Trận lũ lịch sử tại miền Trung diễn ra hết sức nghiêm trọng, gây thiệt hại nặng nề cả về người và tài sản. Hiện vẫn chưa thể thống kê hết con số thiệt hại do lũ tại các tỉnh miền Trung, nhưng sự chia sẻ khó khăn, mất mát của chính những người dân vùng lũ và đồng bào cả nước đang làm ấm lên tình người nơi khúc ruột miền Trung vốn chịu nhiều đau thương này.
|
Nhân dân xã Hương Sơn sơ tán lên những gò cao dựng lều tạm để tránh lũ |
Tình người giữa biển nước
Trong số các tỉnh miền Trung bị lũ, Hà Tĩnh và Quảng Bình chịu thiệt hại nặng nề nhất. Vẫn còn rất nhiều khu vực trong tỉnh đang ngập sâu trong nước, người dân phải chịu nhiều bề khó khăn với cái đói, khát và rét. Nhưng giữa mênh mông biển nước, vẫn sáng lên những tấm lòng sẻ chia khó khăn giữa những con người cùng chung cảnh ngộ.
Tại rốn lũ Hương Khê, Hà Tĩnh, người dân đau xót nhìn những cánh đồng mới hôm nào là những nương ngô, lúa, khoai tươi tốt, nay trơ trọi, xác xơ nhuốm một màu bùn. Người dân tại đây đang khẩn trương giúp nhau thu dọn, sửa sang lại nhà cửa dù chưa biết còn đợt lũ tiếp theo hay không. Chị Nguyễn Thị An, xóm 9 Hà Linh, Hương Khê không cầm được nước mắt: “Tài sản, lúa gạo, ngô khoai cùng một ít tiền bạc để dành cho con cái học hành đều trôi sạch ra sông, ra biển rồi. Trong nhà bây giờ chẳng còn chút gì để chống đói. Một ít mỳ tôm cứu trợ chắc chỉ đủ ăn cầm chừng vài ba ngày. Gian nhà ọp ẹp, bị đợt lũ trước cuốn sập, bà con chòm xóm vừa mới chung tay dựng lại, nay lũ lại tiếp tục làm cho đổ nát. Mấy bữa nay cả gia đình phải ngủ ngoài trời”. Tại các xã Lộc Yên, Gia Phố, Phương Mỹ,… cảnh tượng cũng hết sức hoang tàn. Toàn bộ tài sản trong gia đình của nhân dân các xã ven sông Ngàn Sâu gần như bị lũ cuốn sạch. Nhiều gia đình không còn cả áo quần, chăn màn, giường chiếu…
Đã mấy ngày nay, gần 2 vạn dân xã Tùng Lộc, Can Lộc, Hà Tĩnh phải ngâm mình trong nước lũ. 23/23 xã trong toàn huyện bị ngập sâu trong nước, trong đó 15 xã bị cô lập. Trong cơn hoạn nạn, tình thân ái, đùm bọc lẫn nhau của người dân vùng lũ tiếp tục được phát huy. Chỉ với chiếc xuồng gỗ của mình, anh Nguyễn Văn Vượng ở xóm Tân Hương, Tùng Lộc đã vận chuyển hơn 100 gia đình bị ngập lũ đi trú ẩn nơi an toàn.
