Đánh đố…
Khoản 1 Điều 44 Luật Doanh nghiệp (DN) 2014 quy định: “DN có quyền quyết định về hình thức, số lượng và nội dung con dấu của DN”. Với quy định này, những người thuộc trường phái “bỏ dấu” thì cho rằng số lượng con dấu có thể bằng không, có nghĩa DN có thể không phải có con dấu.
Tuy nhiên, nếu “ngược dòng” văn bản, ở một số dự thảo ban đầu hướng dẫn Luật DN cũng đã viết: DN được quyền quyết định “có con dấu hoặc không có con dấu”. Rõ ràng hai quy định này khó có thể hiểu giống nhau…
Sự không rõ ràng này đã không được làm rõ hơn tại các điều khoản sau của Luật DN 2014. Khoản 9 Điều 97 về “Chế độ làm việc, điều kiện và thể thức tiến hành họp hội đồng thành viên” đã quy định hội đồng thành viên có quyền “sử dụng bộ máy điều hành, bộ phận giúp việc (nếu có) và con dấu của công ty để thực hiện nhiệm vụ của mình”.
Từ “nếu có” trong đoạn này chỉ được làm rõ cho bộ phận giúp việc (có thể có hoặc không) mà không giải thích cho từ “con dấu”. Nhưng đến Điểm e Khoản 1 Điều 120 về “Cổ phiếu” thì lại quy định: Cổ phiếu phải có một trong các nội dung bắt buộc là “dấu của công ty (nếu có)”.
Theo Dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật DN đưa ra lấy ý kiến (trước thời điểm Luật DN có hiệu lực), tại Chương quy định về quản lý và sử dụng con dấu, Điều 21 quy định: “Chủ DN tư nhân, chủ sở hữu, Hội đồng thành viên, Đại hội đồng cổ đông quyết định số lượng, nội dung, hình thức con dấu, hủy hoặc thay đổi mẫu dấu; Quyết định việc quản lý và sử dụng con dấu...” .
Dự thảo mới nhất Nghị định về đăng ký DN đưa ra lấy ý kiến sau 2 ngày Luật DN 2014 có hiệu lực cũng có hẳn 1 điều quy định về “Thông báo sử dụng, thay đổi, hủy mẫu con dấu”, trong đó cũng nhắc lại “DN có quyền quyết định về hình thức, nội dung và số lượng con dấu của DN, chi nhánh, văn phòng đại diện. DN có thể có nhiều con dấu với hình thức và nội dung như nhau…”.
Rõ ràng quy định về con dấu đã cởi mở hơn trước rất nhiều, song điều này không có nghĩa là DN không phải có con dấu…
Bỏ là bỏ thế nào…
Quy định về con dấu trong Luật DN 2014 được xem là bước đệm tiến tới bỏ hẳn con dấu theo thông lệ trên thế giới. Tuy nhiên, đó là câu chuyện trong tương lai.
Theo Luật sư Nguyễn Tiến Lập, Cty Luật NH Quang và Cộng sự, trong điều kiện môi trường pháp lý và thói quen kinh doanh của Việt Nam hiện nay, việc không bắt buộc có con dấu là khó khả thi. “Tại Việt Nam, nếu bỗng nhiên một ngày, khi DN đi làm việc mà trong văn bản chỉ có chữ ký, không có con dấu thì rất khó để tin cậy độ xác thực. Có thể sẽ nảy sinh chuyện DN phải đến cơ quan công chức để xác thực chữ ký, hoặc phải mang theo đăng ký kinh doanh nhằm chứng minh…” - ông Lập dự liệu.
Theo Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Cty Luật Basico, có ít nhất hai dạng quy định của pháp luật như sau: Thứ nhất, có quy định rõ ràng là phải đóng dấu; thứ hai, không quy định rõ trong phần chính của văn bản, nhưng lại có cụm từ “ký tên, đóng dấu” ở cuối các giấy tờ, mẫu biểu kèm theo. Ngoài ra, có tới hàng chục văn bản, từ thông tư cho tới luật, đang quy định bắt buộc phải đóng dấu.
Một DN bình thường thì cần phải có tài khoản và giao dịch qua ngân hàng. Mà chứng từ giao dịch bằng giấy với ngân hàng của các DN thì bắt buộc phải đóng dấu theo quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 8 về “Ký chứng từ kế toán ngân hàng”, chế độ chứng từ kế toán ngân hàng ban hành kèm theo Quyết định 1789/2005/QĐ-NHNN ngày 12/12/2005 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam….
Ngoài ra, hoạt động của một DN bình thường còn phải liên quan đến nhiều giao dịch phải đóng dấu khác. Vì vậy, nếu DN không có con dấu thì đồng nghĩa với việc không được hoạt động hoặc làm gì cũng bất hợp pháp.
“Nếu bỏ hẳn việc bắt buộc phải đóng dấu thì sẽ càng đơn giản. Nhưng với quy định đổi mới nửa chừng như hiện nay thì mọi việc sẽ trở nên không rõ ràng và tạo ra nhiều sự phức tạp, rủi ro hơn…” - Luật sư Trương Thanh Đức bình luận.
Theo đề xuất của Luật sư Đức, để khắc phục những bất cập trên, trong lúc chưa sửa đổi được luật cần xem xét thực hiện ba giải pháp sau: Thứ nhất, khẳng định các trường hợp bắt buộc đóng dấu đối với DN cũng không nhằm khẳng định giá trị pháp lý của văn bản, giấy tờ như quy định đối với các cơ quan nhà nước. Thứ hai, công bố danh mục những loại giấy tờ, giao dịch nào bắt buộc và không bắt buộc phải đóng dấu DN. Và thứ ba, quy định rõ các Bộ, ngành và địa phương không được ban hành văn bản mới quy định về việc phải đóng dấu đối với DN (tương tự như đối với việc ban hành điều kiện kinh doanh)…
Luật DN 2014 có hiệu lực từ ngày 1/7/2015 song cho đến nay vẫn chưa có hướng dẫn. Theo phản ánh của Hiệp hội DN nhỏ và vừa, hiện cơ quan công an không tiếp nhận hồ sơ cấp mẫu dấu cho DN, trong khi các cơ sở khắc dấu cũng không dám nhận vì chưa có ý kiến cơ quan công an cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện cho các công ty khắc dấu…