Ứng cử viên Mitt Romney hôm 10/1 đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Cộng hòa Mỹ tại bang New Hampshire, tạo bước đột phá cho hy vọng ghi danh ứng viên của đảng này “ganh đua” với Tổng thống đương nhiệm Barack Obama trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới.
|
Ông Mitt Romney vui mừng nhận kết quả chiến thắng tại bang New Hampshire hôm 10/1. Ảnh: AFP |
“Tối nay, chúng tôi đã viết lên một trang sử mới”, ông Romney nói trong tiếng hoan hô của những người ủng hộ ông tập trung tại Manchester. Cựu thương gia triệu phú này đã giành được khoảng 40% số phiếu bầu, dẫn trước người lớn tuổi nhất trong cuộc đua Ron Paul (23%) và cựu đại sứ Mỹ tại Trung Quốc Jon Hunstman (17%).
Kể từ năm 1976 đến nay, đây là lần đầu tiên một ứng viên Cộng hòa không phải là tổng thống đương nhiệm giành chiến thắng ở cả bang New Hampshire và trước đó là bang Iowa. Tuần trước, trong cuộc bỏ phiếu của đảng Cộng hòa được tổ chức tại Iowa, ông Romney, 64 tuổi, cũng đã giành được số phiếu cao nhất cùng với nhà bảo thủ Rick Santorum.
Mitt Romney, cựu thống đốc bang Massachusetts, cũng giành được sự mến mộ tại Nam Carolina, nơi một cuộc bỏ phiếu sơ bộ của đảng Cộng hòa sẽ diễn ra vào ngày 21/1 tới. Tuy nhiên, ông cũng có thể gặp phải những khó khăn tại bang miền Đông Nam này, nơi tôn giáo hết sức được coi trọng. Nếu Romney tiếp tục chiến thắng ở đây thì chắc chắn ông sẽ trở thành ứng viên Cộng hòa tranh chức tổng thống với ứng viên đảng Dân chủ.
Được đánh giá là một người ôn hòa, ông Romney tối 10/1 đã tung ra đòn tấn công nhắm vào vị tổng thống đương nhiệm Barack Obama, người sắp mãn nhiệm và có thể trở thành đối thủ của Romney vào ngày 6/11. “Cách đây 4 năm, Barack Obama đã đến New Hampshire với lời hứa hòa giải mọi người và sửa chữa hệ thống chính trị ở Washington. Và bây giờ chúng ta đang phải đối mặt với kết quả của một vị tổng thống thất bại”, Romney tấn công.
Bất chấp những cuộc tấn công gay gắt chống lại mình trong những ngày gần đây về vai trò đứng đầu quỹ đầu tư Bain Capital, ông Romney vẫn giành chiến thắng. Các đối thủ của Romney cáo buộc ông cấu trúc lại nhiều doanh nghiệp bằng cách sa thải hết sức mạnh tay trước khi bán lại tài sản. Tuy nhiên, cựu thống đốc bang Massachusetts đã khẳng định được những thành công của mình trong lĩnh vực kinh tế tư nhân để từ đó tạo sức bật trong cuộc chạy đua tiến tới chiếc ghế tổng thống Mỹ với hy vọng giúp nền kinh tế Mỹ thoát khỏi suy thoái và khắc phục được tình trạng thất nghiệp cao.
Chiếm vị chí thứ hai trong cuộc bỏ phiếu của đảng Cộng hòa là Ron Paul, cựu thống đốc bang Utah Jon Huntsman, cựu dân biểu bang Texas, với 23% số phiếu bầu. Tiếp theo đó, người giành vị trí thứ ba với 17% số phiếu bầu là cựu đại sứ Mỹ ở Trung Quốc Jon Huntsman. Các vị trí tiếp theo là cựu Chủ tịch Hạ viện Newt Gingrich (10%), cựu nghị sỹ Rick Santorum (9%) và Thống đốc bang Texas, Rick Perry (1%).
Theo đánh giá của nhà phân tích chính trị Erika King của trường đại học Grand Valley State, sự cách xa về số phiếu giữa các đối thủ là một dấu hiệu tốt đối với ông Mitt Romney. Hai cuộc bỏ phiếu đầu tiên cho thấy không có đối thủ nào nổi lên trong vị trí số hai.
Về phần mình, nhà phân tích David Bositis của Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính trị thì cho rằng, mặc dù hai lần chiến thắng, song ông Mitt Romney vẫn còn phải đối mặt với sự “dửng dưng” của 3/4 số đảng viên Cộng hòa. “Người Cộng hòa không nhiệt tình với ông ấy. Nhưng họ cũng không nhiệt tình với cả những ứng viên khác”.
Thủ tục lựa chọn ứng viên của đảng Cộng hòa ra tranh chức tổng thống với đảng Dân chủ còn diễn ra trong nhiều tháng tại nhiều bang nữa, thông qua các cuộc bầu cử sơ bộ hoặc các cuộc họp cử tri.
Từ nay tới cuối tháng 1, ông Romney sẽ cùng các ứng viên khác của đảng Cộng hòa tiếp tục tham gia các cuộc bầu cử sơ bộ quan trọng tại các bang Nam Carolina (21/1) và Florida (31/1). Các cuộc bầu cử này được cho là sẽ giúp định hình rõ hơn ứng viên chính thức của đảng Cộng hòa tham gia tranh cử tổng thống Mỹ trong năm nay.
Về phần mình, một cuộc bỏ phiếu sơ bộ của đảng Dân chủ cũng đã được tổ chức hôm 10/1 tại bang New Hampshire, nhưng kết quả không có gì bất ngờ khi ông Barack Obama vẫn không có đối thủ nào khác trong đảng.
Quang Minh (Theo AFP, CNN)