Mở hướng thoát nghèo cho phụ nữ ngoại thành

Không có nhiều điều kiện thuận lợi như phụ nữ ở nội thành nhưng phụ nữ ngoại thành luôn cố gắng trở thành chỗ dựa vững chắc, tin cậy cho gia đình bằng sự cần cù, chăm chỉ. Đặc biệt, không ít chị em còn năng động trong phát triển kinh tế, giúp gia đình thoát nghèo. Trong nỗ lực ấy, có sự đóng góp tích cực của các cấp Hội phụ nữ.

Không có nhiều điều kiện thuận lợi như phụ nữ ở nội thành nhưng phụ nữ ngoại thành luôn cố gắng trở thành chỗ dựa vững chắc, tin cậy cho gia đình bằng sự cần cù, chăm chỉ. Đặc biệt, không ít chị em còn năng động trong phát triển kinh tế, giúp gia đình thoát nghèo. Trong nỗ lực ấy, có sự đóng góp tích cực của các cấp Hội phụ nữ.

 

Giúp nhau phát triển sản xuất

 

Những ngày sau Tết, trong khi nhiều nơi vẫn còn không khí vui Tết, đón Xuân, chị em ở xã Chính Mỹ (Thủy Nguyên) lại bắt đầu với công việc của làng nghề mây tre đan xuất khẩu. Tại trụ sở HTX nông nghiệp, một số chị em  mang sản phẩm đến nộp. Tổ chị em sản xuất tập trung tại HTX đang miệt mài đan sản phẩm. Chị Đỗ Thị Bích ở thôn 1 tâm sự: “Trước đây, nghề truyền thống đan các sản phẩm dân dụng chỉ mang lại thu nhập, giai đoạn  bị đồ nhựa cạnh tranh bởi thu nhập càng thấp hơn, làng nghề có nguy cơ mai một. Từ khi chị em chuyển sang làm sản phẩm mây tre xuất khẩu thu nhập khá hơn. Làm việc chăm chỉ có thể thu được 50- 60 nghìn đồng ngày. Ngày mùa bận làm công việc đồng áng vẫn tranh thủ làm thêm được. Có nghề mới cho thu nhập cao nên ai cũng phấn khởi. Nhiều chị em say nghề nên mấy ngày Tết vẫn tranh thủ đan để sau Tết có hàng xuất khẩu”.

Tổ phụ nữ xã Chính Mỹ (Thủy Nguyên) sản xuất sản phẩm mây tre xuất khẩu

 

Từ trước Tết đến những ngày đầu năm mới, chị em ở huyện Tiên Lãng hối hả với công việc thu hoạch nấm. Bởi đây là thời điểm thu hoạch rộ nhất trong năm. 2 năm qua, hưởng ứng chủ trương phát triển các trang trại trồng nấm, chị em đi đầu thực hiện, ngoài ra còn tích cực giúp nhau ngày công lao động để dựng trại nấm. Theo chị Phạm Thị Bính, Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện Tiên Lãng, nghề trồng nấm hiện thu hút 350 gia đình hội viên  phụ nữ tham gia.

 

Hiện ở ngoại thành, các cấp hội phụ nữ xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm là vận động hội viên thi đua phát triển sản xuất, vươn lên xóa đói, giảm nghèo. Ở các địa phương thuần nông, chị em tích cực thâm canh tăng năng suất lúa, sản xuất cây vụ đông. Ở các khu vực có tiềm năng sông nước như các xã Lập Lễ, Phục Lễ, Thủy Triều (Thủy Nguyên), Vinh Quang, Đông Hưng, Tây Hưng, Tiên Hưng, Tiên Thắng (Tiên Lãng), Đoàn Xá  (Kiến Thụy)... chị em cùng chồng con phát triển kinh tế thủy sản, cải tạo các vùng đầm, ao nuôi thả quảng canh chuyển hướng sang nuôi bán công nghiệp cho thu nhập cao. Phụ nữ ở một số xã như Tân Viên, Trường Thành, Trường Thọ, Quốc Tuấn (An Lão); Quang Phục, Khởi Nghĩa (Tiên Lãng), Tú Sơn (Kiến Thụy)…mở hướng chăn nuôi theo quy mô lớn, từ gia trại nhỏ  dồn điền đổi thửa xây dựng các trang trại chăn nuôi tập trung theo hướng công nghiệp. Một số chị em còn phát triển kinh tế dịch vụ hàng hóa phục vụ  nhu cầu mua sắm, tiêu dùng ngày càng tăng ở khu vực nông thôn.

