Mật độ điện thoại/100 dân: Chỉ tiêu đã lỗi thời

Theo Thứ trưởng Bộ TT&TT Trần Đức Lai, với sự bùng nổ về phát triển điện thoại hiện nay của Việt Nam, chỉ tiêu mật độ điện thoại/100 dân vốn được đưa vào các nghị quyết, chương trình phát triển của quốc gia trước đây giờ không còn phản ánh được chính xác tình hình đáp ứng nhu cầu thông tin liên lạc, nghe nhìn nữa. Một người dân có thể có tới 5-7 số thuê bao điện thoại trong khi đó có người lại không có số nào…

Theo Thứ trưởng Bộ TT&TT Trần Đức Lai, với sự bùng nổ về phát triển điện thoại hiện nay của Việt Nam, chỉ tiêu mật độ điện thoại/100 dân vốn được đưa vào các nghị quyết, chương trình phát triển của quốc gia trước đây giờ không còn phản ánh được chính xác tình hình đáp ứng nhu cầu thông tin liên lạc, nghe nhìn nữa. Một người dân có thể có tới 5-7 số thuê bao điện thoại trong khi đó có người lại không có số nào…

Đây cũng là một trong những lý do để lần đầu tiên Việt Nam có một cuộc tổng điều tra thống kê hiện trạng phổ cập dịch vụ điện thoại, Internet và nghe nhìn trên phạm vi toàn quốc nhằm có được những con số phản ánh thực chất nhất tình hình hưởng thụ dịch vụ viễn thông, Internet, nghe - nhìn của người dân hiện nay.

Đến thời điểm này, công việc tổ chức thực hiện chuẩn bị cho cuộc tổng điều tra đã hoàn thành được khá nhiều phần việc. Bộ Thông tin và Truyền thông đã thành lập Ban Chỉ đạo điều tra, thống kê do Thứ trưởng Bộ Trần Đức Lai làm Trưởng Ban Chỉ đạo. Tại cấp tỉnh, Uỷ ban Nhân dân các tỉnh thành lập Ban chỉ đạo điều tra, thống kê cấp tỉnh do Phó Chủ tịch UBND tỉnh đứng đầu chỉ đạo, hướng dẫn các UBND huyện, xã tổ chức thực hiện điều tra tại địa phương theo đúng phương án do Bộ Thông tin và Truyền thông quy định.

Để việc điều tra, thống kê hiện trạng phổ cập dịch vụ điện thoại, Internet và nghe - nhìn toàn quốc năm 2010 được tiến hành đúng kế hoạch, sáng nay, 5/5, cầu truyền hình hướng dẫn triển khai cho 63/63 sở Thông tin và Truyền thông tỉnh, thành phố trên cả nước đã diễn ra dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trần Đức Lai.

Theo Thứ trưởng Trần Đức Lai, trong những năm qua, cơ sở hạ tầng, mạng lưới bưu chính, viễn thông đã không ngừng phát triển mở rộng đến vùng sâu, vùng xa, hải đảo và liên tục được bổ sung công nghệ mới, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu sử dụng dịch vụ của người dân.

Chỉ riêng điện thoại, hiện nay, Việt Nam đã đạt trên 135 máy/100 dân. Đây là một con số vượt xa dự đoán của cơ quan quản lý nhà nước nhiều lần. Được biết, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X đề ra chỉ tiêu cho ngành trong kế hoạch 5 năm (2006 - 2010) cũng chỉ ở mức 35 máy/100 dân.

Tỷ lệ người dùng Internet cũng không ngừng tăng theo từng năm. Đóng góp vào thành tựu chung này phải kể tới nỗ lực của các doanh nghiệp Viễn thông Việt như Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam VNPT - doanh nghiệp chiếm thị phần lớn nhất về điện thoại di động, cố định và Internet, đặc biệt là Internet băng rộng ở thời điểm này.

Cùng với điện thoại, Internet, hệ thống phát thanh truyền hình ngày càng được hiện đại hoá với nhiều phương thức truyền thông, dễ dàng tiếp cận đã góp phần nâng cao dân trí, đóng vai trò quan trọng trong việc phản ánh thực tiễn, thông tin và tuyên truyền đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, thực tiễn phát triển thông tin và truyền thông trong điều kiện mở cửa thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế đang đặt ra nhiều thách thức. Mức độ phát triển hạ tầng, dịch vụ viễn thông, Internet và nghe - nhìn ở các vùng, miền, địa phương còn chưa được hài hoà. Những thông tin, số liệu chi tiết dể phục vụ xây dựng chính sách, chương trình phát triển còn thiếu…

“Và vì vậy, cuộc tổng điều tra với nhiệm vụ thu thập thông tin, số liệu về hiện trạng phổ cập dịch vụ điện thoại, Internet, phát thanh, truyền hình với quy mô rộng lần này là rất cần thiết và có ý nghĩa rất lớn” - Thứ trưởng Trần Đức Lai khẳng định. 

 Nguồn: VnMedia

Đọc thêm