Câu hỏi hồn nhiên của những đứa trẻ đang vật lộn ở vùng "hậu lũ" làm bất cứ ai cũng cảm thấy đắng lòng, xót xa… Hơn một tháng kể từ khi trận lũ lịch sử làm tan hoang mảnh đất Hà Tĩnh, sự gượng dậy nhọc nhằn của con người dường như vẫn chẳng được bao nhiêu. Thế nhưng, ở đó, những đứa trẻ với ước mơ con chữ vẫn vượt lên đói nghèo, sự thiếu thốn, để hi vọng về một sự hồi sinh, đổi thay cho mảnh đất nhiều nắng gió... Xóm Hương Đồng (Lộc Yên - Hương Khê) chỉ còn lại những mái nhà xơ xác, trống huơ hoác. Trận lũ vừa qua, Lộc Yên là một trong những xã bị ngập sâu nhất. Cái nghèo, cái khổ hiện diện ngay trước mắt. Trong túp lều tàn tạ, em Ngô Tuấn Anh - lớp 3 trường Tiểu học Lộc Yên sống cùng bà ngoại và người cậu mắc bệnh tâm thần. Em mồ côi cả cha lẫn mẹ từ khi mới học lớp 1. Mẹ em vì bế tắc trong cuộc sống mà uống thuốc sâu tự tử.
|
Tuấn anh với chiếc bàn học nhỏ của mình |
Chỉ gần một năm sau, bố em cũng qua đời vì căn bệnh tai biến não. Mọi gánh nặng gia đình dồn lên người bà đã 71 tuổi. Kinh tế vốn đã khó khăn, lại thêm trận lũ vừa qua thì càng trở nên bi đát. Suốt nhiều ngày, nước lũ ngập tới nóc nhà, hai bà cháu phải dỡ ngói trèo lên nóc, chờ người đi thuyền tới tiếp ứng đồ ăn. Lũ rút, mọi đồ đạc trong nhà đều bị cuốn sạch. Thứ duy nhất còn sót lại là những chiếc chum đựng gạo. Gạo ăn cũng chỉ trông chờ vào cứu trợ."Em được cho nhiều sách vở lắm, cả quần áo đẹp nữa. Mùa đông không còn rét vì thiếu áo ấm như trước. Bây giờ, bà cháu em vẫn ăn mì tôm cứu trợ, còn gạo thì để dành. Đi học, cô giáo thương nên em cũng không phải đóng tiền"- Tuấn Anh hồ hởi khoe."Không biết em sẽ phải bỏ học vào lúc nào. Bà yếu lắm rồi, lại bị viêm dạ dày nữa. Nếu bà mất, chắc em sẽ phải vào chùa. Em không còn người thân nào nữa. Đã có sư thầy tới nói chuyện với bà ngoại để đưa em vào chùa. Em không muốn bỏ học, em thích tới lớp với các bạn". Cậu bé học lớp 3, người nhỏ như một cây kẹo hướng đôi mắt trong trẻo nhưng vảng vất u buồn vào cuốn vở sau khi nói. Tương lai u ám đấy đang ở gần lắm, rất gần. Con chữ chưa kịp lấp đầy bàn tay nhỏ bé đã đối mặt với nguy cơ trôi đi như những hạt cát vô tình.“Bỏ học” – Cơn sóng thần sau lũ“Tỉ lệ học sinh bỏ học của Hà Tĩnh hiện tại là 0,16%. Từ đầu năm tới nay, trên toàn tỉnh đã có 300 em bỏ học” - Ông Nguyễn Khắc Hào - Giám đốc Sở Giáo dục Đào tạo Hà Tĩnh chua chát thông báo. Theo ông Hào cho biết, trận lũ vừa qua chỉ riêng thiệt hại của ngành giáo dục đã lên tới 200 tỉ đồng. Gần 500 ngôi trường đã bị ngập sâu trong nước, hệ thống trang thiết bị của các cơ sở giáo dục mầm non, trung học cơ sở bị hư hỏng nặng. Tới ngày 10-11, mọi hoạt động mới cơ bản trở lại bình thường. Tuy vậy, cũng phải tới năm 2012, mới có thể khắc phục được thực trạng cơ sở hạ tầng như trước ngày lũ. Ông Hào cũng khẳng định, vấn đề quan trọng nhất đối với Hà Tĩnh lúc này là, làm sao để không xảy ra tình trạng học sinh bỏ học, học sinh đói.
|
Học bổng khuyến học "VNPT - Chắp cánh tài năng Việt" giúp các em vững tin đến trường |
Với tinh thần tương thân tương ái, những ngày qua, tất bật các đoàn cứu trợ đã tới với các huyện bị thiệt hại nặng (Vũ Quang, Hương Khê, Hương Sơn) mang theo sách vở, quần áo, lương thực thực phẩm. Thêm vào đó, địa phương cũng thực hiện chi viện tại chỗ, vùng thiệt hại ít hỗ trợ vùng thiệt hại nhiều. Nhờ vậy, tới lúc này, gần 100% học sinh đã có đủ sách vở, quần áo để tới lớp. Ông Nguyễn Thiện - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cho hay: "Với tỉ lệ hộ nghèo lên tới 30%, Hà Tĩnh là một trong những địa phương nghèo nhất cả nước. Hiện tại, toàn tỉnh có 1,5 vạn trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, 2,9 vạn trẻ em sống trong các gia đình nghèo. Nếu không được hỗ trợ kịp thời, sẽ có rất nhiều em phải bỏ học". Góp phần chắp cánh ước mơ cho những trẻ em nghèo vùng lũ, ngày 7-12, tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT) đã trao 150 suất học bổng, mỗi suất trị giá 500.000 đồng đến tận tay những trẻ em nghèo, học giỏi ở vùng lũ Hà Tĩnh. Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Bưu điện cũng đã trao 200 thẻ bảo hiểm học sinh, mỗi thẻ trị giá 5 triệu. Số tiền tuy không lớn, song không ít các em đã bật khóc vì hạnh phúc ngay trên bục nhận học bổng. Đó là phần thưởng cho sự nỗ lực, cố gắng vươn lên, cho khát vọng con chữ không bao giờ ngưng nghỉ. Rồi đây, bước chân tới trường của các em, tuy còn lắm chông gai nhưng cũng sẽ bớt nhọc nhằn hơn.
Theo VnMedia