Hôm qua (26/12), Thịnh đã bị TAND TP Hà Nội đưa ra xét xử về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Theo Cáo trạng, Nguyễn Quang Thịnh vốn là Giám đốc Cty CP Xây dựng và Phát triển công nghệ Thành Nam (Cty Thành Nam). Đến ngày 12/9/2011, Cty Thành Nam tổ chức đại hội cổ đông và thống nhất thay đổi người đại diện của Cty. Theo đó, ông Nguyễn Văn Trang là người đảm nhiệm chức vụ Giám đốc thay Thịnh (đã bị miễn nhiệm). Lúc này, Thịnh chỉ là Phó Giám đốc và là một cổ đông có tỷ lệ góp vốn ở Cty Thành Nam là 2,5%.
Để có tiền chi tiêu cá nhân, Thịnh nảy sinh ý định chiếm đoạt sắt thép của một số Cty bằng cách dùng tư cách là Giám đốc, là người đại diện theo pháp luật của Cty Thành Nam mua sắt thép để xây dựng công trình mặc dù Cty Thành Nam không có nhu cầu sắt thép.
Thực hiện ý định này, Thịnh còn tìm đến gặp Giám đốc Công ty CP Sản xuất Bê tông CK để chào mời mua sắt nhằm tìm chỗ bán số sắt thép mà mình sẽ chiếm đoạt được, Thịnh cho biết Công ty Thành Nam có một số công trình đang tạm thời ngừng thi công nên cần thanh lý 2 lô thép xây dựng, trong đó mỗi lô khoảng từ 50 – 60 tấn với giá 14.000 đồng/kilogram. Thấy giá này thấp hơn giá thị trường nên Cty Sản xuất Bê tông CK đồng ý mua.
Khi đã có nơi tiêu thụ, Thịnh tiếp tục tự giới thiệu là Giám đốc Cty Thành Nam để đặt vấn đề với Giám đốc Chi nhánh Cty CP Matexim Hải Phòng tại Hà Nội về việc mua thép xây dựng loại D16 và D18 để phục vụ công trình ở Vĩnh Tuy.
Đại diện Chi nhánh Cty CP Matexim đã cử người thương thảo hợp đồng với Thịnh. Để có cơ sở lập hợp đồng và phiếu báo giá, Thịnh đã đưa cho người của Chi nhánh Cty CP Matexim 1 phiếu đặt hàng và 1 giấy viết tay chỉ định nơi nhận hàng là Cty Bê tông CK ở Hoài Đức, Hà Nội, người nhận hàng là thủ kho Cty Bê tông CK.
Sau khi soạn thảo và ký trước vào hợp đồng bán sắt, phía Chi nhánh Cty CP Matexim đã chuyển hợp đồng cho Thịnh ký. Dù Cty Thành Nam không có chủ trương mua thép của Chi nhánh Cty CP Matexim để xây dựng công trình nhưng Thịnh vẫn ký vào hợp đồng với tư cách là Giám đốc Cty Thành Nam (bên mua hàng) và phiếu báo giá mua hai loại thép cây.
Sau đó, Thịnh đã đưa hợp đồng và phiếu báo giá cho nhân viên văn phòng của Cty Thành Nam đóng dấu. Do không biết Thịnh ký hợp đồng trái với chủ trương Cty nên người này đã đóng dấu theo yêu cầu của Thịnh.
Thực hiện hợp đồng này, đến ngày 14/9/2011, Chi nhánh Cty CP Matexim đã bàn giao hơn 50 tấn sắt xây dựng (tương đương hơn 900 triệu đồng) tại kho của Cty Bê tông CK. Sau đó, Thịnh đã ký xác nhận số thép đã nhận và công nợ phải thanh toán.
Sau khi nhận được lô thép, Cty Bê tông CK đã chuyển trả cho Thịnh hơn 700 triệu đồng. Toàn bộ số tiền này đã bị Thịnh sử dụng chi tiêu cá nhân mà không thanh toán cho bên bán hàng.
Bằng thủ đoạn tương tự, đến đầu tháng 10/2011, Thịnh tiếp tục chào bán 60 tấn thép xây dựng các loại cho Cty Bê tông CK và đề nghị bên mua ứng trước 40 triệu đồng cho lô hàng này. Sổ tiền còn lại sẽ thanh toán sau khi nhận hàng.
Sau khi được Cty Bê tông CK đồng ý và giao 40 triệu ứng trước, Thịnh đã liên hệ với Giám đốc Cty Cp Thép Delta, xưng là Giám đốc Cty Thành Nam để đặt mua sắt thép phục vụ công trình xây dựng.
Đại diện Cty Delta đã thương thảo và đồng ý bán cho Thịnh một số loại sắt thép và giao hàng tại “chân công trình”. Cũng như phi vụ trước, Thịnh đã ký tên với tư cách là Giám đốc Cty Thành Nam, đại diện bên mua hàng và còn ghi vào phiếu báo giá địa điểm giao hàng là Cty Bê tông CK. Sau đó, Thịnh đưa hợp đồng cho nhân viên Cty Thành Nam đóng dấu.
Đến ngày 18/10/2011, Cty Delta đã chuyển đến kho của Cty Bê tông CK hơn 63 tấn thép theo yêu cầu của Thịnh. Sau đó, Thịnh cũng đã ký vào biên bản giao nhận hàng hóa và xác nhận nợ Cty Detal hơn 1,1 tỷ đồng.
Sau khi nhận được thép, Cty Bê tông CK đã chuyển trả cho Thịnh số tiền còn lại của lô hàng là hơn 880 triệu. Toàn bộ số tiền này và số tiền đã nhận ứng trước đều bị Thịnh chi tiêu cá nhân mà không chuyển về Cty Thành Nam.
Sau khi chiếm đoạt được 2 lô sắt thép (trị giá 1,9 tỷ đồng) trên, Thịnh đã bỏ trốn sang Liên bang Nga. Đến năm 2016, Thịnh đã xin được phía Nga trục xuất về Việt Nam rồi đến cơ quan công an đầu thú.
Riêng đối với lô thép là tang vật vụ án, CQĐT xác định Cty Bê tông CK chưa sử dụng nên đã tiền hành trả lại cho Chi nhánh Cty Matexim và Cty Detal.
Tại phiên tòa, Thịnh đã thành khẩn khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội xin HĐXX cho bị cáo được nhận sự khoan hồng của pháp luật, giảm nhẹ hình phạt để bị cáo sớm được trở về với gia đình, với xã hội.
Xét hành vi của Thịnh, HĐXX sơ thẩm TAND TP Hà Nội đã tuyên phạt Nguyễn Quang Thịnh 12 năm 6 tháng tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.