Miền Bắc vào "mùa" viêm não

Dù mới đầu mùa hè nhưng số trẻ nhập viện do viêm não đã tăng lên tại các bệnh viện. Trong đó, khá nhiều trẻ bị biến chứng nặng.

Dù mới đầu mùa hè nhưng số trẻ nhập viện do viêm não đã tăng lên tại các bệnh viện. Trong đó, khá nhiều trẻ bị biến chứng nặng.

Các bác sĩ nhận định, thời gian tới, số bệnh nhi bị viêm não sẽ gia tăng do thời tiết nắng nóng là môi trường thuận lợi để các virus gây bệnh phát triển, lây lan.

Tỷ lệ tử vong cao

Tính từ đầu năm đến nay, khoa Truyền nhiễm của Bệnh viện Nhi Trung ương đã tiếp nhận và điều trị cho gần 30 trẻ bị viêm não. Hầu hết trẻ nhập viện trong tình trạng nặng, suy hô hấp, co giật, hôn mê…

Bác sĩ Hồ Anh Tuấn, khoa Truyền nhiễm, cho biết, trung bình cứ 10 ca viêm não nhập viện thì có đến 6 ca trong tình trạng bệnh nặng và rất nặng, chủ yếu gặp phải ở các bệnh nhi ở tỉnh xa. Nguyên nhân là triệu chứng ban đầu của bệnh viêm não thường giống với các bệnh sốt do virus thông thường, chưa có biểu hiệu rối loạn tri giác. Do đó các bậc cha mẹ không phát hiện được bệnh sớm, thường chủ quan, cho con điều trị tại nhà bằng các loại thuốc kháng sinh, hạ sốt…, chỉ khi bệnh đã tiến triển nặng mới đưa đi khám.
Mô tả ảnh.

Nên tiêm vacccine cho trẻ để phòng viêm não. (Ảnh: Khánh Linh)

Theo bác sĩ Tuấn, những trẻ mắc viêm não được phát hiện muộn có thể để lại biến chứng nặng nề như phù não, hoại tử, bại não, suy giảm các chức năng hô hấp, để lại các di chứng về thần kinh, liệt vận động, tâm thần, cảm giác... Tỷ lệ để lại di chứng lên đến 50% - 60%, tỷ lệ tử vong cũng rất cao (khoảng 20% - 30%).Chủ yếu là viêm não Nhật Bản Theo thạc sĩ Lê Kiến Ngãi, Phó khoa Truyền nhiễm, đa số ca viêm não đều do virus gây nên nhưng để xác định cụ thể mắc bệnh do virus nào thì tương đối phức tạp. Ở Việt Nam, dạng viêm não thường gặp hơn cả là viêm não Nhật Bản, sau đó là viêm não do virus Herpes (chiếm khoảng 15%) và một số loại virus khác như EV, CMV… Ngay cả khi xác định được chủng virus gây bệnh, cũng chỉ viêm não do Herpes mới có thuốc đặc trị. Với viêm não Nhật Bản, bệnh thường gia tăng mạnh vào mùa hè, cao điểm nhất vào tháng 6 - 8. Theo thống kê, mỗi năm cả nước có 2.500 - 3.000 ca viêm não, trong đó, viêm não Nhật Bản B chiếm 40% - 60%. Tuy vậy, cả nước mới có khoảng trên 60% trẻ em dưới 5 tuổi được tiêm phòng viêm não Nhật Bản. Tỷ lệ trẻ ngoài độ tuổi này chưa được tiêm phòng khá cao. Bác sĩ Tuấn khuyến cáo, các bậc cha mẹ nên đưa trẻ đi tiêm vaccine phòng bệnh đầy đủ trong độ tuổi tiêm chủng. Đồng thời, nên phòng bệnh cho trẻ bằng các biện pháp thông thường như chế độ dinh dưỡng đảm bảo để tăng sức đề kháng, giảm nguy cơ mắc bệnh. Khi trẻ có các biểu hiện sốt, rối loạn tri giác (khóc nhiều, ngủ lơ mơ hoặc hôn mê, co giật), nôn nhiều, giảm vận động, trẻ nhỏ sốt kèm theo quấy khóc nhiều, ngủ nhiều hoặc ít hơn so với ngày thường, hoặc trẻ ở dạng ngủ gà…, nên đưa trẻ đi khám ngay để phát hiện và điều trị kịp thời.
Theo Đất Việt

Đọc thêm