Qua 10 năm triển khai và áp dụng trên đồng đất của Bạc Liêu, mô hình tôm - lúa được đánh giá là hiệu quả và bền vững. Đây là một trong những mô hình sản xuất ít tác động xấu tới môi trường xung quanh, chi phí đầu tư thấp, phù hợp với năng lực tài chính của phần lớn nông dân. Đặc biệt, việc áp dụng mô hình này đã làm giảm các áp lực cho môi trường sản xuất, hạn chế đến mức thấp nhất việc lạm dụng các loại hóa chất cấm, thuốc thú y thủy sản gây ô nhiễm môi trường như các mô hình nuôi tôm khác.
|
Nông dân huyện Phước Long (Bạc Liêu) cấy lúa ST 24 trên đất nuôi tôm. |
Thực tiễn trong những năm qua đã chứng minh, mô hình tôm - lúa được đánh giá là mô hình sản xuất thông minh. Đó là mô hình sản xuất khép kín, có tính hỗ trợ lẫn nhau và phù hợp với điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay.
Quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng cho vùng sản xuất tôm – lúa
Nhằm giúp mô hình sản xuất tôm-lúa vùng phía Bắc Quốc lộ 1A phát triển bền vững và hiệu quả, góp phần thực hiện thắng lợi “Đề án phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ giai đoạn 2020 - 2030” theo chỉ đạo của Chính phủ, Bạc Liêu cần nhiều giải pháp để thực hiện.
Để mô hình này phát triển hiệu quả, bền vững, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bạc Liêu Huỳnh Quốc Khởi, cho biết: “Cần có chính sách hỗ trợ đầu tư cải tạo, nâng cấp kết cấu hạ tầng, hệ thống thủy lợi cho vùng tôm - lúa theo hướng các ô đê bao khép kín, ưu tiên các khu vực đê bao vừa và nhỏ, kết hợp tu sửa, nâng cấp các kênh mương nội đồng và trạm bơm để đảm bảo cấp, thoát và trữ nước mặn, ngọt một cách linh hoạt, kịp thời cho nuôi tôm và trồng lúa trong hoàn cảnh nguồn lực chưa đủ mạnh; thiết lập cơ chế quản lý tài nguyên nước dựa trên cộng đồng để sản xuất tôm - lúa bền vững…”
|
Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bạc Liêu Huỳnh Quốc Khởi. |
Bên cạnh đó, quy hoạch, quản lý và hỗ trợ cơ sở sản xuất - kinh doanh tôm giống, lúa giống tập trung để đảm bảo cung cấp giống đạt tiêu chuẩn chất lượng. Tiếp tục hỗ trợ phục tráng giống lúa mùa bản địa (Một bụi đỏ Hồng Dân). Đồng thời, thử nghiệm, nhân rộng các giống lúa chất lượng cao, chịu phèn mặn tốt như ST 24, ST 25 trên vùng chuyển đổi của địa phương.
Song song đó, hỗ trợ thành lập, củng cố, nâng cấp các tổ hợp tác, HTX để có đủ năng lực tổ chức quản lý sản xuất tôm - lúa bền vững, hiệu quả; nâng cao năng lực tài chính của các tổ hợp tác, HTX thông qua chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định 55 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn tại địa phương.
Cần quy hoạch cụ thể theo vùng cho từng đối tượng nuôi phù hợp (tôm sú, tôm thẻ chân trắng, tôm càng xanh) và sử dụng các giống lúa chất lượng,… đồng thời phải đảm bảo quy mô diện tích đủ để cung cấp sản lượng lớn phục vụ nhu cầu liên kết thu mua góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả kinh tế.
Chính sách hỗ trợ phát triển canh tác tác tôm – lúa
Mô hình sản xuất lúa - tôm tuy được triển khai áp dụng từ lâu, nhưng trên thực tế nông dân vẫn áp dụng các quy trình và làm theo kinh nghiệm cá nhân. Theo ông Huỳnh Quốc Khởi - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bạc Liêu, mặc dù hiện nay trình độ sản xuất của nông dân đã được nâng lên đáng kể, song trước diễn biến phức tạp của thời tiết do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu gây ra, tình hình hạn hán, xâm nhập mặn, bệnh dịch, sâu hại và mưa, bảo thất thường như hiện nay đã và đang ảnh hưởng ngày càng phức tạp đến sản xuất nông nghiệp.
Do đó, cần có chính sách ưu tiên để phát triển nguồn nhân lực kỹ thuật tại chỗ như: đào tạo, đào tạo lại nguồn nhân lực, kể cả cán bộ chuyên môn, cán bộ quản lý để đáp ứng yêu cầu đòi hỏi trong tình hình mới, góp phần từng bước “trí thức hóa nông dân”. Đồng thời, thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn chuyên đề, các cuộc hội thảo để nông dân có cơ hội trao đổi, truyền đạt kinh nghiệm với nhau và các nhà khoa học giải đáp, bổ sung thêm kiến thức sản xuất cho họ.
|
Thu hoạch tôm càng xanh trong mô hình nuôi ghép với lúa huyện Hồng Dân (Bạc Liêu). |
Quy hoạch phát triển vùng tôm – lúa phù hợp với điều kiện thực tại. Đồng thời, có các chính sách hỗ trợ thử nghiệm các mô hình sản xuất tôm - lúa theo hướng tôm sạch, lúa an toàn có truy xuất nguồn gốc, tiến tới xây dựng thương hiệu cho sản phẩm tôm - lúa đạt tiêu chuẩn, qui chuẩn quốc gia và quốc tế nhằm nâng cao giá trị gia tăng.
Từ những vấn đề trên, các dự án do UNDP/GEF-SGP tài trợ từ năm 2009 đến nay triển khai tại huyện Hồng Dân và huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu đã góp phần nâng cao nhận thức của người dân lên một bước mới. Từ đó, góp phần phát triển bền vững hệ thống canh tác tôm - lúa tại địa phương.
Tỉnh Bạc Liêu bắt đầu tổ chức sản xuất mô hình tôm - lúa từ năm 2001, do hiệu quả bước đầu mang lại từ mô hình này khá cao so với độc canh cây lúa nên tốc độ tăng diện tích sản xuất tôm - lúa trong giai đoạn này khá nhanh, từ 5.851 ha sản xuất ban đầu đã tăng lên 22.134 ha vào năm 2010, tăng gấp gần 4 lần so với năm 2001 và năm 2019 diện tích mô hình này tiếp tục phát triển và mở rộng đạt 37.745 ha, chiếm khoảng 27,33% diện tích nuôi tôm toàn tỉnh và tập trung tại các địa phương: huyện Phước Long, Hồng Dân và thị xã Giá Rai.
Vụ tôm bắt đầu thả giống từ tháng 2 dương lịch và kết thúc vào tháng 7 dương lịch với trung bình 2 đến 3 lần thả giống/năm. Mật độ thả tôm sú từ 1 - 3 con/m2/lần thả. Nếu có thả xen cua, mật độ cua thả 1 con/10 m2.
Theo quy hoạch phát triển sản xuất nông, lâm, diêm nghiệp và thủy sản tỉnh Bạc Liêu đến 2020 định hướng đến năm 2030 thì diện tích sản xuất tôm - lúa sẽ tiếp tục mở rộng ở các huyện Phước Long, Hồng Dân và một phần của thị xã Giá Rai đã đạt gần 40.000 ha trong năm 2020, sản lượng tôm từ 17.500 tấn và định hướng đến năm 2030 là 5.000 - 50.000 ha, sản lượng đạt từ 35.000 tấn, năng suất từ 0,7 - 1 tấn/ha.