Bà cụ già gầy yếu với mái tóc bạc trắng, khuôn mặt hiền hậu đến xin Luật sư tư vấn làm thế nào để con trai mình được ở tù dài. Thoạt đầu tôi tưởng mình nghe nhầm nên cẩn thận hỏi lại xem con bà có nghiện hút không, có phải nghịch tử bất hiếu đến nỗi bà mong từ mặt không?
Bà cụ lắc đầu nghẹn ngào: “Không, con tôi nó hiền lắm, và bất hạnh lắm. Nó bị tâm thần, can án giết người, Luật sư ơi. Tôi thì già yếu chẳng còn sống được bao lâu nữa mà chăm sóc nó. Tôi mong nó được ở tù dài để khỏi lang thang vạ vật, rồi lại can án nữa thì tội lắm!”
|
Bị cáo Lê Văn Đoài |
• Cảnh ngộ thương tâm của người mẹ
Bà mẹ bất hạnh đó là cụ Nguyễn Thị Hoàng (70 tuổi, ở xã Hồng Quang, huyện Ứng Hòa, Hà Nội), mẹ của bị cáo Lê Văn Đoài (SN 1985, trú cùng địa chỉ trên). Đoài là con út của bà Hoàng, trên Đoài có hai người anh trai. Năm Đoài lên 10 tuổi thì đã mồ côi cha. Từ đó, gia đình Đoài chỉ có mấy mẹ con côi cút rau cháo qua ngày.
Nhà nghèo quá nên dù là con út nhưng Đoài cũng chẳng được yêu chiều gì nhiều. Ngay từ thuở nhỏ, Đoài đã phải làm quần quật để phụ giúp gia đình kiếm sống. Và cũng như các anh mình, Đoài chỉ được cho đi học đủ để biết đọc biết viết rồi bỏ dở.
Ngay từ nhỏ Đoài đã không được khỏe mạnh, lanh lợi như các anh. Hồi bé thì Đoài đau ốm dặt dẹo, thể trạng yếu nên trí óc cũng chậm phát triển. Lũ trẻ cùng xóm thấy Đoài như vậy thường đưa ra làm trò đùa, réo gọi Đoài “hâm”, Đoài “chập cheng” ầm ĩ rồi cười với nhau.
Thương con, để che chở bảo vệ con nên đi làm bà Hoàng cũng dắt Đoài theo, để hắn quanh quẩn bên mình khỏi bị lũ trẻ xấu tính trêu chọc, đánh mắng. Rồi theo năm tháng, Đoài lớn lên, cũng khôi ngô vạm vỡ như những thanh niên khác. Đoài có bản tính hiền lành, cục , nhưng ưa nói ngọt, một khi mà mẹ và các anh đã lựa lời “nịnh” Đoài thì việc gì Đoài cũng làm cẩn thận, giúp đỡ hết lòng. Bà Hoàng đã mừng thầm vì cứ ngỡ thôi thì nó ngây ngô chậm chạp một chút nhưng được cái hiền lành, khỏe mạnh và chăm chỉ thế cũng tốt. Ở đời, được mặt nọ mất mặt kia, ông trời có cho ai được cả bao giờ đâu!
Nhưng rốt cục mong ước đơn giản nhất của bà mẹ nghèo cũng không đạt thành hiện thực, vì đến năm hắn 17 tuổi, Đoài bỗng dưng phát bệnh tâm thần, suốt ngày đi lang thang, la hét, chửi bới rồi đánh đập mẹ già. Dù nhà rất nghèo nhưng bà Hoàng và gia đình vẫn quyết tâm lo chữa bệnh cho Đoài.
Để có tiền chạy chữa cho con, bà Hoàng chấp nhận bán căn nhà đang ở được hơn 20 triệu đồng lo trang trải. Vậy mà rốt cục, bệnh con không khỏi, mái nhà để nương thân cũng chẳng còn.
