Ở mỗi dân tộc, việc vận dụng màu sắc có tập quán khác nhau. Ví như ở các nước phương Tây, màu đen là màu tang tóc, còn ở Việt Nam và các nước phương Đông thì phổ biến màu tang là màu trắng. Màu sắc còn mang đặc trưng sắc thái của các tầng lớp xã hội khác nhau: Thời phong kiến, màu vàng của vua nên từ quan đại thần đến thường dân, cấm không ai được mặc quần áo hoặc xây dựng nhà cửa màu vàng. Màu tím là sắc phục của các quan đại thần. Màu điều, màu đỏ dành riêng để tế thần và làm sắc phục cho các cụ thượng thọ. Màu nâu sòng là của cửa Thiền dành cho những người quy y Phật tổ, cũng như màu đen là sắc phục của linh mục đạo Ki-tô. Màu xanh là của những người còn theo đòi cửa Khổng sân Trình, của học trò chưa đỗ đạt… Màu đen, màu nâu là trang phục rẻ tiền nhất của nông dân. Màu xanh nhập nội từ đất nước Trung Hoa, sau giải phóng gọi là xanh công nhân. “Áo vẫn xanh” tức là chưa hiển đạt, vẫn còn là bộ quần áo của hàn sĩ. Màu đào - tức màu hoa đào là của các nàng ca sĩ, cho nên mới có danh từ “Hát ả đào”.
Ở Việt Nam, từ xưa tới nay, màu đỏ, màu vàng, màu hồng, dùng trong trướng đối chỉ dành để chúc tụng, khao lão, mừng rỡ, còn trong lễ tang chỉ có thể dùng màu trắng, màu xanh, màu đen, màu tím./.
Hương Tú (biên soạn)