Mất việc ồ ạt, thật hay ảo?

Bình Dương là tỉnh có tỷ lệ người đăng ký thất nghiệp cao nhất nhì cả nước. Thống kê của Trung tâm giới thiệu việc làm tỉnh Bình Dương, từ đầu năm đến nay, tỉnh có hơn 41.000 lao động đăng ký thất nghiệp. Tính ra mỗi tháng, có hơn 4.000 người mất việc làm.
Bình Dương là tỉnh có tỷ lệ người đăng ký thất nghiệp cao nhất nhì cả nước. Thống kê của Trung tâm giới thiệu việc làm tỉnh Bình Dương, từ đầu năm đến nay, tỉnh có hơn 41.000 lao động đăng ký thất nghiệp. Tính ra mỗi tháng, có hơn 4.000 người mất việc làm.

Đáng nói là trong khi lượng người đăng ký thất nghiệp ở mức cao, thì các doanh nghiệp trên địa bàn luôn trong tình trạng thiếu lao động.

Thất nghiệp… tự nguyện

Còn khoảng hai tháng nữa đến Tết Nguyên Đán, nhưng số người đăng ký thất nghiệp ở Bình Dương không hề giảm. Riêng trong tháng 11 có khoảng 4.000 người đến đăng ký thất nghiệp. Ông Bùi Văn Kiêu, Phó Giám đốc Trung tâm giới thiệu việc làm (TTGTVL) tỉnh Bình Dương, cho biết có rất nhiều lý do để người lao động thất nghiệp. Đó là công việc không ổn định, lương thấp; nghỉ việc vì muốn đổi chỗ làm, ở nhà buôn bán.

Đặc biệt, một lượng lớn người lao động nghỉ việc ở Bình Dương để về quê, vì nhiều tỉnh cũng bắt đầu phát triển công nghiệp.

Đăng ký bảo hiểm thất nghiệp ở TTGTVL Bình Dương. (Ảnh: T.Đan)

Trung bình mỗi tháng, tỉnh này có khoảng 1.000 người chuyển bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) về nơi cư trú. “Dù số lượng người đăng ký thất nghiệp ở Bình Dương đứng nhất nhì cả nước, nhưng không đáng ngại, vì họ thất nghiệp không phải là không có việc làm, mà thất nghiệp tự nguyện. Người thất nghiệp ở đây có khả năng tự tạo việc làm cho mình, không cần đến sự hỗ trợ ”, ông Kiêu nói.

Trong khi mỗi tháng có khoảng 4.000 người đăng ký thất nghiệp, thì cũng mỗi tháng các doanh nghiệp cần tuyển đến 15.000 lao động. Trong phiên giao dịch việc làm diễn ra giữa tháng 11 vừa qua, 400 doanh nghiệp tham gia, với nhu cầu tuyển dụng gần 15.500 lao động, khi chỉ có 2.800 lao động dự phiên giao dịch này.

BHTN ra đời với ý nghĩa chia sẻ rủi ro cho người lao động bị mất việc làm, nhưng thực tế áp dụng cho thấy, vai trò lợi ích của BHTN đã vượt ra mục đích đó và “nhờ” nó mà… thất nghiệp ảo gia tăng.

Trục lợi bảo hiểm thất nghiệp?

Theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội, người lao động cứ đóng đủ bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) từ 12 - 36 tháng, sẽ được hưởng 60% của ba tháng lương căn bản, nếu thất nghiệp. Ví dụ, người lao động có mức lương cơ bản 2 triệu đồng một tháng.

Trong 12 tháng, số tiền mà người đó phải đóng cho quỹ BHTN là 240.000 đồng (1% một tháng). Sau một năm đóng BHTN, người đó chấm dứt hợp đồng lao động và đăng ký hưởng BHTN, thì sẽ được chi trả 60% của ba tháng lương, tính ra khoảng trên 3 triệu đồng, gấp nhiều lần so với mức đóng vào.

Theo ông Nguyễn Phùng Trung, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH tỉnh Bình Dương, chính quy định trên đã “tạo điều kiện cho thất nghiệp”.

Chị Hồ Thị Mỹ Linh, quê Nghệ An, công nhân một công ty dệt may ở huyện Thuận An, tính toán: “Do con nhỏ nên nghỉ làm một thời gian chăm con. Số tiền lãnh BHTN đủ cho vài tháng tiền thuê nhà trọ”. Chị cho biết công ty đang rất thiếu người. Đến nỗi giám đốc phải “chiêu dụ”, nếu nghỉ làm không quá 6 tháng, vô làm lại thì sẽ được ký hợp đồng ngay và giữ nguyên mức lương lúc nghỉ việc. Vì vậy, rất nhiều người đã xin nghỉ việc một thời gian để lãnh BHTN, sau đó xin vô làm lại.

Như vậy, tình trạng thất nghiệp ồ ạt ở Bình Dương hiện không phải nghiêm trọng, nếu nhìn dưới góc độ tạo việc làm. Tuy nhiên, nhìn dưới góc độ ban hành và áp dụng luật pháp, cũng như phát triển kinh tế, ổn định sản xuất, thì thật sự có vấn đề. Ông Nguyễn Phùng Trung kết luận: “Phải đưa BHTN về đúng mục đích, ý nghĩa của nó. Nếu tình trạng này kéo dài, không chỉ gây ảnh hưởng đến sản xuất của doanh nghiệp, đến việc làm của người lao động, mà còn tác động đến sự ổn định xã hội”.

“Không thể nói người lao động lợi dụng chính sách BHTN để trục lợi, mà do kẽ hở của cơ chế. Người lao động đóng BHTN, họ có quyền hưởng các quyền lợi liên quan”, ông Nguyễn Phùng Trung, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH Bình Dương

Theo
Thiên Đan
Đất Việt

Đọc thêm