Trong nỗi đau bị chồng phản bội, có một cái đau lớn nhất mà nhiều chị em vì thiếu cảnh giác đã gặp phải. Bị chính "người trong nhà" tìm cách lôi kéo, cướp đoạt chồng...
|
Hình minh họa |
Em vợ "bẫy" anh rể
Người dân một khu buôn bán ở Thuận An, Bình Dương vẫn còn nhớ câu chuyện buồn của gia đình chị Lý Thị Thảo. Gia đình chị đang sống trong yên ổn, hạnh phúc thì một ngày thấy chị... đâm đơn ra toà. Chị Thảo không giải thích với người thân một lời, âm thầm lặng lẽ nhưng kiên quyết ly hôn rồi bỏ đi lên TPHCM sinh sống, khiến nhiều người không biết chuyện bất mãn dùm chồng chị, trách móc chị.
Một thời gian dài sau đó, thiên hạ vỡ lẽ khi thấy anh Trần Vĩnh Hưng, chồng chị bắt đầu công khai đi lại và chuẩn bị tiến tới hôn nhân với chị Thu, em con chú bác của chị Thảo. Trước đó, chị Thu sống chung với gia đình chị Thảo, ngoài đi làm công nhân tại một công ty may thì giúp chị Thảo coi sóc việc nhà, hai chị em rất quấn quýt, yêu thương nhau. Dần dần, mọi ngừơi mới biết chuyện thông qua lời kể của em gái anh Hưng, vốn quý chị dâu cũ và tức giận trước mối quan hệ hiện tại của anh trai mình.
Cách đó 5 năm, chị Thảo từ Nghệ An vào Bình Dương học Trung cấp, ra trường làm kế toán tại công ty xây dựng ở Bình Dương, tại đây, chị được anh Hưng, cũng là kĩ sư của công ty theo đuổi và yêu thương, rồi lấy làm vợ. Ở quê ai cũng mừng cho chị Thảo lấy được chồng có học thức, gia đình khá giả. Còn chị Thu là em con chú bác đồng thời là bạn thân thiết từ thuở nhỏ của chị Thảo. Do chị Thảo lúc này đã yên bề gia thất hết, người thân duy nhất ở quê còn lận đận, nghèo khổ là chị Thu, nên chị Thảo đưa em họ mình vào, nuôi ăn ở và xin việc làm ổn định.
Tuy nhiên, trong thời gian chung nhà với anh chị, thấy anh rể mình cao to đẹp trai, gia cảnh lại rất khá giả, chị mình được chiều chuộng hạnh phúc, trong đầu chị Thu nảy sinh ra mong muốn thay chỗ chị mình, làm chủ căn nhà khang trang hai tầng nọ. Thế nên, cô em họ này đã rắp tâm tìm mọi cách "bẫy" anh rể bằng vẻ trẻ trung, vờ vịt ngây thơ của gái chưa chồng. Chính cô này đã hất chị Thảo ra khỏi nhà bằng cách báo cho chị biết cô ta đã mang thai con của chồng chị, trong khi chị Thảo vẫn đang mong chờ một đứa con...
Mưu chước của ô sin
Nói về cái "dại", đem "kẻ phá hoại" về nhà làm tan vỡ hạnh phúc gia đình, thì chị Kim Hoa, ngụ Tân Định, TPHCM tự nhận mình là "hạng nhất". Đang thời gian mang thai đứa con thứ hai, chị Hoa tìm một người ở về chăm nom nhà cửa và thằng bé đầu mới bốn tuổi. Dù mẹ chồng, mẹ ruột đã đề nghị từ quê lên chăm nhưng chị ngại phiền nên từ chối, chị nhờ vả người thân tìm một người làm đỡ đần mình.
Đã cẩn thận, chị nhờ tìm một người làm trung niên, hơn chị chục tuổi. Người làm nhà chị Hoa xởi lởi, hay làm và rất khéo chăm chị, chăm thằng nhóc nên chị rất hài lòng, thường thưởng thêm tiền. Bà người làm gắn bó với gia đình chị Hoa từ khi chị có bầu tháng thứ 4 cho đến lúc em bé ra đời được tám tháng, bà ta vẫn ở nhà chăm chút cho đứa trẻ để anh chị đi làm, thì bỗng một buổi tối, cậu con trai tỉ tê với mẹ là cậu bé thấy "ba và dì Năm chơi trò gì lạ lắm".
