Mẹ già "gần đất xa trời" lôi con ra toà

Cụ Dương Thị Nhật ngồi lặng như hóa đá với đôi mắt nhìn như vô định, như không nghe thấy những lời nói đầy hiếu nghĩa từ chính người con trai út mà cụ yêu thương nhất mực. Không ai biết lúc đó trong lòng người mẹ già bất hạnh đang nghĩ gì. 

“Giàu con út, khó con út”, cả cuộc đời nếm trải vô vàn đắng cay, oan trái nên tất cả tình yêu thương cha mẹ già dành trọn vẹn cho người con trai út. Không ngờ, khi người cha mất nấm mồ chưa xanh cỏ, người con trai út đã đòi chia tài sản, sang tên nhà đất cho vợ chồng mình, đẩy mẹ già tay trắng vào thảm cảnh phải ở nhờ nhà con.

Cả đời đắm đuối vì con

Nguyên đơn trong vụ án dân sự “Tranh chấp đòi lại tài sản và thừa kế” là cụ Dương Thị Nhật (85 tuổi, ở tổ 12, khu 8, phường Gia Cẩm, TP.Việt Trì, tỉnh Phú Thọ).

hggh
Mẹ già chống gậy hầu Tòa. Ảnh minh hoạ.

Thời trẻ, cụ Nhật cũng thuộc hàng đảm đang nhan sắc nhưng cuộc đời long đong vất vả, từng phải đi “hai lần đò”. Năm 1947, cụ Nhật về làm vợ cụ Đinh Văn Liêm, sinh hạ được hai người con gái. Hạnh phúc đang viên mãn thì “đứt gánh giữa đường” vào năm 1955 do sự ra đi đột ngột của cụ Liêm. 2 năm sau, cụ Nhật kết hôn với cụ Nguyễn Văn Thới, sinh được bốn người con, trong đó có người con trai út là ông Nguyễn Việt Hùng (bị đơn vụ án).

Sinh thời, vợ chồng cụ Nhật và các con sống tại ngôi nhà ở phường Nông Trang (TP.Việt Trì). Những người con khôn lớn trưởng thành đều được các cụ dựng vợ gả chồng, cho ở riêng, chỉ còn lại vợ chồng người con út là ông Hùng (vợ là bà Bùi Thị Mai) ở cùng bố mẹ.

Đến năm 1990, vợ chồng cụ Nhật bán nhà ở phường Nông Trang để mua đất đã dựng sẵn móng nhà ở khu 8 phường Gia Cẩm (nay là số nhà 1552 Đại lộ Hùng Vương, TP.Việt Trì) và chuyển gia đình đến đó sinh sống. Sau đó, hai cụ xây dựng ngôi nhà hai tầng tại địa chỉ 1552 Đại lộ Hùng Vương khang trang đẹp đẽ như ngày nay.

Vợ chồng ông Hùng bà Mai cũng chuyển đến ở cùng các cụ tại địa chỉ này. Ngôi nhà này được mua bằng tiền của vợ chồng cụ Nhật dành dụm, tiền xây nhà do các cụ bán nhà cũ bên phường Nông Trang mà có nên đương nhiên giấy tờ nhà đất được đứng tên cụ Nguyễn Văn Thới. Tất cả những nội dung đó, mọi thành viên trong gia đình đều biết và nhất trí, không ai có ý kiến gì. Đột ngột, ngày 3/2/2006 cụ Thới bị tai nạn qua đời.

Nỗi đau về sự ra đi của cụ Thới chưa nguôi ngoai trong lòng cụ Nhật và những người con thì một tháng sau, ông Hùng đưa ra bản di chúc đề ngày 20/8/1997 có chữ ký của cả cụ Nhật và cụ Thới được chứng thực với nội dung cho vợ chồng ông Hùng toàn bộ tài sản là nhà đất. Vợ chồng ông Hùng yêu cầu được sang tên sổ đỏ ngôi nhà, và đồng ý cho cụ Nhật được ở nhờ trong nhà của vợ chồng họ đến hết đời.

