Miễn THA đối với một số khoản thu cho ngân sách không có điều kiện thi hành

Hôm qua (1/3), tại TP.HCM, Bộ Tư pháp đã tổ chức tọa đàm “Góp ý xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về việc miễn thi hành án (THA) đối với một số khoản thu cho ngân sách Nhà nước không có điều kiện thi hành”. Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Đức Chính và Phó Tổng cục trưởng Tổng cục THADS Nguyễn Thanh Thủy chủ trì tọa đàm.

Hôm qua (1/3), tại TP.HCM, Bộ Tư pháp đã tổ chức tọa đàm “Góp ý xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về việc miễn thi hành án (THA) đối với một số khoản thu cho ngân sách Nhà nước không có điều kiện thi hành”. Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Đức Chính và Phó Tổng cục trưởng Tổng cục THADS Nguyễn Thanh Thủy chủ trì tọa đàm.

Đại diện Đoàn đại biểu Quốc hội TP. TP.HCM, Đoàn đại biểu Quốc hội Long An, các vụ của Quốc hội, đại diện Viện KSNDTC, TANDTC, Tổng Biên tập báo PLVN, đại diện lãnh đạo Sở Tư pháp các tỉnh, thành, lãnh đạo Viện KSND TP.HCM, TAND TP.HCM, lãnh đạo các Cục THADS và đại dịện các Cục THADS trên cả nước, đại diện các đơn vị của Bộ Tư pháp… cùng tham dự tọa đàm.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Đức Chính phát biểu tại Tọa đàm

Không có điều kiện thi hành 48 nghìn việc

Nói về sự cần thiết ban hành Nghị quyết, ông Nguyễn Thanh Thủy cho biết: công tác THADS trong những năm gần đây có chuyển biến tích cực và tiền THA xong bình quân năm sau tăng hơn năm trước. Từ đó, góp phần bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Từ sau khi Luật THADS 2008 có hiệu lực thi hành, kết quả THADS, kể cả khoản thi hành cho ngân sách Nhà nước luôn vượt chỉ tiêu hàng năm trên số có điều kiện thi hành. Cụ thể, năm 2009, kết quả về việc đạt 78,72%, về tiền đạt 67,08%; năm 2010, kết quả về việc đạt 86,35%, về tiền đạt 80,1%; năm 2011, về việc đạt 87,96%, về tiền đạt 76,1%.

Ông Nguyễn Minh Lâm – Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Long An: Đối với dự thảo Tờ trình Chính phủ, về cơ bản đáp ứng được. Tuy nhiên, cần viết gọn gàng, súc tích hơn, đặc biệt nói rõ thêm sự cần thiết phải có Nghị quyết này và lợi ích mà Nghị quyết mang lại.

Bà Trịnh Thị Thanh Bình, Đại biểu Quốc hội – Chánh án TAND tỉnh Bến Tre: Về cơ bản tôi thống nhất với dự thảo Tờ trình mà Bộ Tư pháp đưa ra. Bởi thực tế được biết, “điểm nghẽn” là do cơ quan THA áp dụng luật không được nữa nên cần thiết phải có Nghị quyết để điều chỉnh, cụ thể là án tồn. Hơn nữa, nếu bỏ một số vụ việc đó thì sẽ tiết kiệm được một khoản tiền khoảng 60 tỷ đồng hàng năm dùng để xác minh, rà soát án tồn đọng. Về thẩm quyền ra quyết định miễn thi hành án, nên để cho tòa án ra quyết định, không nên giao cho UBND cấp tỉnh hoặc cơ quan THA.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Vụ trưởng Vụ Kiểm sát THA, Viện KSNDTC: Chúng tôi hoàn toàn đồng ý với đề án của Bộ Tư pháp. Ban soạn thảo nên nghiên cứu để có lập luận giải trình thuyết phục về sự cần thiết của Nghị quyết trước diễn đàn Quốc hội.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác THADS còn nhiều tồn tại, hạn chế. Tình trạng án dân sự tồn đọng còn rất lớn. Thống kê của các cơ quan THADS, hiện cả nước còn trên 288 nghìn việc THADS với khoảng 30 nghìn tỷ đồng chưa được tổ chức thi hành dứt điểm. Trong đó, khoảng 48 nghìn việc, tương ứng với số tiền gần 700 tỷ đồng – là khoản thu cho ngân sách Nhà nước không có điều kiện thi hành tính đến ngày Luật THADS có hiệu lực. Được biết, đây cũng là số việc mà các cơ quan THADS đã thực hiện đầy đủ các trình tự, thủ tục và áp dụng các biện pháp cần thiết theo quy định của pháp luật để tổ chức thi hành. Thậm chí, có nhiều việc kéo dài từ năm 1998 đến ngày 1/7/2009, nhưng không có kết quả.