Chị giật mình gạn hỏi thì đứa trẻ kể, cậu được ba đón đi làm về (chồng chị đi làm về sớm hơn chị), thường thường chồng chị bảo với cậu con trai là "chạy ra hàng xóm chơi với các bạn để ba tập trung làm việc, khi nào ba gọi mới được về". Hôm đó cậu bé té trầy chân, chạy về kể với ba thì không thấy cả ba lẫn "dì Năm" đâu cả, liền vào phòng ba mẹ, thì thấy "ba và dì Năm không mặc quần áo, làm gì kì lắm", cậu bé sợ ba đánh nên không dám hỏi, chạy đi chơi tiếp.
Chị Hoa nghe con kể mà choáng váng muốn ngất xỉu, bởi đã rất cẩn thận thuê người làm lớn tuổi, đồng thời chị thấy chồng không có biểu hiện lạ, coi "chị Năm" chỉ như người ở trong nhà, còn "chị Năm" nọ cũng có vẻ chăm sóc chồng chị, nhưng chị chỉ nghĩ là tính chu đáo của bà ta mà thôi.
Sau khi làm ầm ĩ mọi chuyện, đuổi bà người làm tai ác đi và đòi chia tay chồng, chị nhận được sự cầu khẩn, van xin của chồng mình. Anh giải thích là thời điểm vợ mang thai rồi ở cữ, anh thiếu thốn về mặt sinh lý, tuy nhiên vẫn không nghĩ gì đến chuyện đi "lang chạ" bên ngoài. Nhưng, có lẽ đoán tâm lý của anh, bà ngừơi làm luôn tìm cách chăm sóc, tiếp cận, thậm chí khiêu khích anh những lúc nhà không có ai. Rồi bà ta tiến đến đề nghị thẳng thắn là sẽ giúp anh "giải quyết", chỉ cần anh cho bà ta tiền là được. "Anh không có ý gì hết, chẳng chút nào động lòng với bà ta, em nghĩ coi, bả bằng tuổi chị Hai anh, nhưng thời điểm đó "nhạy cảm", mà bà ta cứ tìm mọi cách "tấn công" anh. Anh chỉ coi như "bóc bánh trả tiền" thôi, mong em tha thứ cho anh...". Nghe chồng phân trần mà chị Hoa vừa ghê tởm, vừa tan nát cõi lòng, lại trách mình dại dột...
Những câu chuyện như thế, không khỏi khiến người ta phải luôn cảnh giác, đề phòng, nơm nớp với những người thân chung quanh mình. Tuy nhiên, chị em phụ nữ cũng cần hiểu rằng, những người chồng không phải là "thánh" và cũng rất dễ bị quyến rũ, sa ngã, nhất là khi ngay trong nhà có người phụ nữ khác trẻ trung, xinh đẹp hơn vợ, hoặc người luôn tìm cách dụ dỗ, lôi kéo. Chị Thảo trong câu chuyện nói trên, do quá tin chồng, thương em nên không thấy những hành vi đáng ngờ của họ, như chuyện chồng chị bỗng ăn mặc tươm tất ngay cả khi ở nhà, rồi cô em họ cũng diện hơn, thân tình với anh rể hơn. Ngoài ra, em gái chồng chị cũng đã nhiều lần nói bóng nói gió rằng em họ chị có những "cử chỉ không đàng hoàng" với anh rể, thế nhưng chị gạt đi vì cho rằng anh em quý nhau, con bé còn hồn nhiên mới thế. Còn chị Hoa, nhiều người cũng đã lưu ý chị về chuyện bà người làm trên bốn mươi những còn rất mỡ màng, dáng đong đưa, ăn mặc buông tuồng, nhưng phần tự tin, phần lo chuyện bầu bì, chị chẳng thèm để tai, để rồi nhận thấy mình dại thì đã muộn.
Thế nên, đừng hoàn toàn tin tưởng, cũng như đừng lơ là với hạnh phúc của chính mình, vì đôi khi nguy cơ gây tan vỡ ở rất gần, dễ thấy, mà vì quá tự tin, thiếu cảnh giác mà chị em không thể nhận ra.
Lê Phương