Đứt gãy sông Hồng đã nằm yên khá lâu và đang trong quá trình tích tụ năng lượng, chưa rõ khả năng bùng phát vào lúc nào...
Trận động đất cách đây gần chục ngày tại Hà Quảng (Cao Bằng) nếu nhìn bình thường thì đó là sự va chạm của các đứt gãy mang tính phổ biến. Song các nhà khoa học nhận định, đứt gãy sông Hồng đã nằm yên khá lâu và đang trong quá trình tích tụ năng lượng. Cần hết sức cảnh giác với những trận động đất lớn có thể xảy ra tại miền Bắc.
Đã có dấu hiệu
Hà Nội: có thể sẽ có động đất cấp 8 Theo PGS.TS Nguyễn Thế Thôn, thành viên trong nhóm nghiên cứu phân vùng động đất miền Bắc Việt Nam năm 1968, kể từ năm 1285 ở Hà Nội xảy ra động đất cấp 8 (MSK), đến nay đã gần 800 năm, chưa thấy xảy lại động đất lớn như vậy. Giai đoạn tương đối bình ổn này có thể là giai đoạn tích lũy ứng suất để hoạt động trở lại. Thời gian 800 năm cũng có thể được xem là thời gian có thể đủ cho tần suất lặp lại của động đất cấp 8 (MSK) ở Hà Nội. |
TS Lê Huy Minh, Giám đốc Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, nguyên nhân gây ra động đất là do các đứt gãy địa chất tạo nên. Trận động đất tại Hà Quảng (Cao Bằng) ngày 29/8 vừa qua cũng do hoạt động đứt gãy của đới Cao Bằng- Tân Yên (Quảng Ninh).
Nói về sự liên quan với những trận động đất gần đây với Malaysia, Trung Quốc trong nửa cuối tháng 8 vừa qua, TS Lê Huy Minh cho rằng, cần nhìn nhận dưới góc độ, đó là thuộc phạm vi đứt gãy nào. Nếu phạm vi đứt gãy rộng là khu vực Đông Nam Á (sự xô húc giữa mảng lục địa Âu Á và Ấn Độ) thì chắc chắn là có liên quan. Nhưng nhìn dưới góc độ hẹp của mỗi quốc gia thì lại không có liên quan gì đến nhau.
“Dù dưới góc độ nào thì trên tinh thần hết sức cảnh giác, chúng ta cũng nên đề phòng để tránh những tổn thất có thể xảy ra”- TS Lê Huy Minh cảnh báo.
Người dân hốt hoảng đổ xô chạy ra khỏi cao ốc trong một vụ rung đất ở Hà Nội vào năm 2008 (Ảnh: M. Thương) |
Trận động đất vừa qua tại Hà Quảng chỉ ghi nhận khoảng 3 độ richter, nghĩa là chưa đủ độ mạnh để thông báo rộng rãi (theo quy định, các cơ quan chức năng sẽ thông báo rộng rãi khi xảy ra động đất mạnh 3,5 độ richter trở lên).
Tuy nhiên, TS Lê Huy Minh cảnh báo, đã có dấu hiệu của sự nhúc nhích những đứt gãy vốn đã “ngủ yên” khá lâu. Theo như phân tích của giới chuyên môn, đứt gãy sông Hồng có chiều dài rất lớn, suốt từ Trung Quốc đến vùng bờ biển Đông của nước ta. Đứt gãy này được nhận định là có mối liên kết khá chắc chắn bởi những “khóa” chặt. Chính vì thế, ghi nhận từ khi có máy đo tại Việt Nam đến nay, chưa có một trận động đất nào lớn xảy ra tại đứt gãy này.
Phòng vẫn tốt hơn
Cũng có những ghi nhận từ lịch sử để lại cho thấy, nơi đây có những trận độn đất trất lớn (trên 7 độ richter). Thực tế vừa qua, khi các trận động đất lớn xảy ra trên thế giới, người ta mới nhìn nhận lại những số liệu lịch sử để lại và thấy có sự trùng hợp. Song khoảng cách giữa hai trận động đất cũng cách nhau đến cả vài nghìn năm.
TS Lê Tử Sơn, Viện Vật lý địa cầu cho biết, giai đoạn hiện tại, đứt gãy sông Hồng đang tích lũy năng lượng. Chưa thể biết rõ, khi nào những “khóa” địa chất sẽ đứt và năng lượng được giải phóng, nhưng cần hết sức đề phòng vì có nhiều bài học tương tự đã xảy ra.
Các đới phát sinh động đất ở lãnh thổ Việt Nam và các khu vực kế cận (Ảnh: Viện Vật lý Địa cầu) |
Theo ghi nhận của Viện Vật lý địa cầu, những năm gần đây, tần suất xuất hiện động đất ở Việt Nam là thấp và cường độ không cao. Có thể khẳng định, Việt Nam đang nằm trong chu kỳ yên tĩnh. Song, cũng chính vì sự yên tính này mà nhiều nhà khoa học cảnh báo, có thể vỏ Trái Đất sẽ thức giấc bất kỳ lúc nào. Có thể ngay ngày mai, động đất sẽ xảy ra. Không ai có thể biết trước được.
Được biết, hiện các trạm quan sát đặt tại Viện Vật lý địa cầu hoạt động 24/24 để ghi nhận dấu hiệu động đất. Bên cạnh đó, Viện Vật lý địa cầu cũng là thành viên của mạng lưới quan trắc động đất khu vực Đông Nam Á nên việc chia sẻ thông tin cũng dễ dàng và cập nhật.
PGS. TS Nguyễn Ngọc Thủy, chuyên viên cao cấp, Viện Vật lý Địa cầu, Viện Khoa học&Công nghệ Việt Nam cho biết: tính tới thời điểm này không chỉ ở Việt Nam mà ngay cả tại các nước tiên tiến như Nhật Bản, Mỹ, dự báo chính xác thời điểm xảy ra động đất là việc nằm ngoài khả năng.
Được biết, trong thời gian tới, Việt Nam sẽ xây dựng thêm một số trạm quan trắc động đất. Dự kiến sẽ có 30 trạm quan trắc động đất được xây dựng với số tiền đầu tư xây dựng số trạm này khoảng 70-80 tỷ đồng (kế hoạch tổng thể cho việc xây dựng 30 trạm này đã được Viện Khoa học và Công nghệ phê duyệt về mặt nguyên tắc).
Theo BaoDatViet