Rồi “họa vô đơn chí” khi cùng năm ấy, người con trai cả của bà Hoàng lại mất vì bệnh ung thư. Những nỗi bất hạnh dồn dập, liên tiếp những tưởng bà mẹ nghèo gục ngã. Nhưng rồi thương con, bà lại gắng gượng… Mẹ con bà dựng tạm túp lều ở miếng đất mượn, hàng ngày bà bòn nhặt, làm thuê những việc nhẹ để có tiền cơm cháo nuôi Đoài.
Những lúc phát bệnh, Đoài đánh mẹ già thừa sống, thiếu chết. Còn khi tỉnh táo, hắn hiền như trẻ nhỏ, biết ăn năn, xin lỗi mẹ, giúp mẹ những việc trong nhà. Anh em hàng xóm thương bà nhưng sợ thằng con tâm thần của bà Hoàng nên ai cũng lánh mặt, sợ chẳng phải đầu sẽ phải tai. Nước mắt chảy xuôi, bà vẫn cố gắng vì con vì chịu đựng.
• Ngỡ hạnh phúc đã trong tầm tay…
Nhờ có chứng nhận hộ nghèo nên hàng tháng bà Hoàng được chính quyền cấp cơ sở trợ cấp một khoản tiền chính sách để trang trải cuộc sống. Đoài cũng được cấp thẻ bảo hiểm y tế để khám chữa bệnh, hàng tháng được cấp phát thuốc miễn phí. Bị tâm thần nên Đoài hay bỏ nhà đi lang thang, có khi Đoài “lặn không sủi tăm” cả tháng trời mới trở về nhà.
Bà Hoàng kể, ở nhà thì Đoài bắt nạt mẹ già như thế chứ ra đường, hắn hiền khô, đến đứa trẻ trâu cũng có quyền bắt nạt được hắn. Vậy nên khi Hoàng đi lang thang, bà không lo con mình gây họa cho ai.
Cũng cần phải nói thêm rằng, những lúc không phát bệnh tâm thần, nhìn Đoài khôi ngô, bảnh chọe, ăn nói khôn ngoan, biết “chém giò vù vù” chứ đâu đến nỗi! Chính vì cái mã bề ngoài đó, cộng với cái “mác” trai Hà Nội đã giúp Đoài “nhặt” được vợ. Đó là một ngày đầu năm 2007, gã trai 22 tuổi hâm dở của bà sau chuỗi ngày lông bông lang bạt bỗng lù lù về nhà dẫn theo một cô gái về nói là sẽ lấy làm vợ. Bà Hoàng nghe chuyện mà mừng rơi nước mắt, không dám tin ở tai mình.
Nhà nghèo, con trai lại hâm dở nên được người ta thương là tốt lắm rồi, bà chẳng dám đòi hỏi gì ở con dâu. Từ ngày có vợ, Đoài thay đổi hẳn, hắn có vẻ khôn ngoan tỉnh táo hẳn ra, chịu khó làm lụng, gần như bỏ hẳn tật đi lang thang.
Vợ chồng Đoài sống cùng mẹ già trong ngôi nhà xây trên mảnh đất mượn tạm, cuộc sống khó khăn phải giật gấu vá vai mới đủ ăn. Ít lâu sau vợ Đoài mang bầu, bà Hoàng cưng con dâu như trứng mỏng, nhận hết trách nhiệm làm việc nặng trong nhà để con dâu nghỉ ngơi dưỡng thai, đi làm thuê được đồng nào bà lại dành dụm mua quà bánh, thức ăn bồi dưỡng để cháu bà sau này khỏe mạnh và bụ bẫm. Vất vả nhưng bà vẫn cảm thấy vui và hạnh phúc lắm.
Nhưng số phận thật trớ trêu, cuối cùng bất hạnh vẫn ập xuống tổ ấm của mẹ con bà! Sau ngày vợ Đoài sinh hạ một bé trai giống hắn như tạc, bệnh tâm thần của Đoài bắt đầu tái phát trở lại. Có lần hắn lên cơn, dùng dao bổ xuống đầu vợ may mà cô vợ giơ tay đỡ nên chỉ bị thương ở tay mà không ảnh hưởng tới tính mạng.
