Mời các bạn đón đọc Chuyên đề số 26 tháng 7/2011

Trong cuộc sống muôn màu, muôn mặt của chúng ta hôm nay không tránh khỏi những mâu thuẫn bất đồng, thậm chí dẫn tới xung đột, tranh chấp: nhỏ thì giữa các thành viên trong một gia đình, lớn thì trong một cộng đồng, lớn nữa thì giữa các quốc gia, dân tộc.

THƯ TÒA SOẠN
Quý bạn đọc thân mến!
Trong cuộc sống muôn màu, muôn mặt của chúng ta hôm nay không tránh khỏi những mâu thuẫn bất đồng, thậm chí dẫn tới xung đột, tranh chấp: nhỏ thì giữa các thành viên trong một gia đình, lớn thì trong một cộng đồng, lớn nữa thì giữa các quốc gia, dân tộc.
bv
Bìa Chuyên đề số 26, tháng 7/2011
May thay, con người - cái giống sinh vật đa đoan nhưng cũng rất khôn ngoan - đã tìm ra “cơ chế” để giải quyết những bất đồng ấy mà hòa giải là một phương thức vừa cổ điển vừa hiện đại. Cổ điển vì hòa giải đã tồn tại hàng vạn năm, với những câu như “Đừng để cái sảy nảy cái ung”,“một rạn nứt nhỏ cũng có thể xảy ra một đổ vỡ lớn”,“biến cái to thành cái nhỏ, cái nhỏ thành cái... không có gì” đã trở thành minh triết của người Việt. Hiện đại vì hòa giải và thương lượng là một nguyên tắc có mặt ở nhiều văn kiện pháp lý quốc tế của Liên Hợp quốc hôm nay.
Nhận thức được tầm quan trọng của hoạt động hòa giải, nhất là hòa giải ở cơ sở, Hiến pháp năm 1992 quy định: “Ở cơ sở, thành lập các tổ chức thích hợp của nhân dân để giải quyết những vi phạm pháp luật và tranh chấp nhỏ trong nhân dân theo quy định của pháp luật" (Điều 172). Cụ thể hóa Hiến pháp, ngày 25/12/1998 Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở, và ngày 18/10/1999 Chính phủ đã ra Nghị định số 160/1999/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Pháp lệnh. Đây là những văn bản pháp lý thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước đối với công tác hòa giải ở cơ sở, khẳng định vị trí, vai trò không thể thiếu của công tác này trong đời sống cộng đồng.
Đã hơn 10 năm kể từ ngày Pháp lệnh Hòa giải cơ sở có hiệu lực. Thiết nghĩ, đã đến lúc chúng ta cần nhìn nhận, đánh giá về hiệu quả, cũng như những bất cập của một văn kiện pháp lý khá quan trọng, gắn bó trực tiếp với những buồn, vui của người dân này. Đây cũng là nội dung chủ yếu để Số Chuyên đề của Báo Pháp luật Việt Nam  ra mắt bạn đọc.
Một số nội dung nổi bật trong số Chuyên đề này quý bạn đọc có thể download: tại đây
Thân ái!
Tổng Biên tập
TS. Đào Văn Hội

Đọc thêm