Mẹ và con gái

Bạn có con gái, đó là may mắn riêng mà có lẽ không phải ai cũng nhận ra. Có con gái thời nay không còn theo nghĩa "ruộng sâu trâu nái cũng bằng con gái đầu lòng”, đúng hơn là một người bạn nhỏ, đồng minh cùng hoàn cảnh.
Bạn có con gái, đó là may mắn riêng mà có lẽ không phải ai cũng nhận ra. Có con gái thời nay không còn theo nghĩa "ruộng sâu trâu nái cũng bằng con gái đầu lòng”, đúng hơn là một người bạn nhỏ, đồng minh cùng hoàn cảnh.

Con gái lớn lên sẽ trải nghiệm thành người phụ nữ, sẽ thực sự hiểu và biết cảm thông với mẹ hơn con trai. Nhưng cho tới lúc đó, con gái vẫn còn nhiều vụng dại, còn thay đổi để trưởng thành và chắc chắn còn gây nhiều "phiền muộn" cho mẹ, nhất là tuổi dậy thì.

Ai không nhớ tới thời kỳ tâm trạng thất thường, lần "tới tháng" đầu tiên... Là người mẹ, bạn phần nào được sống lại những đổi thay này khi con gái nhỏ bắt đầu thành "người lớn”. Bạn sẽ san sẻ và giúp đỡ nhiều cho con gái đi qua giai đoạn này, nếu bé hiểu rằng bất cứ lúc nào cũng có thể an tâm vì có sự trợ giúp cảm thông của mẹ.

Sau đây là một số lời khuyên của các nhà tâm lí giúp bạn tham khảo.

Đi thẳng vào những khúc mắc

Bạn nên tìm cơ hội giải thích trước với con gái về những thay đổi sẽ xảy ra và cả những cách giải quyết hợp lí. Quan trọng nhất là người mẹ cần nói với con gái mình: không có điều gì đáng xấu hổ cả, những thay đổi bề ngoài và tâm lí như vậy đều xảy ra với tất cả mọi người. Chỉ không giống nhau về mức độ, thời gian và hình thức mà thôi. Giúp bé tránh những hoảng sợ không cần thiết khi lần đầu "hiện tượng phụ nữ " xảy ra.

Nới rộng hơn không khí thoải mái của chính mình

Con trẻ dễ nhận ra sự bối rối lảng tránh của cha mẹ và có thể lợi dụng điều đó. Bạn hãy tự tin. Có thể mẹ của bạn đã không nói với bạn về tuổi dậy thì, nhưng đó không thể là lí do để bạn không trò chuyện với con gái về đề tài này. Đây là thử thách đầu tiên, nếu bạn mạnh dạn tâm sự một cách tự nhiên với con, hầu như mọi câu hỏi khác đều có thể chia sẻ.

Trở thành chỗ dựa vững chắc

Bạn cần thể hiện để con gái nhỏ hiểu ra rằng mẹ sẽ không bao giờ chế nhạo hay kết tội mình. Không nên giễu những câu hỏi vụng dại hay châm chọc những thay đổi hình thức bên ngoài của bé.

Đừng cằn nhằn nhiều

Nếu bạn không muốn con gái sống tách mình ít chia sẻ, hãy cố gắng không quát tháo hay cằn nhằn nhiều về những đề tài như điểm học kém hay việc nhà... Các nhà tâm lí đều cho rằng quát tháo hoàn toàn không tác dụng, thậm chí còn gây ảnh hưởng tiêu cực. Tốt hơn cả bạn nên thưởng phạt rõ ràng,và nhất quán với quan điểm của mình.

Nên để "khoảng không" tự do cho con

Các bà mẹ nói chung đều muốn chạy đến giúp khi thấy con gái đang phải cố gắng vượt qua những dao động tinh thần. Nhưng xin nhớ rằng : sự gò ép sẽ dựng lên bức tường ngăn cách. Không nên cố gây áp lực bắt con gái phải kể về những chuyện riêng như việc cãi cọ với bạn hay ai là bạn trai mới....

Chỉ cần yêu thương và để tự bé thấy rằng bất cứ lúc nào cũng có thể tìm đến mẹ. Con gái sẽ mở lòng với bạn sau một thời gian.

Theo Tiền Phong

Đọc thêm