Sau lần chết hụt đó, dù rất thương mẹ chồng nhưng cô vợ trẻ vẫn quyết tâm bế con bỏ đi để bảo toàn tính mạng của hai mẹ con. Con dâu và cháu nội đi rồi, căn nhà của bà Hoàng lại vắng hiu vắng hắt. Từ đó, Đoài lại tiếp tục cuộc đời lang thang. Trước đây, khi bà Hoàng còn khỏe mạnh, Đoài chỉ lang thang quanh quẩn ở các xã lân cận hoặc cùng lắm xuống chợ huyện nên có khi bà còn cất công đi tìm được con về, để con khỏi chết đói chết khát. Không ngờ, Đoài lại gây tai họa...
• Nước mắt chảy xuôi đến giọt cuối cùng
Theo nội dung vụ án, vào ngày 7/6/2009, Đoài ra xe buýt định đi ra TP. Hà Nội thì thấy ông Đình (82 tuổi, trú ở xóm Bụa, thôn Trung Cao, xã Trung Hòa, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) cũng đứng chờ xe buýt cùng mình. Đoài xông vào giật túi thì ông Đình hỏi: “Mày làm gì thế?” Chẳng thèm trả lời, thế là Đoài rút dao, đâm nạn nhân một nhát. Đoài giật chiếc túi để lấy tiền đi xe buýt, bên trong có 82.000 đồng. Gây án xong Đoài định bỏ chạy thì người dân ở đó tóm được.
Bà Hoàng chẳng bao giờ ngờ con trai mình giết người. Theo bà Hoàng, ở nhà Đoài có thể chửi mắng, đánh đập mẹ già, vợ con nhưng khi ra ngoài đi lang thang thì lành như cục đất, bị đám trẻ ném đá, vụt gậy vào người chỉ biết co cẳng chạy thoát thân! Vậy mà ngờ đâu nó lại gây chuyện tày trời với người dưng không thù không oán với mình.
Suốt gần ba năm Đoài bị tạm giam để phục vụ công tác điều tra, cơ quan điều tra đã phải đưa Đoài đi giám định tâm thần để xác định hắn có phải chịu trách nhiệm hình sự hay thuộc trường hợp được đưa đi chữa bệnh bắt buộc? Kết quả giám định cho thấy: Lê Văn Đoài bị mắc chứng tâm thần phân liệt, trước và sau thời gian gây án đều bị hạn chế về nhận thức, hành vi. Thế nhưng, Lê Văn Đoài vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi phạm tội của mình. Ở quê nhà, thương con, lo cho con nhưng vì tuổi cao sức yếu lại quá nghèo nên bà Hoàng không vào trại thăm con được lấy một lần.
Hôm TAND TP. Hà Nội xét xử sơ thẩm vụ án, bà Hoàng có mặt từ sáng sớm để được gặp con. Thấy con khỏe mạnh, thậm chí béo tốt hơn dạo còn đi lang thang, bà Hoàng rất mừng. Thế nhưng thật trớ trêu, khi bà mẹ già xúc động, mừng tủi ngày hội ngộ thì Đoài dửng dưng, lạnh lùng như chưa hề quen biết; thỉnh thoảng hắn ngửa mặt lên trần cười vu vơ.
Phiên tòa hôm đó, Đoài bị tuyên án 16 năm tù về tội “Giết người”. Khi bị dẫn giải về trại, Đoài đi lướt ngang qua người mẹ vẫn với gương mặt ngây ngô vô hồn, hắn chẳng thèm nhìn mặt mẹ mình mà chỉ ngửa lên trời cười vu vơ.
Bà Hoàng cũng lật đật ra về, lau những giọt nước mắt trên gò má nhăn nheo nhưng giọng bà đầy vẻ yên tâm khi tâm sự với Luật sư: “Tôi còn sống được ngày nào thì cố gắng đi thăm nuôi nó thôi chứ chẳng biết có chờ được đến ngày nó ra tù. Thật lòng, tôi chỉ mong nó bị phạt nặng để được ở tù lâu. Vì ở trong tù còn được lo cho cái ăn cái mặc, còn có mái nhà để nương thân, chứ nó đi lang thang thì cơ khổ”...
LS Nguyễn Văn Thắng, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội