Tranh cãi về tài sản thiệt hại
Trước đó, chiều 2/2/2024, TAND Đà Lạt mở lại phiên sơ thẩm vụ án với 3 bị cáo vợ chồng bà Dương Thị Nguyệt Thủy (SN 1965) - ông Nguyễn Văn Dũng (SN 1958, cùng ngụ 54C Hồ Xuân Hương, phường 11, cả hai đang được tại ngoại) và Đinh Anh Hà (SN 1975, quê Hà Nội, đang bị tạm giam). Các bị cáo bị truy tố về tội “Hủy hoại tài sản” theo điểm b, d khoản 2 Điều 178 BLHS, khung hình phạt 2 - 7 năm tù.
Đây là vụ án kéo dài hơn 5 năm nay, đã 4 lần đưa ra xét xử, nhiều lần trả hồ sơ điều tra bổ sung. Theo cáo trạng, sáng 10/2/2019, tại khu đất trên, 3 bị cáo có hành vi sử dụng xăng dầu, dao, tay chân huỷ hoại tài sản của ông Nguyễn Văn Sáu gồm 65 cây tùng, 148 cây cẩm tú cầu, 42 cây cúc thân gỗ; dây nguồn, dây tín hiệu và phần chân đế của 2 camera. Tổng giá trị tài sản thiệt hại 61 triệu đồng.
Tại phiên toà, HĐXX, đại diện VKS, các LS tập trung xét hỏi nhằm làm rõ diễn biến vụ án, có hay không việc dùng xăng dầu đốt cây, ai là người đốt; kích thước, số lượng cây trồng bị huỷ hoại; việc giám định thiệt hại thực hiện ra sao…
Các LS bảo vệ cho các bị cáo đặt câu hỏi tại sao VKS không yêu cầu trình chiếu đoạn video chứng minh hành vi của các bị cáo tại phiên toà. Các bị cáo tiếp tục không đồng ý với nội dung thiệt hại nêu trong cáo trạng; cho rằng sức khoẻ yếu, có mặt tại hiện trường chỉ 20 phút nên không thể huỷ hoại số lượng cây cối, tài sản nhiều như vậy. Bị cáo Dũng thừa nhận co chân đạp nghiêng 2 cây tùng. Bị cáo Thủy thừa nhận nhổ 5 - 10 cây cẩm tú cầu. Bị cáo Hà thừa nhận huỷ hoại 1 cây tùng, giật dây camera…
Tại phiên toà, các LS đặt câu hỏi với ông Đỗ Đức Trung, Phó phòng Tài chính - Kế hoạch Đà Lạt (nay là Trưởng phòng LĐ-TB&XH Đà Lạt - NV), là Chủ tịch Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự TP Đà Lạt lúc đó; về việc định giá tài sản thiệt hại là cây trồng, nhưng lại viện dẫn căn cứ văn bản hướng dẫn về lệ phí trước bạ ô tô, xe máy? Ông Trung không trả lời câu hỏi này.
Với nội dung thiếu chữ ký thành viên Hội đồng định giá, ông Trung cho rằng đã cung cấp hồ sơ có đầy đủ chữ ký cho cơ quan công an. Tuy nhiên, LS trình bày trong hồ sơ vụ án họ được tiếp cận, vẫn thể hiện thiếu chữ ký thành viên Hội đồng định giá trong biên bản định giá.
Về cách thức định giá, ông Trung cho biết do không thu giữ tang vật, không kiểm đếm trực tiếp mà định giá theo yêu cầu của cơ quan công an. Các thành viên Hội đồng định giá không được nhìn trực tiếp tài sản mà định giá qua bản ảnh, số liệu thống kê do công an cung cấp, dựa trên bảng giá của đơn vị và giá cả thị trường…
|
Một số bản ảnh chụp hiện trường vụ án. (Ảnh trong bài: Mai Long) |
Có hay không sử dụng chất cháy nguy hiểm?
Trong phần tranh luận, đại diện VKS và các LS cũng đối đáp nội dung các bị cáo sử dụng xăng dầu là chất cháy nguy hiểm để huỷ hoại tài sản. Theo đại diện VKS, dù các bị cáo không thừa nhận nhưng căn cứ thực tế, lời khai người làm chứng, bằng chứng thu thập tại hiện trường là chai nhựa có thành phần xăng dầu; là đủ căn cứ kết luận các bị cáo dùng xăng dầu huỷ hoại tài sản.
Các bị cáo và LS không đồng ý lập luận này, cho rằng việc sử dụng xăng dầu hay không quyết định tới tính chất vụ án cũng như định khung hình phạt, bởi đây là chất cháy nổ nguy hiểm.
Theo các LS, nội dung có hay không sử dụng xăng dầu để huỷ hoại tài sản đã được tranh luận ở phiên toà trước, TAND khi trả hồ sơ cho VKS điều tra bổ sung cũng đề nghị làm rõ ai là người mang đến hiện trường? Ai là người dùng chất cháy để đốt cây? Làm rõ mâu thuẫn tại sao mẫu yêu cầu giám định là 1 chai nước hiệu Aquafina 1,5 lít không còn chứa gì (bút lục 70); trong khi bản ảnh hiện trường (bút lục 50) thể hiện chai nhựa bên trong có chứa chất lỏng màu xanh?
Tại kết luận giám định có tìm thấy thành phần xăng dầu, tại cáo trạng thể hiện bị cáo Hà là người mua xăng. Vậy cáo trạng và kết luận giám định đã có sự mâu thuẫn về chất cháy là xăng hay dầu? Những nội dung này không được VKS điều tra bổ sung.
Nội dung nữa là việc truy nã bị cáo Hà. Theo hồ sơ, bị cáo Hà bị bắt theo lệnh truy nã vào ngày 1/3/2023. Tại các phiên toà, bị cáo Hà đều khai không biết bản thân bị truy nã, trong thời gian này 3 lần lên UBND phường Minh Khai (quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội) xin xác nhận tình trạng hôn nhân để thực hiện giao dịch mua bán đất nhưng không hề được thông báo.
Theo các LS, việc CQĐT xác minh bị cáo Hà tại địa chỉ dùng để đăng ký dịch vụ viễn thông tại TP HCM mà không xác minh tại nơi đăng ký thường trú ở Hà Nội, từ đó ra quyết định truy nã, là chưa phù hợp quy định pháp luật.
Phần tranh luận kéo dài gần 2 tiếng đồng hồ, đến gần 19h cùng ngày. Các LS đánh giá, cần làm rõ thiệt hại, các tình tiết liên quan giám định để đánh giá toàn diện vụ án, còn cáo buộc của VKS là chưa đủ căn cứ. Các LS cũng kiến nghị HĐXX đánh giá việc thực hiện thủ tục tố tụng trong vụ án này, từ việc tống đạt các văn bản tố tụng đến định giá tài sản, ban hành quyết định truy nã, công bố chứng cứ trong chiếc USB được cho là chứa video ghi hình hiện trường…
Trong phần nói lời sau cùng, các bị cáo đều không đồng tình với tính chất, mức độ cũng như thiệt hại vụ án như cáo trạng cáo buộc.