Những ngày này mưa nắng thất thường, vừa nắng đấy đã lại mưa đấy, vừa mát mẻ đấy đã lại oi bức đấy, không thể đoán định. Lại thêm tóc trên đầu đã bạc, sức đã yếu, đêm nằm cứ trăn qua trở lại, không sao ngủ được. Dậy bóc tờ lịch, hóa ra đã đến ngày “bạch lộ”. Chả trách ông bà tổng kết “tiền tam hậu nhị”, tức cứ trước ngày tiết ba ngày, sau ngày tiết hai ngày, mình mẩy nhức mỏi kém ăn kém ngủ!
Ngồi hút thuốc vặt, đầu óc linh tinh từ chuyện này qua chuyện khác. Tại sao viết là “bạch lộ” mà không là “nắng nhạt”? Tại sao “tiền tam hậu nhị” mà không là “trước ba sau hai”? Chợt nhớ cách đây vài năm, một vài vị học giả đáng kính của nước ta cãi nhau rằng có “gầm giày” hay không? Sự việc bắt đầu bằng một trận bóng đá truyền hình trực tiếp, khi bình luận viên thông báo cầu thủ A đạp gầm giày vào cầu thủ B.
Bên bảo đã có gầm giường thì ắt hẳn có gầm giày. Bên kia bảo nhầm, khái niệm gầm giường xác định khoảng diện tích ở phía dưới mà cái giường chiếm chỗ chứ không phải chỉ đối tượng giường. Sự việc có vẻ nghiêm trọng khi xuất hiện những cái tên nổi tiếng trong lĩnh vực ngôn ngữ như giáo sư Cao Xuân Hạo, học giả Dương Tường… Tất nhiên như mọi cuộc bàn luận chữ nghĩa, không có kết luận cuối cùng. Nay có vị tham gia cuộc tranh luận đã về thế giới bên kia, có vị mắt đã mờ, vẫn còn đó câu hỏi có hay không cái gầm giày kia!
Tôi vốn ít học, ít chữ nghĩa, đọc sách của giáo sư Cao Xuân Hạo như lạc vào rừng rậm. Nhưng tôi rất mừng khi ông thống kê những thì, là, mà của Nguyễn Du để minh chứng những thì là mà ấy là một phần không thể thiếu của một thứ tiếng Việt trong sáng (ngược lại là ngữ pháp tiếng Tây!). Và có một điều rất dễ cảm nhận, là tình yêu tiếng Việt của ông. Ông tức giận, phẫn nộ với những trường hợp người Việt dùng sai tiếng Việt. Nhưng những cái mà ông khó lòng chấp nhận không những không mất đi mà có vẻ như ngày càng phát triển, xuất hiện dày đặc trong giao tiếp, đặc biệt trong ngôn ngữ nói.
Đã đành trong giao tiếp thường ngày ta có thể nói chưa chính xác, không chính xác người đối thoại vẫn hiểu. Nhưng trong những trường hợp tạm gọi là phát ngôn chính thức thì hoàn toàn khác, nó gây nên cảm giác khó chịu. Tôi thật lòng không hiểu tại sao các phát thanh viên của truyền hình Việt Nam cứ hồn nhiên gọi mỳ ăn liền là mỳ tôm, hồn nhiên không biết mỳ tôm (cùng với mỳ cua) là nhãn hiệu của một loại mỳ ăn liền được bán nhiều trong những năm sau ngày đất nước thống nhất! Nhưng chuyện nhầm lẫn này chỉ là chuyện nhỏ. Trường hợp sính dùng một số từ, hoàn toàn không đúng với nội dung mình đang trình bày mới là điều đáng nói.
Có hai từ mà tôi thấy Đài Truyền hình Việt Nam VTV1 cũng như đài địa phương hay dùng là “vấn nạn” và “bất cập”. Tôi ngờ rằng nếu hỏi, không chắc các cô phát thanh viên đã hiểu đúng hai từ này. Không hiểu, hiểu không đúng nhưng cứ thích dùng, thích nói thành ra phản cảm, chối tai, thành ra phải ngay lập tức… chuyển kênh! Điều đáng nói, tiếng Việt hoàn toàn không thiếu, thậm chí khả năng diễn đạt của nó còn hay hơn các từ vay mượn vừa đề cập!...
Chuyện khác, là chuyện trong đám cưới tổ chức ở các nhà hàng, khách sạn. Mới đây vợ chồng tôi cho con gái đi lấy chồng, nhóm họ ở một khách sạn khá sang. Tôi đã yêu cầu bỏ hết những múa những hát, nhưng vẫn muốn gặp người dẫn chương trình. Tôi nói với anh ta rằng xin đừng dùng chữ “hôn trường” để tôi khỏi... hôn mê! Như đã nói, tôi vốn ít học, không biết người ta ghép từ như vậy để làm gì! Tôi lại càng không hiểu nhiều vị dư thời gian nhậu nhẹt nhưng khi phát biểu lại cứ thích “phối, kết hợp”, “kỹ, chiến thuật” làm như mình bận đến mức không thể nói đầy đủ “phối hợp, kết hợp”, “ kỹ thuật, chiến thuật”!...
Đêm dài, những việc nho nhỏ như vậy làm đêm càng dài!
Hoàng