Ở nhà, thị là hoa khôi, hoa hậu và nói nhiều tới nỗi... gã chẳng nghe thấy gì. Thậm chí, có lần thằng con 4 tuổi của gã còn ù tai tới nỗi, rủ gã: Bố ơi, bỏ xừ vợ này, lấy vợ khác đê (!). Thế mà sáng nay, thị xem chừng đăm chiêu lắm, chẳng giống mọi ngày. Nhìn trước, ngó sau - đương nhiên gã trong sáng như gương, không tỳ vết.
Thì ra, thị đang góp ý, đang lên diễn đàn của Bộ GD&ĐT phát biểu rôm rả và nghiêm túc về Điều lệ trường mầm non (MN) do Bộ GD&ĐT ban hành mấy ngày qua. Với tiêu chí mỗi lớp MN công lập phải đảm bảo dưới 35 cháu/lớp/2 cô; diện tích dành cho mỗi học sinh (HS) tại các lớp MN phải đạt tối thiểu 1,5 m2.
|
Mơ về nơi xa lắm... Ảnh minh họa |
Với nhóm trẻ độ tuổi từ 3 đến 12 tháng tuổi, không quá 4 cháu/cô và không quá 15 trẻ/nhóm. Nhóm trẻ của độ tuổi từ 13 đến 24 tháng tuổi có không quá 10 cháu/cô và không quá 20 cháu/nhóm. Nhóm trẻ của độ tuổi từ 25 đến 36 tháng tuổi có không quá 15 cháu/cô và không quá 25 cháu/nhóm... Đương nhiên, theo thị, những tiêu chí đó là quá lý tưởng, quá tốt rồi.
Thế nhưng, thực tế cứ theo những gì thị chứng kiến lại không phải vậy, khi gia đình thị và những bạn bè có con tuổi mẫu giáo đều phải xếp hàng... từ nửa đêm để mong có trong hồ sơ xin học vào trường công. Sau rất nhiều công phu, xin được cho con vào một trường gần nhà thì sỹ số lớp đã lên tới 50, thậm chí 70- 80 bé/lớp và chỉ có 2 cô vật vã từ 7h sáng tới 5h chiều. Thị lo lắng, nếu theo tiêu chí đó, cơ hội vào trường công của con trẻ càng xa vời.
Lý do thị cũng như nhiều phụ huynh khác lăm le vào trường công ngoài chuyện học phí còn là nỗi lo bạo hành ở những trường tư, nhóm trẻ. Sau vụ bạo hành của bảo mẫu Quản Kim Hoa ở Đồng Nai, gần đây một bé trai 22 tháng tuổi bị xuất huyết não do ngã từ ngựa gỗ xuống đất ở một nhà trẻ tư nhân tại quận Bình Thạnh (TP.HCM); rồi cũng ở TP.HCM, tại quận 12, một bé trai 13 tháng tuổi tử vong ở một nhà trẻ tư nhân sau khi được người giữ trẻ cho ăn cháo; vụ việc đáng tiếc gần đây nhất gây chấn động dư luận xã hội lại liên quan đến bậc học MN khi cô giáo vì quá bức xúc do trẻ biếng ăn đã nhốt trẻ vào thang máy dùng để vận chuyển thức ăn và nhấn nút vận chuyển khiến cậu bé 4 tuổi này bị thương nghiêm trọng.
Lỗi thuộc về cô giáo đã rõ nhưng nguyên nhân dẫn đến hành động nóng giận này một phần bởi các cô giáo MN đang hàng ngày phải chịu sức ép công việc quá lớn và thu nhập lại không tương xứng. Các cô trường công lập lớp quá đông, mất bình tĩnh nên bạo hành cháu. Trường công lập đông, khó xin, nên bố mẹ các cháu phải xin cho các cháu học trường dân lập, tư thục.
Trong khi đó, trường dân lập thành lập vội, tư thục, nhóm trẻ gia đình làm ăn chụp giật nên sử dụng giáo viên chưa qua đào tạo. Thiếu nhiều trường MN do dân số phát triển nhanh. Thành phố không xây đủ trường cho khu dân cư. Tuy nhiên, nhiều trung tâm thương mại vẫn có chỗ để mọc lên.
Hơn nữa, vì quản lý yếu nên không kiểm tra được các trường hoạt động chui; các trường không đủ điều kiện vẫn được cấp phép hoạt động nhưng thanh tra chả làm được gì mà toàn nhắm mắt cho qua, dẫn đến mọi hoạt động của xã hội đều suy yếu. Qui định của ngành giáo dục là ưu tiên con em đúng tuyến và nếu không đủ thì xem như đứa trẻ đó thất học, dẫn đến việc đứa bé đó phải bị gửi vào những nơi được xem như là nhà trẻ, nhóm học... do nhu cầu mưu sinh của cha mẹ, để rồi người lớn lại ngồi phân xử ai đúng, ai sai và con trẻ... lãnh đủ.
Sau một hồi rào rào trên diễn đàn, thị lẩm bẩm: “Ô, cái vòng luẩn quẩn, sao Bộ GD&ĐT cứ hay đề ra những thứ xa xôi ấy khi mà bài ca quá tải đã thành điệp khúc... Thôi, gã phải chuồn trước khi thị kịp... than vãn!
Miên Thảo