Mê tín thời @

Với mức độ phát triển chóng mặt của công nghệ, nhiều lĩnh vực trong cuộc sống như học tập, mua sắm đang dần được công nghệ hóa, ngay cả bói toán- một thứ tưởng chừng chỉ mang tính cổ hủ-cũng được “hiện đại hóa”. Thay vì lặn lội tìm đến nhà các “thầy” nghe “phán” như thế hệ trước, giới trẻ mê tín hiện nay có nhiều cách để thỏa mãn ước vọng biết được tương lai số mệnh của mình.

Trắc nghiệm vui trên mạng

 

Bói toán công nghệ bắt đầu từ những bài trắc nghiệm tâm lý dựa vào cách người xem giải quyết một số tình huống có sẵn, hoặc Horoscope- một hình thức dự đoán tương lai trong ngày, tuần hoặc tháng dựa vào ngày tháng sinh của mỗi người. Những bài trắc nghiệm loại này có nhiều trên các báo mạng của teen, các diễn đàn hay thậm chí là cả trên blog. Nó hoàn toàn vô hại nếu như người xem chỉ coi đây là một hình thức giải trí vui lúc rảnh rỗi. Tuy nhiên, rất nhiều bạn trẻ, nhất là học sinh THPT trở thành “tín đồ” của hình thức bói toán này.

 

Ngô Phương Hoa, học sinh Trường THPT Thăng Long rất tin vào những bài bói này. Sáng nào trước khi đi học, cũng mở máy tính để đọc “tương lai” trong ngày. Những ngày may mắn thì không sao, nếu hôm nào đọc được những dòng như: “hãy cẩn thận những chi tiết nhỏ bởi nếu không bạn sẽ chịu hậu quả to lớn” hay “cẩn trọng về tài chính” là hôm đó, chắc chắn Hoa thấp thỏm không yên, không thể tập trung vào bài học.

 

Nhiều bạn tin vào những bài bói này đến mức lựa chọn màu sắc quần áo, chọn giờ tốt để đi đâu đó. Tâm lý chung của họ là “có thờ có thiêng, có kiêng có lành.” Ấy thế mà nhiều lúc, “kiêng” rất kỹ mà chả thấy “lành” đâu. Vũ Tâm, học sinh Trường THPT Hàng hải rất tin vào những con số may mắn của mỗi ngày. Nhiều lúc 7h5’ bạn mới phóng xe đến trường trong khi 7h kém 10 trống trường đã điểm, vì đấy là “giờ lành” của bạn. Nhưng may mắn chưa thấy đâu, còn tên Tâm thì xuất hiện nhiều lần trong sổ của thầy quản sinh vì tội đi học muộn.

 

Bói bằng “dế yêu”

 

Với nhiều bạn trẻ  chiếc điện thoại di động không chỉ để nghe, gọi, nhắn tin mà còn để… bói toán. Sau hàng loạt dịch vụ gửi tin nhắn tải nhạc chuông, hình nền, nhiều tổng đài cung cấp cả dịch vụ bói toán bằng những câu quảng cáo hấp dẫn như: “bạn và người ấy có hợp nhau không?” “cái tên nói gì về tính cách của bạn?” Cách thức xem đơn giản, chỉ việc soạn tin nhắn theo cấu trúc cho sẵn, gửi đến tổng đài và chờ tin nhắn hồi âm… Nhiều bạn tuy không tin vào hình thức bói này, nhưng do tò mò nên cũng thử cho biết. Nguyễn Minh Chi, học sinh Trường THPT Lê Hồng Phong một lần vô tình xem tờ rơi quảng cáo phát ở cổng trường đã nhắn thử. Nhắn một hồi, kiểm tra tài khoản thấy tiền gần cạn. Bởi phí cho những tin nhắn này không phải là 200-300 đồng như tin nhắn bình thường, mà là 3000, 5000, thậm chí 15000 đồng. Nhưng hầu hết những câu trả lời nhận được đều rất chung chung hoặc không chính xác.

 

Những website bói toán chuyên nghiệp

 

Chỉ cần thực hiện một thao tác tìm kiếm đơn giản trên google, bất cứ ai cũng có thể truy cập vào hàng chục trang web chuyên bói toán bằng tướng số, tử vi. Mặc dù không được gặp trực tiếp “thầy”, nhưng hình thức bói mà các trang web này đưa ra cũng rất phong phú: bói theo ngày tháng năm sinh, bói quẻ, xem giờ tốt xấu…

 

Đối tượng mà các website này hướng đến là những người Việt Nam ở nước ngoài, không có điều kiện gặp trực tiếp “thầy” để “tỏ tường” tương lai số mệnh. Tuy nhiên, nhiều bạn trẻ vẫn truy cập những web này thường xuyên. Bạn Trần Thùy Anh, sinh viên năm cuối Trường Đại học Hải Phòng kể: “Địa chỉ nhà thầy thường được các bà, các cô rỉ tai nhau, lại nằm sâu trong hang cùng ngõ hẻm, rất khó tìm. Xem bói trên web tiện  hơn nhiều.”

 

Dự đoán cho người xem mà  những trang web này đưa ra thường rất chung chung theo kiểu “mẹ cô đàn bà, cha cô đàn ông…”. Những ai muốn có câu trả lời cụ thể hơn, phải trả tiền cho ban quản trị website. Để thanh toán, người xem phải mua thẻ hoặc liên lạc trực tiếp qua điện thoại với ban quản trị. Người xem sẽ nhận được câu trả lời sau khi gửi đầy đủ số tiền mà ban quản trị yêu cầu. Điều dễ dàng nhận thấy là các website này nằm ngoài sự quản lý của các cơ quan chức năng. Một vài trường hợp gửi tiền đến cho ban quản trị rồi, nhưng câu trả lời vẫn “bặt vô âm tín”. Tiền mất, mà tương lai vẫn “mù mịt”.

 

Số phận  của mỗi người là do bản thân mình quyết định. Các bạn trẻ thời hiện đại đáng lẽ phải hiểu rõ điều này hơn ai hết. Không nên vì chút tò mò mà thành ra “tiền mất tật mang”. Đồng thời, các cơ quan quản lý cũng nên xem xét để siết lại hoạt động mang hơi hướng truyền bá mê tín dị đoan, trái với quy định pháp luật của một số trang mạng, tổng đài ĐTDĐ…để góp phần xây dựng một đời sống tinh thần lành mạnh và ý chí phấn đấu cho giới trẻ.

 

Huyền Thanh

Đọc thêm