Mẹ luôn đợi các con về…

Khi cả nước rực rỡ cờ hoa, băng-rôn, biểu ngữ chào mừng ngày giải phóng thì ở nơi ấy, có những chứng nhân lịch sử tẩn mẩn lật giở từng trang ký ức về một thời mà “lửa đã cháy trong tim”.

Khi cả nước rực rỡ cờ hoa, băng-rôn, biểu ngữ chào mừng ngày giải phóng thì ở nơi ấy, có những chứng nhân lịch sử tẩn mẩn lật giở từng trang ký ức về một thời mà “lửa đã cháy trong tim”.

Vẫn tin vào ngày trở về?

Ở buổi xế chiều của cuộc đời, mẹ Trần Thị Loan (bìa phải) vẫn tin con mẹ rồi sẽ trở về.

Hơn 30 năm qua, trong tâm trí của Bà mẹ Việt Nam anh hùng (VNAH) Trần Thị Loan (85 tuổi) vẫn luôn văng vẳng lời hứa “trở về” của con trai, liệt sĩ Lê Văn Bút. Ngày đất nước giải phóng, mẹ con trùng phùng mừng vui khôn xiết. Những tưởng từ đây mẹ-con sẽ mãi không chia rời. Nhưng một lần nữa, anh lại lên đường đến chiến trường Campuchia làm nghĩa vụ quốc tế cao cả. Ngày ra đi, anh nói để yên lòng mẹ: “Con đi rồi sẽ trở về. Mẹ đợi con nhé”.

Lời hứa của người con còn vang vọng bên tai thì tin báo tử gửi về khiến mẹ đau đớn đến tột cùng và phát bệnh… Suốt ngày đi cùng làng ngõ xóm, miệng không ngớt gọi tìm con… Trong ánh chiều tà ở Trung tâm Phụng dưỡng người có công cách mạng thành phố Đà Nẵng, mẹ không còn nước mắt để khóc con, chỉ lẩm bẩm: “Tôi được đứa con, cắc củm nuôi cho nó ăn học. Nó vì nước vì dân mà hy sinh cũng đành. Tôi chỉ có một nguyện vọng duy nhất là tìm được xác nó về chôn cất đàng hoàng”. Mẹ nói, mẹ sống được đến ngày hôm nay bởi mẹ luôn tin vào lời hứa trở về của anh. Trong lòng mẹ, anh vẫn sống mãi ở tuổi đôi mươi đẹp đẽ…

Cũng như mẹ Loan, mẹ Lê Thị Vân (84 tuổi) có chồng là liệt sĩ Đào Em, hy sinh tại nhà lao Côn Đảo năm 1969. Thuở mười tám, đôi mươi, cô Vân xinh đẹp nổi tiếng cả làng. Cưới chồng rồi theo chồng đi làm cách mạng. Mới sinh được ít ngày đã phải bồng con trốn chạy khỏi sự truy lùng của kẻ thù. Rồi do thiếu thốn, gian khó…, đứa con đã mất trên tay mẹ khi chưa đầy 3 tháng tuổi. Nỗi đau thêm chồng chất khi chồng bị địch bắt sau đó ít ngày. Chỉ trong vòng 2 năm, cuộc sống của mẹ Vân đã trải qua những cảm xúc tột cùng của hạnh phúc và đau khổ. Ngày chồng mất, mẹ thề với lòng mình trọn đời chung thủy với ông, bởi tình cảm với ông quá sâu đậm.

