Miệt mài gieo chữ vùng cao

Rời miền đồng bằng sông Hồng, nơi quê hương Hải Dương, Vũ Thị Nguyên mang bầu nhiệt huyệt tuổi thanh xuân của mình đến với miền đất đỏ cao nguyên...
Cô giáo Vũ Thị Nguyên.
Rời miền đồng bằng sông Hồng, nơi quê hương Hải Dương, Vũ Thị Nguyên mang bầu nhiệt huyệt tuổi thanh xuân của mình đến với miền đất đỏ cao nguyên. Nơi cô đặt chân đến là nơi vùng cao heo hút thuộc xã Phi Liêng huyện Lâm Hà, nay thuộc huyện Đam Rông. Tại mảnh đất đầy cỏ gai, bụi rậm, ruồi vàng và muỗi vắt với bao khó khăn gian khổ ngày ấy, Vũ Thị Nguyên đã miệt mài gieo chữ cho con em đồng bào dân tộc thiểu số, ươm mầm xanh cho quê hương.
Hơn 15 năm thực hiện sự nghiệp trồng người nơi rừng xanh hiểm trở, cô giáo Vũ Thị Nguyên đã gieo chữ cho hàng ngàn con em các đồng bào dân tộc nơi đây, nhưng cô vẫn chưa quên được những khó khăn ban đầu. Một cô gái tuổi mới đôi mươi, rời miền đồng bằng đến với núi rừng Tây Nguyên hoang sơ và bao khó khăn thử thách cô phải vượt qua. Nhưng do yêu nghề, yêu trẻ và ý thức được sự nghiệp trồng người cao cả của mình, nên cô đã gắn bó với mảnh đất này bao năm nay. Những ngày đầu mới đến với vùng đất mới này, cô  đã gặp không ít gian nan khó nhọc. Rừng núi hoang vu, hiểm trở, những trận sốt rét rừng, ruồi vàng vắt xanh là những sự sợ hãi mà cô phải đối mặt, nhưng tất cả đã không ngăn được lòng yêu nghề và bước chân của cô đến với những đứa trẻ đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây. Dưới những lớp học tranh tre nứa lá dột nát tạm bợ, cô đã dìu dắt, dạy bảo cho bao em nhỏ khôn lớn trưởng thành. Nơi cô công tác chủ yếu là bà con đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống, điều kiện còn khó khăn và việc quan tâm con cái học hành còn hạn chế, nên sau những giờ lên lớp cô lại đến vận động phụ huynh cho con em mình đến trường, đến lớp học tập đúng độ tuổi. Có những em nhỏ sau khi học được một thời gian, nghỉ hè lại theo bố mẹ lên nương rẫy và đến năm học các em vẫn không quay lại trường lớp, nên cô Nguyên lại phải lặn lội lên rừng để vận động các em quay lại với trường, với lớp. Với sự nhiệt tình bền bỉ của cô, bà con đồng bào địa phương đã hiểu ra và cho con em mình đến trường theo thầy cô để học cái chữ mai sau giúp gia đình, quê hương thoát khỏi đói nghèo. Một khó khăn nữa mà các giáo viên vùng sâu vùng xa thường gặp đó là các em học sinh nơi đây thường hạn chế về tiếng phổ thông, nên để truyền đạt kiến thức cho các em, trước hết phải làm sao để các em học sinh hiểu được tiếng Việt. Để khắc phục điều này, cô giáo Nguyên đã sống hòa đồng với các đồng bào dân tộc nơi đây để tìm hiểu ngôn ngữ, những nét văn hóa và thói quen sinh hoạt của họ, để từ đó hiểu hơn về các em học sinh và dạy chữ cho các em một cách hiệu quả nhất. Vì vậy, cô đã đưa ra những giải pháp hữu ích trong dạy học như: “Làm thế nào để học sinh đồng bào dân tộc thiểu số nói tốt tiếng Việt”; “Cách dạy học sinh tính nhẩm nhanh”… Những giải pháp tuy đơn giản ấy, nhưng đã được bạn bè đồng nghiệp của cô đánh giá cao và áp dụng rộng rãi mang lại hiệu quả thiết thực trong việc dạy học cho trẻ em vùng cao. Để các em học sinh tiếp thu bài nhanh, cô giáo Nguyên cũng thường chia nhóm học sinh để dạy theo đối tượng, cho các em học khá kèm những em học yếu. Cô cũng đã tổ chức cho các em tham gia các trò chơi hoạt động ngoài trời để các em làm quen với tiếng Việt và có điều kiện học tập thoải mái, vừa chơi vừa học. Chính vì vậy, trong những năm qua các lớp học do cô Nguyên phụ trách các em học sinh đều đạt kết quả cao trong học tập, và tỉ lệ lên lớp luôn đạt 100%. Nói về những kinh nghiệm để thành công trong việc dạy học cho trẻ em vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, cô giáo Vũ Thị Nguyên chia sẻ: “Dạy học ở vùng sâu vùng xa điều kiện khó khăn, nên phải nỗ lực hết mình, phải cần cù chịu khó, yêu nghề, tận tụy với nghề, thương yêu học sinh, coi học sinh như con mình. Giáo viên cũng cần phải lấy mình làm gương để học sinh noi theo. Ngoài ra, mình cũng cần phải có những sáng kiến kinh nghiệm để dạy học cho phù hợp với điều kiện hoàn cảnh của học sinh địa phương. Mặt khác, mình cũng phải thường xuyên học tập nâng cao trình độ, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm với đồng nghiệp để dạy học cho học sinh đạt kết quả cao nhất…”. “Cô Vũ Thị Nguyên là một giáo viên có uy tín trong nhà trường, luôn được đồng nghiệp và học sinh tin yêu kính trọng. Bản thân cô là một người có trách nhiệm cao trong công việc, nhiệt tình tâm huyết với nghề và nhiều năm liền cô đã đạt giáo viên giỏi từ cấp cơ sở đến cấp tỉnh. Trong cuộc sống, cô luôn hòa nhã gần gũi với mọi người, hay giúp đỡ đồng nghiệp, thương yêu học sinh. Ngoài ra, giáo viên Vũ Thị Nguyên còn là một người có ý thức cao trong công tác xây dựng tập thể, xây dựng môi trường đoàn kết, gương mẫu có ý thức tổ chức kỷ luật tốt. Cô giáo Vũ Thị Nguyên xứng đáng là một tấm gương sáng để học sinh và nhiều đồng nghiệp khác noi theo”, đó là những lời nhận xét đánh giá của thầy Phan Đình Hưng – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Chu Văn An, Phi Liêng, Đam Rông về cô giáo Vũ Thị Nguyên.
Duy Danh

Đọc thêm