Về huyện Tuyên Hóa để đến làng Lệ Sơn, tâm lũ lưu vực sông Gianh, tỉnh Quảng Bình. Người Quảng Bình vốn quen và sẵn sàng “chiến đấu” với bão lũ, nhưng trận lũ này làm nhiều người phát hoảng. Chị Lương Thị Luyến trong tâm trạng chưa hoàn hồn, vừa đói vừa rét nói: “Nơi tôi ở ghê quá, bà con trụ lại trên nóc nhà, nếu lỡ sẩy chân, rơi xuống nước lũ thì cầm chắc cái chết”. Cảnh hoang tàn của thiên tai cộng với mịt mùng mưa gió càng làm cho lòng người tái tê, tiếng khóc và dòng lệ cứ trào ra trên gương mặt của nhiều người ở Lệ Sơn. Lũ quét bất ngờ về trong đêm đã cuốn phăng nhiều ngôi nhà và hàng nghìn m3 đất tại xã Hóa Sơn, Minh Hóa, Quảng Bình. Chưa kịp di dời thì lại xảy ra cơn lũ mới, người dân đang sống trong nơm nớp lo sợ. Chị Đinh Thị Luyện vẫn còn hoảng sợ, kể: “Nước lên nhanh kinh khủng, cả nhà chỉ kịp vơ vội mấy thứ đồ lặt vặt chạy lên chỗ cao. Toàn bộ vật dụng còn lại bị cuốn trôi theo nhà cửa hết”. Cơn lũ gần như xóa sổ làng Tăng Hóa tại Hóa Sơn.
Về xã Hưng Lợi, vùng rốn lũ huyện Hưng Nguyên, Nghệ An, trời mưa nhỏ nhưng nước lũ vẫn lên. Ngoài đồng nước trắng băng, hoa màu chìm sâu dưới vài mét nước. Làng xóm Hưng Lợi chìm trong nước, nhiều nhà nước lên đến gần mái ngói. Khó khăn không những trước mắt mà cả về lâu dài đã ập đến với người dân Hưng Lợi. Nhưng họ không bi quan. Đám cưới của một đôi trai gái vẫn được tiến hành. Không tổ chức được ở nhà, họ tổ chức ngay trên đê, trong một căn nhà bạt vừa được dựng tạm.
|
Anh Nguyễn Văn Vượng (giữa) ở xóm Tân Hương, Tùng Lộc đã vận chuyển hơn 100 gia đình bị ngập lũ đi trú ẩn nơi an toàn |
Đồng bào cả nước dốc lòng vì miền Trung
Khi cơn lũ lớn còn chưa kịp rút khỏi miền Trung, đồng bào ta ở trong và ngoài nước đồng lòng dồn sức người sức của cho miền Trung ruột thịt. Các đoàn cứu trợ của nhiều cơ quan, đoàn thể cùng tổ chức xã hội tiếp tục lên đường đến với đồng bào đang bị bao vây bởi nước lũ, quyết không để người dân vùng lũ thiếu đói.
Bắt gặp nhiều nhất là hình ảnh từ trên các mái nhà những thân người bé nhỏ, gầy gò dang tay đón nhận hàng cứu trợ. Thật xót xa cho những người dân đang quá mệt mỏi khi phải oằn mình chống chọi với thiên tai. Cũng thật xúc động với hình ảnh các chiến sĩ bộ đội quần áo bê bết nước đi trong gió rét bế những cụ già, em bé lên xuồng cứu hộ.
Mặc dù nhận được nhiều sự giúp đỡ của đồng bào trong và ngoài nước, nhưng những người dân sống trong vùng lũ vẫn hằng ngày, hằng giờ phải đối mặt với cái đói, cái rét và bệnh dịch hoành hành. Đáng ngại hơn là tình cảnh của hàng nghìn hộ dân bị lũ làm cho trắng tay. Chị Trần Thị Hạnh, người dân xã Phương Mỹ, Hương Khê rưng rưng nước mắt: “Nhà cửa, đồ dùng, thóc gạo… không còn một thứ gì. Đôi trâu, gia tài lớn nhất cũng là công cụ nuôi cả gia đình, bị lũ cuốn trôi mất rồi”…
Công tác khắc phục hậu quả của trận lũ lụt lịch sử này đang được tiếp tục một cách khẩn trương trước những diễn biến phức tạp của cơn bão số 6 sắp tới. Những nghĩa cử cao đẹp ngay trong những vùng lũ đang góp phần đẩy lùi dần những khó khăn về phía sau. Cùng với những giải pháp lớn của Đảng, Chính phủ, đồng bào trong và ngoài nước đang từng ngày, từng giờ hướng về đồng bào miền Trung với những hành động cụ thể, thiết thực.
Q.H (tổng hợp)