Mất nhà vì… USD

Thay đổi tỷ giá được cho là “giọt nước tràn ly”, đẩy người thu nhập bình dân ngày càng xa hơn căn nhà họ mơ ước.

Thay đổi tỷ giá được cho là “giọt nước tràn ly”, đẩy người thu nhập bình dân ngày càng xa hơn căn nhà họ mơ ước.

Người nghèo mếu…

Vợ chồng anh Huy chị Lan được ông bà nội cho một mảnh đất nho nhỏ ở ngoại thành, cách trung tâm Hà Nội hơn 10km. Ăn nhịn để dành hơn 10 năm, anh chị dự kiến số tiền 300 triệu đủ để xây được một căn nhà cấp 4 có móng vững chắc, qua Tết có thể bắt tay khởi công xây dựng.

Đùng một cái, Tết trôi qua với thông tin giá xi măng, thép tăng, rồi sau đó tỷ giá được điều chỉnh. Giá điện và than có thể tăng trong thời gian tới cũng sẽ tác động không nhỏ tới giá của các loại vật liệu khác, đương nhiên cũng tác động đến chi phí vận chuyển và nhân công.

bds

Tính ra, cần phải có thêm khoảng 100 triệu nữa mới xây được căn nhà như dự kiến, vợ chồng anh Huy chị Lan đang thấp thỏm không yên với bài toán đi vay hay tiếp tục nhịn ăn nhịn mặc. Mà với đồng lương công chức của anh chị, tiết kiệm được 100 triệu đâu phải là việc nhỏ. “May mà đã có đất ông bà cho, chứ nếu không cả đời vợ chồng tôi cũng chẳng dám nghĩ tới việc có chỗ ở riêng. Nhà ở xã hội thì cũng phải có nguồn tiền ban đầu để mua chứ”, anh Huy phàn nàn.

Mặc dù đại diện cơ quan quản lý nhà nước cho rằng, việc điều chỉnh tăng tỷ giá USD/VND trước mắt chưa tác động gì tới thị trường bất động sản, vì các sản phẩm của thị trường này đều được hình thành từ nguồn nguyên liệu trong nước. Thế nhưng, nhìn vào thực tế tăng giá thời gian gần đây của các mặt hàng vật liệu xây dựng, có thể thấy rằng, một số nguyên liệu đầu vào trong lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng phải nhập khẩu với tỷ giá cao sẽ có tác động trực tiếp đến thị trường khiến giá nhà có thể sẽ tăng.

Sau khi giá thép được tăng từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng mỗi tấn, xi măng cũng tăng thêm 60.000 đồng. Ngành thép dự đoán, trong bối cảnh giá nguyên liệu đầu vào tăng thì giá thép sẽ còn biến động, bởi sau khi tỷ giá USD/VND tăng sẽ đến giá than, điện tiếp tục được điều chỉnh. Từ đó cho thấy, không chỉ giá thép, xi măng mà cả những nguyên liệu khác cũng có thể tăng giá.

… Người giàu cũng khóc

Trên thị trường BĐS, người “mất” nhiều nhất thời điểm này chính là các nhà đầu tư vào phân khúc căn hộ cao cấp, nơi các dự án chủ yếu được định giá dựa trên giá đô – la, dù vẫn “trao tay” tiền Việt. Anh Nguyễn Quang Vinh mua một căn hộ trên đường Lê Văn Lương, than thở: "Sau một đêm ngủ dậy, tự nhiên mất hơn 200 triệu đồng trượt giá". Căn hộ anh mua có diện tích gần trăm m2 với giá hơn 2.000 USD/m2, mới đóng được 40%. Giá USD tăng “chỉ” khoản 1.200 VND/USD, nhưng cũng khiến anh phải móc túi chi ra thêm tới 200 triệu.

Tình trạng này cũng là tình trạng chung của khách hàng các dự án định giá nhà theo USD như Dolphin Plaza, Indochina Plaza, Royal City, Sky City Tower, Ciputra Luxury, Mulberry Lane, Lancaster hay Eco park… Các chủ đầu tư cho hay căn hộ của họ được giao dịch bằng VND nên không tác động gì, nhưng thực tế trên thị trường cho thấy, số tiền VND đó đều được quy đổi từ giá nhà tính bằng USD.

Tình trạng này từng xảy ra đối với dự án Hattoco (Trần Phú, Hà Đông, Hà Nội), khiến cho các cơ quan hữu trách phải lên tiếng. Nhưng, đây vẫn là biện pháp đảm bảo bảo toàn vốn nhất cho DN, nên các dự án khác vẫn liều lách luật, còn người mua vì muốn có sản phẩm nên “nhắm mắt cho qua”, an ủi rằng đó là tiền lệ của thị trường.

Thế nhưng, nếu điều này được chấp nhận như tiền lệ, người mua có thể phải tiếp tục "bấm bụng" móc túi, vì xu hướng thị trường cho thấy, điều chỉnh tỷ giá còn phải tiếp tục thực hiện cho phù hợp với thị trường.

Bách Nguyễn

Đọc thêm