“Đối với số việc không có điều kiện thi hành này, theo quy định của pháp luật, cơ quan THADS vẫn phải theo dõi, xác minh, đôn đốc thi hành án, từ đó dẫn đến tốn kém công sức, kinh phí từ ngân sách Nhà nước” – ông Thủy cho biết.

Thực tế thời gian qua, để xử lý việc THADS tồn đọng, Quốc hội đã cho miễn THADS đối với các khoản thu cho ngân sách Nhà nước có giá trị không quá 500 nghìn đồng theo Nghị quyết của Quốc hội về việc THADS. Sau khi có Nghị quyết này, các cơ quan THADS đã lập hồ sơ đề nghị và được tòa án ra quyết định miễn THADS đối với 17.72 việc, với số tiền được miễn trên 5 tỷ đồng.

Tuy nhiên, điều đáng nói là những việc THADS đối với một số khoản thu cho ngân sách Nhà nước không có điều kiện thi hành (khoảng 48 nghìn việc) không thuộc phạm vi những việc được miễn theo tinh thần Nghị quyết số 24/2008/QH12 ngày 14/11/2008, nên vẫn chưa được giải quyết. Trong đó, có những khoản thu đối với người bị kết án về hành vi phạm tội trước đây, nhưng nay hành vi phạm tội này đã được miễn chấp hành hình phạt theo Nghị quyết 33/2009/QH12 ngày 19/6/2009, của Quốc hội về việc thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự.

Nếu miễn, hàng năm sẽ tiết kiệm 60 tỷ đồng

Tại báo cáo công tác THA 17/BC-CP ngày 18/10/2011, Chính phủ đã đề nghị Quốc hội cho chủ trương về việc xây dựng “Đề án rà soát, xử lý việc THADS tồn đọng. Trong đó, có việc đề nghị cho miễn THA khoản nộp ngân sách Nhà nước đối với vụ việc đương sự hoàn toàn không có điều kiện THA trình Quốc hội xem xét, quyết định. Đáp lại, Quốc hội đã có Nghị quyết đồng ý với nội dung báo cáo công tác THADS năm 2011 của Chính phủ. Trên cơ sở đó, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tư pháp tiến hành rà soát tình trạng việc THA chưa thi hành, bao gồm cả việc THADS không thể thi hành được, tồn đọng từ những năm trước đây. Qua đó, phân loại, phân tích, đánh giá nguyên nhân chủ quan, khách quan và tác động của việc để kéo dài tình trạng án không thể thi hành được.

Bà Lương Ngọc Tâm, đại diện TANDTC: Việc Bộ Tư pháp trình Quốc hội Nghị quyết này là rất cần thiết và hữu ích. Tuy nhiên, cần phân tích Nghị quyết được gì, mất gì; xác định nguyên nhân khách, chủ quan, phần nào cơ quan THA chưa làm đủ trách nhiệm và phần nào đã làm hết sức mà không kết quả.

Ông Nguyễn Thái Phúc, Giám đốc Học viện Tư pháp: Cần thông tin để nhân dân và các cơ quan của Quốc hội hiểu, đánh giá khách quan về công việc phức tạp, khó khăn của cơ quan THA, nhất là án tồn.  

