quán, pháp luật cho người lao động đang có nhu cầu xuất ngoại. “Một bộ phận lao động không biết sử dụng đồng tiền thế nào cho hợp lý sau khi nhận đền bù giải tỏa, đây cũng là cách giúp họ đầu tư đúng hướng, hiệu quả và mang lại lợi ích lâu dài”, bà Liên cho biết thêm.

Bài và ảnh: Phan Chung

Đọc thêm