 

Cả thời trai trẻ đã hứa hẹn cùng nhau. Ổng đã hy sinh đời mình cho Tổ quốc nên mẹ cũng quyết hy sinh đời mình để cho trọn nghĩa vẹn tình. Như bao người phụ nữ Việt Nam khác, mẹ kiên cường, giấu đau thương vào tận đáy lòng để làm tròn trách nhiệm của một tổ trưởng tổ phụ nữ, tham gia nuôi giấu cán bộ cách mạng tại quê hương Quảng Nam. Giờ đây, ở buổi xế chiều của cuộc đời, mẹ chỉ mong được ra Côn Đảo thêm lần nữa. Mộ ông ở ngoài đó hơn ba mươi năm qua mẹ mới ra vài lần thắp hương cho ông. Giờ chỉ ước ra lần cuối nói lời tạm biệt ông rồi về chết cũng yên lòng. “Mỗi bận ra đó, thấy được cảnh mấy “ổng” (tượng mẫu tù nhân) ngày xưa không quần, không áo, gầy nhom, gầy nhếch, “Chết vì thiếu ăn mà thương lắm”, mẹ bùi ngùi nói.

Trung tâm Phụng dưỡng người có công cách mạng thành phố hiện phụng dưỡng 5 Bà mẹ VNAH, 1 cán bộ lão thành cách mạng và 44 thân nhân liệt sĩ. Những gì quý giá nhất, thiêng liêng nhất của cuộc đời, các mẹ, các ông, các bà đã dành trọn cho quê hương, đất nước. Hơn 20 năm qua, từ ngày trung tâm thành lập (năm 1985), họ nương tựa vào nhau để sống và vẫn tin tưởng một ngày nào đó “người thân” sẽ trở về đón mình.

Sắt son niềm tin vào Đảng

Vượt qua nỗi đau thương, mất mát, các mẹ, các bác vẫn một lòng sắt son tin vào Đảng, vào con đường mà mình đi theo. Những ngày này, không khí kỷ niệm 35 năm giải phóng miền Nam tràn ngập khắp phố phường. Trong căn phòng nhỏ tại Trung tâm Phụng dưỡng người có công cách mạng thành phố Đà Nẵng, bác Nguyễn Hữu Khôi (88 tuổi), cán bộ lão thành cách mạng Quảng Nam-Đà Nẵng, vẫn cặm cụi bên bàn viết để hoàn tất cuốn hồi ký về một thời máu lửa. Bác bảo, những ngày đầu giác ngộ, bản thân cùng bạn bè, đồng chí còn nhiều bỡ ngỡ lắm. Chỉ thấy giặc ác quá, muốn cầm súng để trả thù chứ chưa thực sự hiểu cách mạng là gì? Nhưng rồi từ trong lửa đạn, thép đã được tôi rèn.

Khi đã hiểu ra, đã thấy được thành quả thì quyết chí đi theo đến cùng. Bây giờ ở cuối chặng đường, bác vẫn sắt son một lòng với Đảng. Càng tin tưởng hơn khi dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân có cơm ăn, áo mặc, được sống trong hòa bình, tự do. “Cả cuộc đời tôi đã quyết đi theo Đảng. Trước sao bây giờ vẫn vậy. Cảm xúc khi được hòa mình trong ngày đất nước giành được độc lập (1945) rồi hoàn toàn giải phóng (1975) chưa bao giờ phai nhạt trong tâm trí tôi”. Bác hoàn thành cuốn hồi ký đúng ngày giỗ cô con gái út, liệt sĩ Nguyễn Thị Hòa, hy sinh ngày 20-4-1975. Bác bùi ngùi khi nhớ về hai cô con gái (đều là liệt sĩ) của mình: “Mới 16, 17 tuổi nó đã theo tui đi làm cách mạng. Đứa đầu hy sinh năm 1972, đứa sau còn 10 ngày nữa là giải phóng… nhưng cũng không chờ được!!”.

Bằng chính sự hy sinh thầm lặng của mình, những người như mẹ Loan, mẹ Vân, bác Nguyễn Hữu Khôi  chính là những nhân chứng về một thời oanh liệt của dân tộc. Ở họ vẫn luôn toát lên sức sống mãnh liệt của một thời hào hùng, niềm tin sắt son vào Đảng, vào lý tưởng mà mình đã lựa chọn. Quá khứ đã khép lại để tạo đà cho một tương lai tươi đẹp hơn ở phía trước.

Bài và ảnh: KHÁNH HÒA

Đọc thêm