“Mở đường” cho ngành phim ảnh trở lại

(PLVN) -  Để “mở đường” cho ngành phim cả nước phục hồi hậu COVID-19, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch mới đây đã ban hành hướng dẫn tạm thời cho các hoạt động du lịch, văn hóa, giải trí và thể thao, trong đó rạp chiếu phim có thể hoạt động 100% công suất ở địa bàn dịch cấp độ 1.
Rạp chiếu phim lo ngại vắng khách vào thời gian đầu sau dịch.

Thời điểm quan trọng để “cứu” ngành phim

Số liệu của trang thống kê độc lập Box Office Việt Nam cho biết doanh số toàn ngành của sáu tháng đầu năm 2021 đạt 1.156 tỷ đồng, so với trên 2.000 tỉ đồng vào năm 2019 và 750 tỷ đồng vào năm 2020 (do đóng cửa từ 20/3 – 9/5).

Các hệ thống rạp chiếu phim lớn như Galaxy, Lotte Cinema, CGV,… đều công bố mức thiệt hại nặng nề. Trong hai năm nay, các doanh nghiệp điện ảnh tại Việt Nam đã nhiều lần gửi văn bản lên các cơ quan chức năng để xin hỗ trợ cho trước nguy cơ phá sản vì dịch bệnh.

Trong đó, tại văn bản tháng 5/2021, các đơn vị đề xuất được hỗ trợ nhằm tái cấu trúc nợ vay hoặc cấp gói tín dụng ưu đãi mới; cấp tài trợ hoặc gia hạn nộp bảo hiểm, phí công đoàn cho các doanh nghiệp điện ảnh; giảm thuế giá trị gia tăng doanh nghiệp và hoãn nộp thuế giá trị gia tăng, miễn hoặc giảm thuế thu nhập cá nhân đối với người lao động; có chính sách vận động, hỗ trợ để các doanh nghiệp bất động sản tạo điều kiện cho doanh nghiệp điện ảnh...

Cách đây không lâu, ngành làm phim được dự báo sẽ mở cửa trở lại các rạp vào đầu năm 2022 trên phạm vi toàn quốc. Khi biết được tin này, nhiều doanh nghiệp, nhà sản xuất, rạp chiếu phim không khỏi lo ngại sẽ khó thể “trụ lại” trên thị trường, đứng trước nguy cơ phá sản bởi ngân sách công ty đã cạn kiệt.

Đơn cử, trong một công văn mới đây gửi đến Thủ tướng và UBND TP HCM, đại diện của 20 nhà sản xuất phim kiến nghị được phục hồi kinh doanh, sản xuất từ giữa tháng 10, cùng với cam kết thực hiện các nguyên tắc phòng chống dịch để đảm bảo an toàn cho nhân viên.

Trên truyền thông, ông Nguyễn Hoàng Hải - Giám đốc nội dung của CGV cho hay: “Nếu đầu năm 2022, rạp chiếu phim mới được tái hoạt động, nhiều doanh nghiệp điện ảnh dù lớn hay nhỏ đều đứng trước nguy cơ phá sản. Điều tất yếu là kéo theo sự suy thoái của cả nền điện ảnh nói chung”.

Đáng nói, sau khi nới lỏng giãn cách tại các tỉnh thành phía Nam và phía Bắc, một số cụm rạp ở các tỉnh, thành không có dịch đã được mở cửa đón khách trở lại. Ví như CGV đã mở lại ở Yên Bái, Cẩm Phả, Hạ Long, Thái Nguyên; hay Lotte Cinema mở lại rạp ở Bắc Ninh, Việt Trì, Tuyên Quang. Tuy nhiên, hầu hết các rạp còn lại trên khắp cả nước còn đóng cửa.

Do nhiều doanh nghiệp làm phim vẫn “đóng băng” nên danh mục phim tại các rạp mở cửa cũng khá cũ như Bố già, Bàn tay diệt quỷ, Mortal Kombat, Godzilla Vs. Kong, Người nhân bản... Dường như giải pháp này cũng chỉ để tạm thời đối phó với tình hình trước khi có hướng dẫn cụ thể hơn từ các cơ quan chức năng.

Nhiều “bom tấn” xếp hàng chờ chiếu

Nhận thấy đây là thời điểm quan trọng để “cứu” ngành làm phim cả nước, mới đây Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) đã có hướng dẫn tạm thời cho các hoạt động du lịch, văn hóa, giải trí và thể thao, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 theo Nghị quyết số 128 của Chính phủ.

Trong hướng dẫn này, Bộ đưa ra một số hướng dẫn cho phép các rạp chiếu phim có thể hoạt động trở lại tuỳ theo cấp độ dịch tại địa bàn. Cụ thể, trong công văn nêu rõ: Hoạt động của thư viện, rạp chiếu phim, địa điểm văn hóa nghệ thuật thì giảm 50% số lượng khách đối với địa bàn có dịch cấp độ 2 và giảm 70% số lượng khách đối với địa bàn có dịch cấp độ 3. Riêng địa bàn dịch cấp độ 1 có thể hoạt động 100%.

Hướng dẫn của Bộ VHTTDL đang “mở đường” cho ngành phim ảnh cả nước. Đặc biệt, các nhà sản xuất phim không hề muốn “bỏ lỡ” mùa “lễ hội” phòng vé vào những tháng cuối năm. Do đó, các rạp mong đợi nhất được mở cửa vào tháng 11 hoặc càng sớm càng tốt. Lại nói, do ảnh hưởng của dịch bệnh, các danh mục phim chờ ra rạp hiện đang rất dài, trong đó có cả “bom tấn” nước ngoài và trong nước.

Phim quốc tế có thể kể đến Fast & Furious 9, Góa phụ đen (Black Widow), Shang-Chi và huyền thoại Thập Luân, Xứ cát (Dune), Không phải lúc chết (No Time to Die), Venom 2: Đối mặt tử thù... Còn phim Việt ví như Bẫy ngọt ngào, Rừng thế mạng, Người lắng nghe, 578: Phát đạn của kẻ điên, 1990... đã chuẩn bị ra rạp từ giữa năm nhưng vẫn đang “chờ” để được “hội ngộ” khán giả.

Nhìn chung, các rạp chiếu phim đều “háo hức” chờ ngày mở cửa trở lại. Đáng nói, sau thời gian đóng cửa kéo dài vừa qua, ngành làm phim Việt sẽ đứng trước một thách thức lớn, đó là thói quen của người xem đã thay đổi, nhiều người ưu tiên các “rạp chiếu phim tại gia” với các nền tảng chiếu phim nổi tiếng như Netflix. Tâm lý ngại đến rạp vì là chỗ đông người có thể khiến các rạp chiếu phim vẫn vắng bóng người xem dù đã có cơ chế mở cửa.

"Bài/Loạt bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ"