Theo đó, chính sách thuế SDĐNN được thực hiện theo quy định của Luật thuế SDĐNN năm 1993, Pháp lệnh thuế bổ sung đối với hộ gia đình sử dụng đất nông nghiệp vượt quá hạn mức diện tích năm 1994. Về các trường hợp miễn thuế SDĐNN, để tiếp tục thực hiện kết quả đạt được, cơ quan chủ trì soạn thảo trình Chính phủ tiếp tục thực hiện miễn thuế SDĐNN đối với các đối tượng như quy định hiện hành tại điều Nghị quyết số 55/2010/QH12 và Nghị quyết số 28/2016/QH14 từ ngày 01/01/2021 đến hết ngày 31/12/2030.
Cụ thể là, miễn thuế SDĐNN đối với toàn bộ diện tích đất trồng cây hằng năm có ít nhất một vụ lúa trong năm; diện tích đất làm muối. Miễn thuế SDĐNN đối với toàn bộ diện tích đất nông nghiệp phục vụ nghiên cứu, sản xuất thử nghiệm. Miễn thuế SDĐNN đối với toàn bộ diện tích đất nông nghiệp được Nhà nước giao cho hộ nghèo…
Với đề xuất miễn, giảm thuế SDĐNN cho giai đoạn 2021 – 2030 như quy định hiện hành thì số thuế SDĐNN được miễn trong khoảng 7.500 tỷ đồng/năm. Đây sẽ tiếp tục là hình thức hỗ trợ trực tiếp tới người nông dân, là nguồn đầu tư tài chính quan trọng trực tiếp cho khu vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân để đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Qua đó, giúp người nông dân cải thiện cuộc sống, giảm bớt khó khăn, gắn bó với hoạt động sản xuất nông nghiệp. Về thời hạn miễn thuế SDĐNN, cơ quan chủ trì soạn thảo đề xuất thời gian miễn thuế là 10 năm (từ 01/01/2021 đến hết 31/12/2030).
Ngoài ra, cơ quan soạn thảo cũng dự kiến đưa vào Tờ trình 2 phương án để trình Chính phủ, trình Quốc hội. Cụ thể, phương án 1 là xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung Điều 19 Luật Thuế SDĐNN; phương án 2 là xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về miễn thuế SDĐNN.
Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu thật kỹ lưỡng những ý kiến phát biểu sâu sắc, để chuẩn bị báo cáo thẩm định có chất lượng. Đồng thời đồng ý với việc xác định phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng. Về thời hạn áp dụng miễn thuế đến tháng 12/2030, Thứ trưởng cho rằng thời gian miễn thuế SDĐNN là hơi dài, có thể cân nhắc áp dụng 5 năm trước, sau đó mới tăng lên thành 10 năm. Về cơ bản, các chính sách có tính tương thích với các điều ước quốc tế, cơ bản là phù hợp với điều ước quốc tế nhưng cố gắng tránh để nhầm lẫn việc miễn thuế SDĐNN sang trợ giúp. Bên cạnh đó, cơ quan soạn thảo cũng cần tuân thủ trình tự lập đề nghị, chuẩn bị hồ sơ đầy đủ, làm sâu sắc thêm tờ trình.Về hai chính sách lớn mà cơ quan chủ trì đề xuất, trong tờ trình cần đánh giá sâu sắc về từng phương án, xem xét tính khả thi, thẩm quyền, ưu điểm của từng phương án để đưa ra lựa chọn.