Tranh chấp là điều khó tránh khỏi trong quan hệ thương mại giữa các đối tác và điều này càng trở nên bức xúc hơn trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế, khi mà các đối tác phải đương đầu với nhiều khó khăn, thiếu niềm tin và thừa thủ đoạn. Vẫn những quan hệ làm ăn thông thường nhưng khi khó khăn thì thoái thác thực hiện nghĩa vụ hợp đồng với muôn vàn lý do không thể ngờ tới. Và không phải không có lý do khi có ý kiến cho rằng, khi cần nhau thì hợp đồng ký sai thành đúng, còn khi không cần nhau thì hợp đồng ký đúng thành sai (!?).
Nhận diện các tranh chấp để lường trước và làm bài học cho mình trong quan hệ làm ăn với đối tác, làm thế nào để tránh được những tranh chấp không đáng có, làm thế nào giảm thiểu thiệt hại khi tranh chấp xảy ra, chọn phương thức giải quyết tranh chấp bằng tòa án hay trọng tài thương mại… là những nội dung chính được đề cập trong chuyên đề: “Tranh chấp thương mại trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế” của Doanh nhân & Pháp luật lần này.
Với việc ra đời của Luật Trọng tài thương mại và có hiệu lực từ ngày 1/1/2011, những tồn tại của Pháp lệnh Trọng tài Thương mại 2003 đã được khắc phục cơ bản, đây được xem là điều kiện thuận lợi để phương thức giải quyết tranh chấp rất ưu việt này được các DN đón nhận. Chuyên đề lần này sẽ giúp bạn đọc có sự so sánh toàn diện về hai phương thức giải quyết tranh chấp bằng tòa án và trọng tài thương mại để có sự lựa chọn đúng đắn.
Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) Trần Hữu Huỳnh - một trong số ít trung tâm trọng tài được đánh giá là hoạt động hiệu quả nhất tại Việt Nam hiện nay - chia sẻ bí quyết thành công cũng như đưa ra những lời khuyên bổ ích cho DN để tránh và giảm thiểu những thiệt hại do các tranh chấp phát sinh trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế hiện nay…
Như thông lệ, các chuyên mục khác của Doanh nhân & Pháp luật cũng được phản ánh, đánh giá một cách toàn diện, dưới góc độ chuyên gia…
TỔNG BIÊN TẬP
TS. ĐÀO VĂN HỘI