Medvedev cách chức thêm 3 tướng Nội vụ

Ngày 31/8 đã đánh dấu thêm một bước cải tổ của lãnh đạo Nga với hệ thống công lực mà cụ thể là thay đổi bố trí cán bộ Nội vụ. Lại một trận sao băng trong hàng tướng lĩnh cảnh sát của đất nước.

Ngày 31/8 đã đánh dấu thêm một bước cải tổ của lãnh đạo Nga với hệ thống công lực mà cụ thể là thay đổi bố trí cán bộ Nội vụ. Lại một trận sao băng trong hàng tướng lĩnh cảnh sát của đất nước. Tổng thống Liên bang Nga Dmitry Medvedev ban bố sắc lệnh “giải phóng khỏi chức trách” – như câu chữ trong văn bản – một loạt nhân viên cao cấp thuộc Bộ Nội vụ.

Tổng thống Nga Dmitry Medvedev. Ảnh RIA Novosti

Cụ thể, nguyên thủ Nga đã bãi chức thượng tướng cảnh sát Iskandar Galimov, thủ trưởng Cục truy nã hình sự thuộc Bộ Nội vụ LB Nga. Chịu chung số phận trong sắc lệnh “giải phóng khỏi chức vụ” còn có hai vị Phó Cục trưởng  đảm bảo trật tự pháp lý tại những vùng lãnh thổ đóng kín và các chủ thể theo chế độ đặc biệt thuộc Bộ Nội vụ LB Nga – thiếu tướng Vitaly Nabokov và thiếu tướng Andrei Florinski.

Như thông cáo của cơ quan báo chí điện Kremlin, sắc lệnh Tổng thống có hiệu lực ngay từ ngày ký.
Cựu Cục trưởng truy nã hình sự Bộ Nội vụ Nga Iskandar Galimov sinh năm 1950 tại Kazan. Năm 1973 ông này bắt đầu phục vụ trong hàng ngũ cảnh sát. Năm 1980 Iskandar Galimov tốt nghiệp Học viện Cảnh sát Nội vụ Liên Xô. Trong 10 năm ông này đã đứng đầu cơ quan Nội vụ thành phố Naberezhnyie Chelny và Sở Nội vụ thành phố Kazan. Từ 1993 được cử làm Bộ trưởng Nội vụ Cộng hòa Tatarstan.

Năm 1998 chuyển về cơ quan Nội vụ trung ương Nga, giữ chức vụ Phó Chỉ huy trưởng về đấu tranh với tội phạm kinh tế. Năm 2002 được chỉ định lãnh đạo Trung tâm thông tin Bộ Nội vụ Nga.   Từ tháng 8/2005 Iskandar Galimov  là Trợ lý Bộ trưởng Nội vụ Nga, còn từ tháng 7/2006 đến tháng 7/2008 – quyền Cục trưởng Cục truy nã hình sự. Ngày 10/7/2008 chính thức được chỉ định  giữ chức vụ lãnh đạo Cục truy nã hình sự Bộ Nội vụ Nga.

Mới chỉ quá ít thời gian kể từ sau khi sắc lệnh của Tổng thống Dmitry Medvedev được ban hành, vì thế chưa thấy trong dư luận Nga có ý kiến gì – các báo đều chỉ đưa tin ngắn gọn.

Về đội ngũ cảnh sát Matxcơva, thì sau vụ 4 cựu nhân viên Nội vụ ngang nhiên bắt cóc người giữa ban ngày (hôm 28/8), trước tiên là vị chỉ huy cảnh sát Liên quận Bắc Matxcơva (có thuộc cấp là tội phạm) bị mất chức. Ngày hôm sau, thêm một lãnh đạo cảnh sát thủ đô Nga phải giã từ nhiệm sở và chức vụ, đó là vị vốn chuyên trách về công tác nhân sự.

Tin mới nhất cho hay, từ nay trở đi, lực lượng Nội vụ Matxcơva chỉ tuyển người thủ đô – phải có hộ khẩu thường trú ở nội thành hoặc ngoại ô Matxcơva mới mong được khoác áo cảnh sát. Lý giải công khai: tuyển nhân viên người ngoại tỉnh sẽ phải lo bố trí chỗ ở, trong khi quĩ nhà tại các ký túc xá của ngành rất eo hẹp. Thêm nữa, người nơi khác tới không biết rõ về thành phố Matxcơva rộng lớn cũng như những đặc tính xã hội riêng biệt của siêu đô thị này. Rồi chỉ riêng các nhân viên từ nơi khác đến mới dễ bị ép buộc làm việc suốt ngày đêm và chấp hành những mệnh lệnh phi pháp, bởi số này luôn bị đe dọa sa thải và đuổi ra khỏi ký túc xá. Nếu là cảnh sát người thủ đô thì không bị lệ thuộc quá mức vào thủ trưởng như vậy.

Thực ra vấn đề lại là ở chỗ khác. Ông Mikhail Pashkin Trưởng hội đồng điều phối thuộc Công đoàn cảnh sát cho rằng, chủ trương không tuyển nhân viên Nội vụ thủ đô từ những người ngoại tỉnh không phải do nhà cửa mà do ở con người. “Gần 80% trưòng hợp cảnh sát vi phạm kỷ luật và thực hiện tội phạm đều là các nhân viên người ngoại tỉnh”.

 Hiện nay hơn 70% lực lượng Nội vụ Matxcơva là người thủ đô hoặc dân ngoại thành, nhưng vẫn có thực tế là người Matxcơva không mấy hào hứng với việc làm trong ngành Nội vụ, bởi lý do giản đơn muôn thuở là lương thấp (chiến sĩ thường chừng 22-24 nghìn rúp – 700 đôla, còn  trung úy gần 30 nghìn – xấp xỉ 1000 đôla). Ở đây là một vòng quẩn quanh, bởi lương thấp cũng là một trong những lý do cơ bản dẫn đến những trường hợp nhân viên công lực Nga vi phạm pháp luật. 

Theo Đan Thi
Vietnamnet

Đọc thêm