Đánh giá về đời sống âm nhạc trong nước những năm qua, tại Đại hội Hội Nhạc sĩ lần thứ VIII vừa diễn ra, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã nhấn mạnh: "Đời sống âm nhạc của chúng ta đang phát triển hết sức phong phú.Nhiều loại hình âm nhạc xuất hiện, nhưng bên cạnh những mặt làm được cho đời sống tinh thần của người hưởng thụ âm nhạc, thì vẫn có những vấn đề khiến các nhà chuyên môn, hội nghề nghiệp phải đau đầu. Đó là sự nở rộ và nghiêng hẳn về âm nhạc giải trí..."
Đời sống nhạc trẻ sôi động với nhiều cuộc thi tìm kiếm tài năng, nhưng mang khí nhạc thì im ắng |
Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân nói: "Ở mảng âm nhạc này, ngoài những nhân tố tích cực về lực lượng sáng tác, biểu diễn thì còn nhiều vấn đề phải bàn. Dư luận xã hội và giới làm nghề không ít lần lên tiếng bức xúc trước những biểu hiện lặp lại phong cách của nước ngoài một cách máy móc, hay sự chối bỏ hoàn toàn phong cách dân gian dân tộc hoặc không xem trọng giá trị của nền tảng âm nhạc trước đây như một sự kế thừa...Sự mất cân bằng trong các loại hình âm nhạc cũng là một bất cập đang cần phải bàn đến. Nói đến âm nhạc phải nói đến nhiều lĩnh vực. Ta vốn xây dựng nền âm nhạc đi bằng hai chân rất vững chắc là khí nhạc và thanh nhạc. Nhưng dần dà, chân khí nhạc không được đầu tư, không thể đi vững chắc. Cần phải tìm ra giải pháp cân bằng hóa đời sống âm nhạc". Với những yếu kém còn tồn tại trong đời sống nhạc Việt hiện nay, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân cũng đã thẳng thắn nhận định vấn đề tụt hậu trong phát triển âm nhạc là có thật, khiến cho âm nhạc chuyên nghiệp đang dần bị nghiệp dư hóa. Câu hỏi đặt ra là chúng ta đang có một nền âm nhạc chuyên nghiệp thật sự hay chưa? Nhìn vào quá khứ, nhiều nhạc sĩ đánh giá rằng chúng ta đã có một nền âm nhạc chuyên nghiệp với một đội ngũ tác giả âm nhạc tài năng mà tên tuổi và tác phẩm của họ còn sống mãi với thời gian. Dù đó là thời kỳ chiến tranh, nhưng hai mảng quan trọng là ca khúc và khí nhạc đều phát triển và đều được những người làm âm nhạc chăm lo, săn sóc. Còn hôm nay, trong thời kỳ hội nhập, âm nhạc đang quay theo guồng máy tất yếu của kinh tế thị trường, nhiều cái hay nhưng cũng không ít cái dở. Âm nhạc giải trí lên ngôi trong khi khí nhạc thì không được quan tâm đúng mức. Trên diễn đàn Đại hội Hội Nhạc sĩ, các vấn đề như chất lượng tác phẩm, quyền tác giả, nạn băng đĩa lậu và bản lĩnh của người làm nghệ thuật đã được đặt ra một cách thẳng thắn và ráo riết. Song, đi tìm câu trả lời cho những vấn đề bất cập bấy lâu còn tồn đọng trong đời sống âm nhạc không phải chuyện một sớm một chiều, cần sự chung sức của các nhà quản lý văn hóa, những người hoạt động âm nhạc và đông đảo công chúng nữa. Một môi trường sáng tạo lành mạnh, chuyên nghiệp luôn là mong muốn của tất cả những người làm âm nhạc chân chính. Chuyên nghiệp là điều kiện cần và đủ để một nền âm nhạc có thể bước vào hội nhập với thế giới.
Theo CAND