Mô hình dân vận khéo ở quận Đồ Sơn: Xây dựng đã khó, duy trì còn khó hơn

28 mô hình dân vận khéo, trong đó có 12 mô hình tập thể, 4 cá nhân đăng ký thi đua cấp thành phố trong năm 2009 là minh chứng về một phong trào thiết thực, có sức lan tỏa được người dân và các cấp ở quận Đồ Sơn.

28 mô hình dân vận khéo, trong đó có 12 mô hình tập thể, 4 cá nhân đăng ký thi đua cấp thành phố trong năm 2009 là minh chứng về một phong trào thiết thực, có sức lan tỏa được người dân và các cấp ở quận Đồ Sơn. Tuy nhiên, rất nhiều người lăn lộn, hết mình xây dựng mô hình đều thừa nhận, xây dựng mô hình đã khó, nhưng để duy trì và nhân rộng mô hình, tránh hình thức lại càng khó hơn rất nhiều.

Tỉnh ngoài đến học tập mô hình

Đồ Sơn là điểm du lịch nổi tiếng, hằng năm thu hút hơn 2 triệu khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan, nghỉ dưỡng. Người dân Đồ Sơn tự hào về điều đó nhưng cũng chính là đối tượng chịu tác động trực tiếp từ mặt trái của môi trường du lịch. Nhiều con em địa phương không may nhiễm HIV để lại nỗi buồn, sự lo lắng cho người thân và gia đình. Xuất phát từ sự đồng cảm và trách nhiệm với những người mẹ, người vợ có chồng, con nhiễm HIV, Hội liên hiệp LHON quận triển khai mô hình câu lạc bộ “Mẹ và vợ người có H”. Chủ tịch Hội Phụ nữ quận Hoàng Thị Yến cho biết: từ năm 2001, Hội đã tiến hành khảo sát và trực tiếp vận động, tuyên truyền, giáo dục đến các hộ có người nghiện ma túy, nhiễm HIV tập hợp thành câu lạc bộ. Sự đồng cảm chân thành, đau nỗi đau của người trong cuộc để chia sẻ, giúp họ vơi bớt nỗi buồn, tìm được niềm vui, điểm tựa khi tham gia câu lạc bộ thì mới có thể thu hút họ đến và gắn bó lâu dài. Cách thức kiên trì, sáng tạo, linh hoạt trong tiếp cận, giúp chị em tự nguyện tham gia câu lạc bộ là rất cần thiết bởi tiếp cận với họ đã khó, làm sao để họ tự nguyện tham gia còn khó hơn nhiều vì thực tế sự kỳ thị của xã hội vẫn khá nặng nề. Vượt qua được “ngưỡng” khó khăn ban đầu với việc thành lập câu lạc bộ ở phường Ngọc Hải năm 2001 với 20 thành viên tham gia giúp chị em có diễn đàn cùng nhau giãi bày nỗi niềm vốn không biết chia sẻ cùng ai; hỗ trợ, thông tin cho nhau những cách thức vượt qua sự kỳ thị của xã hội, giúp người thân nhiễm H tự tin hòa nhập cộng đồng. Đặc biệt, các thành viên đến từng nhà, động viên người thân nhiễm H đi cai nghiện đồng thời tuyên truyền, cảnh báo tác hại để người khác không sa chân vào nghiện hút và những hành vi có thể lây nhiễm HIV…

Từ thực tế hoạt động và hiệu quả thiết thực đem lại của câu lạc bộ ở phường Ngọc Hải, đến nay quận Đồ Sơn đã có 5 câu lạc bộ ở 5 phường với 223 thành viên tham gia. Mô hình có sức lan tỏa rộng rãi và kinh nghiệm xây dựng mô hình này được các quận, huyện khác như Hồng Bàng, Lê Chân, Kiến An học tập, xây dựng. Đặc biệt, huyện Phú Lộc tỉnh Thừa Thiên Huế, huyện Hướng Hóa tỉnh Quảng Trị đến học tập kinh nghiệm, đánh giá cao tính nhân văn của mô hình “Mẹ và vợ người có H” xuất phát điểm ở Đồ Sơn và duy trì bền vững, góp phần giảm kỳ thị, phân biệt đối xử với người có H, giúp họ cải thiện cuộc sống, tích cực tham gia phòng chống HIV/AIDS, phòng, chống các tệ nạn xã hội, đem lại sự bình yên cho mọi nhà.

Mô hình dân vận khéo ở quận Đồ Sơn: Xây dựng đã khó, duy trì còn khó hơn ảnh 1
Cụm tàu an toàn tại bến cá Đồ Sơn.

Duy trì mô hình- không dễ

Có thể nói, Đồ Sơn là một trong những địa phương sáng tạo ra nhiều mô hình dân vận khéo mang tính đặc thù, thiết thực, gắn với đời sống và lao động sản xuất của người dân. Trong số hàng chục mô hình được xây dựng trong thời gian qua, rất nhiều mô hình có sức sống lâu bền, lan tỏa được người dân hưởng ứng mạnh mẽ như câu lạc bộ đánh bắt xa bờ; tàu và cụm tàu an toàn; câu lạc bộ gia đình nông dân phát triển bền vững; khu dân cư không có người sinh con thứ 3; vận động xây dựng, sửa chữa nhà tạm, nhà dột nát cho các gia đình diện chính sách, hộ nghèo; giải phóng mặt bằng làm đường giao thông; xây dựng quỹ khuyến học; tiết kiệm tín dụng; cụm an ninh liên kết… Phần lớn các mô hình được phát động đều sát với thực tế, có thể kéo dài thời gian triển khai và nhân rộng, phát huy, gắn với đời sống người dân. Tuy nhiên, Trưởng ban Dân vận Quận ủy Đồ Sơn Hoàng Đình Tú thừa nhận: Việc xây dựng mô hình mới và nhân rộng mô hình còn hạn chế; nhiều mô hình mang tính hình thức, tự phát, chưa toàn diện. Duy trì lâu bền các mô hình là điều không đơn giản, phụ thuộc vào sự quan tâm của các cấp chính quyền, đoàn thể và cách thức triển khai. Ông Tú cho rằng để duy trì lâu bền, có sức lan tỏa như mô hình câu lạc bộ đánh bắt xa bờ; cụm tàu an toàn; cụm an ninh liên kết; mẹ và vợ người có H… thì chắc chắn phải thiết thực, gắn với lợi ích của mỗi thành viên tham gia đồng thời góp phần vào sự phát triển kinh tế, xã hội mỗi địa phương, đơn vị.  

Một trong những bài học kinh nghiệm được rút ra trong quá trình triển khai các mô hình dân vận khéo của quận Đồ Sơn đó là, nơi nào triển khai và thực hiện tốt quy chế dân chủ, nơi đó phát huy được sức mạnh của quần chúng, mô hình chắc chắn được hưởng ứng và phát huy hiệu quả. Từ thực tế triển khai nhiều mô hình dân vận ở phường, Bí thư Đảng ủy phường Ngọc Hải Lưu Đình Dũng cho rằng, duy trì hay nhân rộng mô hình do người dân quyết định. Bởi nếu họ thấy thiết thực, có ích cho cá nhân và cộng đồng thì chắc chắn tham gia và không ngần ngại đóng góp vào sự phát triển của mô hình./.

Văn Lượng 

Đọc thêm