“Mắt thần” và “Trái tim” ở cố đô Huế

(PLVN) - Để Thừa Thiên - Huế trở thành đô thị thông minh với nhiều tiện ích trong quản lý cũng như phục vụ người dân và doanh nghiệp, một trong những dịch vụ đầu tiên được các cấp chính quyền và người dân xây dựng đó là “Trung tâm giám sát điều hành đô thị thông minh” (Hue IOC). Đây cũng là “trái tim” quan trọng nhất trong hệ thống đô thị thông minh tại Thừa Thiên - Huế. 
Huế sẽ trở thành đô thị thông minh trong khoảng 3 năm tới.
Huế sẽ trở thành đô thị thông minh trong khoảng 3 năm tới.

Trung tâm là đầu mối kết nối giữa công dân, doanh nghiệp và chính quyền trong các dịch vụ đô thị thông minh của tỉnh, hướng đến xây dựng một chính quyền phục vụ người dân tốt hơn. Mô hình được triển khai trên nền tảng giải pháp smartcity của Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội (Viettel). 

Hiện, Trung tâm đã và đang triển khai 10 dịch vụ giám sát đô thị thông minh, bao gồm: phản ánh hiện trường; nhóm giải pháp camera giám sát đô thị (giám sát vi phạm giao thông; giám sát trật tự đô thị; giám sát an toàn đô thị; tổng hợp hỗ trợ quy hoạch, phát triển giao thông); thông tin cảnh báo; giám sát thông tin báo chí địa phương; thẻ điện tử công chức, viên chức…

Trong đó, dịch vụ tiếp xúc với người dân nhiều nhất là phản ánh hiện trường. Người dân có thể phản ánh, kiến nghị về những bất cập trong đời sống xã hội với chính quyền trực tiếp bằng smartphone hoặc qua website của trung tâm, kèm theo hình ảnh, video hiện trường.

Ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, dịch vụ giám sát đô thị thông qua cảm biến camera cũng tác động tích cực đến thay đổi tình hình xã hội trên địa bàn tỉnh. Hệ thống camera được lắp đặt trên địa bàn tỉnh sẽ được chuyển dữ liệu về Trung tâm. Tại đây, hệ thống phân tích và đưa ra các cảnh báo vi phạm. Trung tâm kiểm tra, xác minh mức độ cảnh báo, hỗ trợ Công an hoặc các cơ quan chuyên môn có thẩm quyền xử lý. 

Hiện có hơn 60 camera của Trung tâm đã được lắp đặt, cùng với việc đấu nối hơn 200 camera của các cơ quan chức năng và các địa phương để giám sát ở nhiều khu vực trọng điểm, góp phần vào việc giám sát, xử lý các vụ việc về an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, giao thông… 

Trong quy hoạch thời gian tới, TP Huế sẽ có khoảng 1.000 – 1.200 camera để giám sát, điều hành, được ví như những “mắt thần” giúp cho Hue IOC có các nguồn dữ liệu đầu vào tốt nhất.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, ông Phan Thiên Định, đô thị thông minh là quan hệ cộng sinh giữa chính quyền được quản lý thông minh hướng đến mục tiêu vì dân; cộng đồng dân cư thông minh, biết được những điều mình muốn một cách sâu sắc và tương tác với chính quyền để truyền tải những tâm tư, nguyện vọng của bản thân thông qua công cụ là hạ tầng công nghệ.

Đồng thời phát triển, xây dựng đô thị thông minh dựa trên những đặc điểm, lợi thế riêng biệt của địa phương. Đặc biệt, Thừa Thiên - Huế đặt ra mục tiêu không phải phát triển kinh tế bằng mọi giá mà là phấn đấu phát triển theo hướng đô thị di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan và thân thiện với môi trường. 

“Theo kế hoạch, mô hình điều hành đô thị thông minh của Huế là mô hình mẫu để các tỉnh thực hiện. Quá trình hoàn thiện có thể tốn khoảng 3 năm. Huế khi đó sẽ là đô thị thông minh hoàn chỉnh đầu tiên tại Việt Nam” - Chủ tịch tỉnh Thừa Thiên - Huế Phan Ngọc Thọ cho biết.

Đọc thêm