Quê hương Việt Nam nào cũng có một dòng sông. Sông con hay sông cái cũng đều bồi đắp bãi mía nương dâu, đều cung cấp nước tưới tiêu và sinh hoạt, đều có chức năng giao thông. Con gái hai bên bến sông thường đẹp nên giống như chất lượng rượu bia phụ thuộc chất lượng nước, người ta bảo gái đẹp là nhờ nguồn nước! Bởi vậy nên con sông gắn bó trong tâm hồn con người “Nước sông con đổ vào sông cái/Anh trai Thu Bồn em gái Hà Nha...”, “Ai về nhắn với bạn nguồn / Mít non gởi xuống cá chuồn gởi lên”...
Quả mít non, con cá chuồn đã đành là những hiện vật cụ thể của đời sống, là nguyên liệu thực phẩm nhưng đồng thời là cái tình của miền xuôi dành cho miền ngược, của miền núi gởi cho đồng bằng và xa hơn, là của người con trai con gái gởi cho nhau! Nhưng sở dĩ có cái tình đó là nhờ con sông Thu Bồn không giống các dòng sông khác, nó làm nên một hiện tượng đặc biệt, tham gia vào quá trình của tiền nhân từ Hội An ngược dòng khai phá vùng đất mới, nên “bạn nguồn” cũng là họ hàng với nhau cả thôi!
Nhưng tại sao không gởi mít chín mà gởi mít non ? Mít chín - mít mật ngọt lừ, mít ráo ngọt dòn - ngon đấy nhưng là thứ ăn chơi, có cũng tốt mà không cũng chẳng sao. Còn mít non, cái quả mít chưa đến lứa đến thì chẳng ai để ý ấy lại có thể chế biến thành món ăn khá ngon, khá lạ miệng. Trong các món mít - như mít non trộn, mít chín đồ xôi... - tôi thích một món đơn giản hơn là mít non nấu canh tôm. Tôm tươi đảo qua đổ nước nấu sôi thì cho mít non thái mỏng vào.
Tôm và mít non là hai thành phần chủ yếu, nhưng xin đừng bao giờ quên một nắm lá lốt thái nhuyễn. Không có gì dễ hơn, không ai không nấu được, nhưng canh mít non nấu tôm là món canh bốn mùa, ăn vào thời khắc nào trong năm cũng đều thấy ngon. Còn như giữa một ngày hè nóng nực, miếng ăn là miếng bất đắc dĩ thì món canh mít nấu tôm - ăn vã hay ăn với cơm - có thể gợi cảm giác thèm ăn đấy! Còn một khi mít non, cá chuồn gặp nhau trong nồi cá chuồn kho mít non thì miếng mít, miếng cá thấm thía tới tận xương tủy!...
Đơn giản là cả một nghệ thuật. Khánh Ly hát Trịnh Công Sơn như thể chị đang trò chuyện đang tâm tình. Đọc những câu thơ hay có cảm giác như tác giả chẳng hề có chút cố gắng... Phối hợp hai thứ xa tít tắp chẳng họ hàng làng xóm gì với nhau để làm thành một món canh ngon thì đó chính là nghệ thuật ẩm thực.
Càng ngẫm nghĩ càng thấy ông bà thật tài tình, thật sáng tạo và... thật biết ăn!
HOÀNG