Cụ Nhật quá bất ngờ, uất ức và đau lòng trước hành xử của người con trai út. Thực tế, cụ Nhật có ký vào bản di chúc do ông Hùng viết sẵn, nhưng do tuổi cao, mắt kém nên cụ tưởng rằng ký vào tài liệu đó để làm sổ đỏ chứ không biết là di chúc. Bởi vậy, cụ Nhật không chấp nhận bản di chúc do có sự lừa dối nhầm lẫn, không thể hiện đúng ý chí của cụ.

Bắt đầu từ đây, mâu thuẫn giữa mẹ già ở tuổi gần đất xa trời với vợ chồng người con trai út đã xảy ra. Không hòa giải được việc tranh chấp quyền sở hữu ngôi nhà nên cực chẳng đã cụ Nhật phải khởi kiện vợ chồng ông Hùng, bà Mai ra Tòa.

Nước mắt mẹ già...

Vụ án này đã trải qua hai vòng tố tụng. Vòng tố tụng thứ nhất chấp nhận đơn đòi nhà của cụ Nhật, giao ngôi nhà 1552 Đại lộ Hùng Vương cho cụ Nhật, buộc cụ Nhật phải thanh toán cho vợ chồng ông Hùng một khoản tiền. Bản án có hiệu lực nhưng không thể thi hành do ông Hùng liên tục có đơn xin hoãn thi hành án để khiếu nại giám đốc thẩm.

Những tưởng sự thật đã rõ ràng như thế, công lý tất sẽ thuộc về bà mẹ bất hạnh, không ngờ vụ án lại có kháng nghị và bản án giám đốc thẩm tuyên hủy để xử lại từ đầu. Ông Hùng cho rằng toàn bộ tiền mua nhà là do vợ chồng ông bỏ ra, bố mẹ ông chỉ có công đóng góp một phần tiền xây dựng bằng một phần sáu giá trị ngôi nhà. Phần tài sản của cụ Thới thì đã di chúc cho vợ chồng ông, nên ông Hùng chỉ chấp nhận trả cho cụ Nhật phần tài sản của cụ, không đồng ý chia cả ngôi nhà cho cụ.  

Phiên tòa sơ thẩm vòng tố tụng thứ hai được TAND TP.Việt Trì mở lại vào tháng 12/2010 vừa qua đã xác định ngôi nhà này là tài sản chung hợp nhất của vợ chồng cụ Nhật, cụ Thới, ông Hùng, bà Mai, trong đó vợ chồng cụ Nhật chỉ được chia kỷ phần bằng một phần sáu giá trị ngôi nhà. Tòa chấp nhận giao toàn bộ ngôi nhà cho vợ chồng ông Hùng, buộc vợ chồng ông Hùng phải thanh toán trả cho cụ Nhật tổng cộng trên 139 triệu đồng.

Tại phiên tòa hôm ấy, ông Hùng vẫn ngọt nhạt trình bày rằng: “Dù thế nào đi nữa thì cụ Nhật vẫn mãi mãi là người mẹ đáng kính nên tôi luôn mong muốn mẹ được sống cho đến khi trăm tuổi cùng vợ chồng tôi  trong ngôi nhà có công đóng góp cả về vật chất lẫn tinh thần cho vợ chồng tôi lúc khó khăn” (Câu này được thể hiện nguyên văn trong bản án dân sự sơ thẩm số 248/2010 ngày 23/12/2010 của TAND TP.Việt Trì).

Cụ Dương Thị Nhật ngồi lặng như hóa đá với đôi mắt nhìn như vô định, như không nghe thấy những lời nói đầy hiếu nghĩa từ chính người con trai út mà cụ yêu thương nhất mực. Không ai biết lúc đó trong lòng người mẹ già bất hạnh đang nghĩ gì. 

Trần Nguyên

Đọc thêm