Bà Nguyễn Anh Hoa, Phó giám đốc Sở Tư pháp Bình Dương: Việc ban hành Nghị quyết là phù hợp, cần thiết. Tôi thống nhất nội dung dự thảo Nghị quyết và Tờ trình. Nếu Nghị quyết này được thông qua sẽ mang lại nhiều niềm vui cho người dân và cơ quan THA. Đối với dự thảo, về thẩm quyền nên giao cho tòa án là phù hợp.

Kết quả cho thấy, để tháo gỡ khó khăn cho công dân, đồng thời tiết kiệm khoản kinh phí không nhỏ do phải chi phí cho việc theo dõi, xác minh, đôn đốc THADS, nhưng vẫn không thể thi hành được, thì việc Quốc hội cho phép miễn THADS đối với các khoản thu này là cần thiết. Bởi được Quốc hội chấp thuận sẽ tạo điều kiện để các cơ quan THADS tập trung nguồn lực giải quyết những việc phát sinh mới hàng năm khoảng trên 340 nghìn việc, với số tiền phải thi hành trên 15 nghìn tỷ đồng. Vần đề này đã được đông đảo đại biểu tham dự tọa đàm nhất trí cao, không ít đại biểu cho rằng nếu Nghị quyết được thông qua sẽ mang lại nhiều niềm vui cho người dân và cơ quan THA.

Thứ trưởng Nguyễn Đức Chính nhấn mạnh, những năm qua, Đảng, Nhà nước quan tâm đến công tác THADS. Mới đây, lần đầu tiên Quốc hội có Nghị quyết về công tác tư pháp, trong đó đề cập cụ thể về công tác THADS. Theo Thứ trưởng Nguyễn Đức Chính, đối với những bản án tuyên đã lâu nhưng không thể thực thi, hàng năm riêng chi phí dùng để xác minh, rà soát đã “ngốn” khoảng 60 tỷ đồng, trong khi không thu được khoản tiền nào thêm. Do vậy, Bộ Tư pháp đã kiến nghị Quốc hội xem xét và ra Nghị quyết về vấn đề này.

Thứ trưởng Chính phân tích rõ nguyên nhân khách quan của việc đương sự không có tài sản để THA, việc cơ quan THADS đã thực hiện đầy đủ các biện pháp trong nhiều năm rồi nhưng không tìm ra tải sản, địa chỉ của người phải THA. Do đó, việc miễn thi hành án đối với một số khoản thu cho ngân sách Nhà nước không có điều kiện thi hành để tập trung giải quyết những việc phát sinh mới là chính đáng và cần thiết.

Dự thảo Nghị quyết đề xuất miễn THA khoản thu cho ngân sách Nhà nước đối với các loại việc:

THADS đã có quyết định THA trước ngày 1/7/2009 nhưng không có điều kiện thi hành gồm: Người phải THA là cá nhân thuộc diện hộ nghèo hoặc không thuộc diện hộ nghèo nhưng bị thiệt hại do thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn, mất khả năng lao động, bệnh hiểm nghèo nên không có điều kiện THA; Cơ quan THADS đã tiến hành xác minh nhưng không xác định được địa chỉ, nơi cư trú của người phải THA trong thời hạn ít nhất là 5 năm kể từ ngày ra quyết định THA; Người phải THA là doanh nghiệp, hợp tác xã và tổ chức kinh tế đã giải thể hoặc ngừng hoạt động nhưng không xác định được địa chỉ của doanh nghiệp và người nhận chuyển giao quyền, nghĩa vụ THA theo quy định của Luật THADS; Việc THA đối với khoản thu cho ngân sách Nhà nước trong các bản án hình sự về hành vi phạm tội trước đây, nay theo quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự, công bố ngày 29/6/2009 không được coi là tội phạm...

Phong Trần – Ngọc Qúy

Đọc thêm