Mệt mỏi vì bị anh em chồng “bòn rút”

Tìm không thấy máy sấy tóc, Châu hỏi thì chồng đáp: "Chị Phượng mượn". Châu thở dài ngao ngán vì biết chắc, bà chị chồng mượn thứ gì là mất thứ ấy.

Tìm không thấy máy sấy tóc, Châu hỏi thì chồng đáp: "Chị Phượng mượn". Châu thở dài ngao ngán vì biết chắc, bà chị chồng mượn thứ gì là mất thứ ấy.

Bố mẹ chồng Châu qua đời sớm. Hai chị bên nhà chồng ở riêng cách đó không xa. Từ ngày kết hôn, bao lần Châu ấm ức vì cái kiểu “vơ vét” của hai bà chị. Mỗi khi nhà hết mắm muối, dầu ăn, chị cả hoặc chị thứ hai lại vác bát sang nhà em trai. Nghĩ người một nhà, lại là phận làm dâu, Châu không để ý.

Tuy nhiên, khi mua được chục trứng gà ta hay chai mật ong nguyên chất cũng bị hai chị xin mất hơn nửa thì Châu ức chế. Không cho thì không được vì có khi chẳng cần biết Châu đồng ý hay không, các chị vẫn cứ vác đồ về nhà mình. Châu không dám có ý kiến vì sợ mình ích kỷ. Dù gì vợ chồng Châu cũng mang mang tiếng học cao, kinh tế khá.

Mô tả ảnh.
Việc thống nhất đối nội - đối ngoại đòi hỏi hai vợ chồng phải hợp sức

 Lần đầu, chị cả mượn cái bàn là mãi không thấy chả, Châu đánh tiếng qua điện thoại. Kết cục, bị mắng một trận và cô phải rối rít xin lỗi. Lần tiếp theo, chị thứ hai qua nhà mượn bếp lẩu từ rồi mãi cũng không thấy mang trả, Châu đành âm thầm đi mua cái mới. Đồ dùng tuy giá trị không cao những cũng khiến Châu chán nản.

Nói chuyện thì chồng cũng chỉ cười xòa nên Châu nghĩ: “Thôi, đành kệ”. Tuy nhiên, lâu dần, cô cũng thấy khó chịu vì đồ đạc trong nhà lúc cần dùng đến lại “không cánh mà bay”. Chưa kể, cảm giác bị lấy đi thứ này, thứ khác rất ức chế. Nhưng Châu không biết góp ý với các chị ra sao để họ không phật lòng. Cứ im lặng thì Châu thấy stress.

Cũng mệt mỏi vì bị anh em chồng “bòn rút” là Hân (30 tuổi, nhân viên văn phòng). Hân rất nể phục chồng vì tuy xuất phát nghèo khó, anh luôn nỗ lực học hành, gây dựng sự nghiệp, lại có trách nhiệm với gia đình. Thế mà gần đây, vợ chồng Hân đang lục đục vì chồng tốt với anh em nhà chồng quá.

Chồng Hân có một anh trai và một em trai. Bố mẹ già ở quê, kinh tế kém. Vì thế, vợ chồng Hân nhận trách nhiệm nuôi em ăn học. Khổ nhất là ông anh chồng học hành chẳng ra gì, lại thất nghiệp, cứ đòi lên Hà Nội nhờ vợ chồng Hân giúp đỡ. Ngoài chuyện ăn uống, chồng Hân còn lo xăng xe, tìm việc bảo vệ cho anh trai. Nhưng chỉ một thời gian, do quyết tâm và sức khỏe yếu nên ông anh chồng lại “tái thất nghiệp”, phải về quê.

Sau đó, chồng Hân tiếp tục cấp vốn, giúp anh trai nhận thầu ao cá và làm trang trại. Chẳng hiểu lỗ lãi thế nào nhưng cả năm ròng, lúc nào Hân cũng thấy ông anh chồng gọi điện lên, than: “Không có tiền đóng học phí cho hai cháu”. Chồng Hân lại hăm hở gửi tiền về cho anh dù bị vợ cản.

Mỗi lúc Hân khuyên chồng: “Đừng nhiệt tình quá nếu không, anh em nhà anh sẽ ỷ vào vợ chồng mình” nhưng chồng Hân bảo: “Có đáng là bao”. Nói qua – nói lại, vợ chồng thành cãi nhau. Cố làm găng ra thì Hân bị chồng gán tội: “Ích kỷ, xấu tính hay tính toán vớ vẩn”.

Từ tốn thỏa hiệp mới mong thành công

Chồng tốt với anh chị em ruột có thể do bản chất có trách nhiệm, nhất là điều kiện kinh tế vững nên muốn đùm bọc người nhà. Điều này không có gì là xấu. Nhưng nếu quá giới hạn, dễ khiến người vợ có cảm giác đang bị anh em chồng “bóc lột”. Nếu anh em chồng không biết ý, hay ỷ lại thì tình hình càng thêm nghiêm trọng. Người vợ nảy sinh tâm lý coi anh em chồng như gánh nặng hoặc có thái độ thù ghét.

Việc thống nhất đối nội – đối ngoại đòi hỏi vợ chồng phải hợp sức. Nếu coi thường hoặc khinh ghét anh em chồng thì người chồng sẽ bị tổn thương và tỏ ra oán hận vợ. Chuyện tiền nong nhà chồng rất tế nhị và phức tạp. Mọi sự cấm đoán hay ngăn cản chỉ làm sứt mẻ tình vợ chồng. Nếu không vừa ý chuyện gì, cần từ từ phân tích để chồng hiểu, nếu giúp một lần thì chắc sẽ phải giúp 2-3 lần, giúp người này thì phải giúp người khác…

Vợ và chồng nên chia sẻ để hiểu suy nghĩ của nhau. Đồng thời, tính toán tổng thu nhập mỗi tháng. Sau đó, cân đối chi tiêu, rồi xác định số tiền trợ giúp bên nhà vợ - nhà chồng. Như thế, chồng (vợ) sẽ tự biết điều chỉnh việc trợ giúp người nhà.

Không nên lặng lẽ đưa tiền cho người nhà mình sau lưng vợ (chồng). Cách này có thể làm người bạn đời tổn thương vì có cảm giác không được tôn trọng. Nếu chồng chỉ chăm chút cho nhà chồng, vợ chăm lo cho nhà vợ thì quan hệ vợ chồng trở nên ích kỷ.

Tránh khoe khoang vật chất để anh em chồng biết ý hơn. Nếu khoe thế này, thế kia thì dễ bị mang tiếng là “có mà không giúp”. Tâm sự với anh chị em nhà chồng vừa là cách tăng thân mật, vừa để họ thấy, vợ chồng cũng có những khó khăn nhất định, không phải lúc nào cũng dư dả.

 Theo Ngọc Bình
Mẹ và bé

Đọc thêm