 

Mong ước được tiếp vốn

 

Giúp chị em tiếp cận nguồn vốn để phát triển sản xuất, là vấn đề khá nhiều hội viên quan tâm. Ở ngoại thành, các cấp hội phụ nữ đóng vai trò quan trọng trong việc tín chấp vay vốn cho chị em. Những năm qua, các cấp hội thường tín chấp vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn, Quỹ quốc gia giải quyết việc làm giúp chị em phát triển sản xuất.

 

Tuy nhiên, theo phản ánh của một số cán bộ hội phụ nữ, nguồn vốn cho chị em thời gian gần đây khan hiếm, vì vậy, chủ yếu mới giải quyết được vốn vay cho chị em nghèo phát triển sản xuất với mức từ 3-5 triệu đồng/hộ. Các khoản vay lớn hơn cho các dự án vừa và nhỏ của chị em vẫn gặp nhiều khó khăn. Chị Phạm Thị Huần, Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện Thủy Nguyên cho biết: “Vài năm trước, các cấp hội phụ nữ có thể tín chấp cho các hội viên vay phát triển sản xuất chủ yếu từ Ngân hàng Chính sách Xã hội và Ngân hàng Nông nghiệp và  phát triển nông thôn. Nhưng gần đây, chỉ tín chấp được từ  Ngân hàng Chính sách Xã hội; phía Ngân hàng Nông nghiệp và  Phát triển nông thôn, số vốn tín chấp đạt rất thấp. Trước đây, mỗi năm số lượng tín chấp trong huyện từ Ngân hàng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn 18-20 tỷ đồng/ năm, năm vừa qua chỉ được khoảng 1,8 – 2 tỷ đồng”.

Chị Ngô Thị Thu ở thôn Điều Trung, xã Quang Phục (Tiên Lãng) phát triển kinh tế gia đình bằng trồng nấm sò

 

Về nguyên nhân khiến chị em khó tiếp cận được nguồn vốn vay, một số hội viên phụ nữ cho biết, hầu hết chi nhánh  ngân hàng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn các địa phương đều trả lời chung chung là do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế nên khó huy động vốn, trung ương chưa rót thêm vốn cho ngân hàng…Trên thực tế, không ít chi nhánh ngân hàng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn  ngại các khoản vay nhỏ, lẻ của phụ nữ trong khi  nhân lực phục vụ công tác thẩm định cho vay vốn còn quá thiếu. Đây là bất cập cần sự tháo gỡ kịp thời của các cấp, ngành.

 

Rõ ràng, để phát triển sản xuất ổn định, nguồn vốn đóng vai trò quan trọng đối với nhiều phụ nữ. Tổ phụ nữ sản xuất mây tre xuất khẩu tập trung tại xã Chính Mỹ cho biết: “Hàng mây tre xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản hiện nay tiêu thụ rất tốt. Tuy nhiên, có nhiều lúc khát vốn khiến bên nhập hàng phải chờ đợi, nguồn nhân lực địa phương khá dồi dào nhưng không có kinh phí mua nguyên liệu mới để làm”. Đặc biệt, các chị em phát triển kinh tế quy mô lớn như xây dựng các trang trại nuôi trồng thủy sản, trồng nấm hoặc chăn nuôi công nghiệp… thiếu vốn sản xuất trong khi không vay được các ngân hàng đành phải vay lãi ngoài với mức lãi suất cao, ảnh hưởng đến hiệu quả… Mong sao, thời gian tới, các ngân hàng tạo điều kiện nhiều hơn cho chị em phụ nữ được tiếp cận đa dạng nguồn vốn vay, các cấp hội phụ nữ tích cực và có nhiều biện pháp hơn trong việc tín chấp giúp chị em vay vốn làm ăn để vươn lên thoát nghèo, làm giàu.

 

Bài và ảnh Hồ Hương

Đọc thêm