Sẽ không còn cảnh MXH phải cấp phép mới được hoạt động
Một nội dung quan trọng liên quan đến mạng xã hội (MXH) được sửa đổi lần này là sửa quy định về việc cấp phép MXH. Theo đó, sẽ không cấp phép toàn bộ các MXH như trước đây theo kiểu có giấy phép mới được lập MXH, mà thay vào đó, đơn vị phát triển chỉ cần thông báo với Bộ TTTT về việc lập MXH.
Quy định này sẽ được áp dụng cho đến khi MXH có 10.000 người sử dụng. Bộ TTTT sẽ giám sát bằng các công cụ đo lường.
Theo ông Lê Quang Tự Do, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử (PTTH&TTĐT), Bộ TTTT cho biết, đối với MXH lớn (có hơn 10.000 thành viên hoặc lượng người sử dụng đã đăng ký sử dụng thường xuyên từ 10 nghìn người/tháng trở lên) thì phải có Giấy phép thiết lập MXH do Bộ TTTT cấp.
Đồng thời, dự thảo Nghị định cũng bổ sung trách nhiệm của MXH. MXH cần có giải pháp tiền kiểm nội dung, không cho phép người sử dụng đăng tải các bài viết có nội dung thể hiện như một sản phẩm báo chí; chỉ cho người sử dụng đăng phát livestream về hoạt động văn hóa, giải trí, quảng cáo, khoa học công nghệ, giáo dục. Chỉ các mạng xã hội có giấy phép mới được thu phí sử dụng dịch vụ livestream.
Ông Lê Quang Tự Do cho biết. cơ quan quản lý nhà nước có quyền dừng hoạt động của các MXH nếu vi phạm pháp luật.
Đối với dịch vụ nền tảng cung cấp livestream, chỉ MXH được cấp phép, có tư cách pháp nhân trong nước mới được làm livestream. Điều này là bởi nó có liên quan đến vấn đề thu thuế
Đối với kho ứng dụng, các kho ứng dụng muốn cung cấp nội dung trên kho thì các ứng dụng trên đó phải hợp pháp về nội dung và về quảng cáo, thanh toán. Nếu nhà nước gửi thông tin về các ứng dụng vi phạm pháp luật, yêu cầu gỡ mà kho ứng dụng không gỡ thì MXH có quyền dừng hoạt động của kho ứng dụng đó.
Với vấn đề các MXH xuyên biên giới, lần đầu tiên quy định trong văn bản pháp quy yêu cầu các nền tảng xuyên biên giới, có người dùng từ 1 triệu trở lên, phải thông báo với cơ quan quản lý nhà nước, khi được xác nhận mới có thể hoạt động tại VN.
Tiền kiểm hay hậu kiểm nội dung MXH?
Nhiều ý kiến trong Hội thảo góp ý dự thảo Nghị định nói trên cho rằng, về việc quản lý các dịch vụ xuyên biên giới, có sự chênh lệch giữa việc quản lý các MXH trong và ngoài nước.
Các MXH trong nước phải chịu ràng buộc về việc xác thực, tiền kiểm nội dung đăng tải,... Hơn nữa, các MXH trong nước sẽ không được sử dụng phổ biến và rộng rãi như các MXH xuyên biên giới. Vì thế, nên cân đối các quy định để các MXH trong nước có tính cạnh tranh hơn. Từ đó, các ý kiến cho rằng, nếu không quản lý được các vấn đề của MXH xuyên biên giới thì liệu có thể nới lỏng cho các MXH trong nước hơn hay không.
Bên cạnh đó, việc tiền kiểm các nội dung được đăng tải trên mạng xã hội Việt Nam cũng là nội dung được bàn cãi. Về bản chất, nếu thành công, số lượng người dùng của các MXH rất lớn, việc tiền kiểm sẽ lãng phí tài nguyên, đánh mất tính tức thời của các mạng xã hội. Vì thế, một số ý kiến đề nghị đổi tiền kiểm thành hậu kiểm.
Đồng ý về việc làm sao để giúp MXH trong nước có thể cạnh tranh tốt hơn với các MXH nước ngoài, nhưng ông Lê Quang Tự Do cho biết, không bao giờ có việc bình đẳng 100% bởi các MXH xuyên biên giới có đặc thù riêng, không thể bắt họ làm y chang như các MXH trong nước được.
“Về việc tiền kiểm, ý tưởng không phải là tiền kiểm 100% mà chỉ tiền kiểm những thứ vi phạm rất rõ ràng. Các mạng xã hội nước ngoài cũng đã làm điều này thông qua các bộ lọc. Chúng tôi cũng sẽ tiếp thu để điều chỉnh sao cho phù hợp” – ông Lê Quang Tự Do cho biết.
Trước ý kiến rằng việc yêu cầu định danh 2 lớp khi đăng ký MXH là thiếu hấp dẫn thành viên, do tham gia vào các MXH xuyên biên giới dễ dàng hơn, đại diện Bộ TTTT cho biết sẽ tiếp thu và nghiên cứu, cả trong Nghị định về xác thực điện tử sắp được ban hành.