Mời độc giả đón đọc số chuyên đề PLVN

Việc làm sáng tỏ ảnh hưởng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa tới sự hoạch định chính sách hình sự của nước ta trong những năm tới là việc làm khó... Làm sao để hài hòa giữa pháp luật hình sự Việt Nam với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên cũng là vấn đề “đáng để đau đầu”... Số Chuyên đề tháng 10/2012 đề cập đến một số yêu cầu cụ thể đặt ra dưới góc nhìn của các chuyên gia đối với việc sửa đổi Bộ luật Hình sự...
Có thể nói, Bộ luật Hình năm 1999 - được Quốc hội khóa X, kỳ họp thứ VI thông qua ngày 21/12/1999, có hiệu lực từ ngày 1/7/2000 -  thực sự là công cụ hữu hiệu của Nhà nước trong việc quản lý xã hội, phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm, góp phần quan trọng trong việc giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, của các tổ chức và của công dân cũng như trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Tuy nhiên, từ khi có hiệu lực đến nay, trong đó phải kể đến lần sửa đổi, bổ sung gần đây nhất vào tháng 6/2009, tình hình đất nước ta đã có nhiều thay đổi to lớn về mọi mặt, nhất là về kinh tế và hội nhập quốc tế. 
Theo đó, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa được tiếp tục khẳng định và được Đảng Cộng sản Việt Nam xây dựng thành một nguyên lý phát triển của Việt Nam trong thời kỳ quá độ tiến lên chủ nghĩa xã hội. Ngoài ra, Việt Nam cũng tham gia ngày càng nhiều các điều ước, cam kết quốc tế và quá trình hội nhập đòi hỏi chúng ta phải nội luật hóa rất nhiều quy định của các điều ước, cam kết quốc tế. Những sự thay đổi to lớn trên đặt ra một nhu cầu cấp thiết là phải hoàn thiện các quy định của Bộ luật Hình sự nhằm đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình mới.
Tất nhiên, việc làm sáng tỏ những ảnh hưởng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa tới sự hoạch định chính sách hình sự của nước ta trong những năm tới là việc làm khó vì tính mới và tính duy nhất của mô hình kinh tế này. Tương tự, làm sao để hài hòa giữa pháp luật hình sự Việt Nam với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên trong điều kiện, thực tiễn thi hành pháp luật hiện nay cũng là một trong những vấn đề “đáng để đau đầu”của những người làm luật.
Trong phạm vi số Chuyên đề tháng 10/2012, chúng tôi chỉ đề cập đến một số yêu cầu cụ thể đặt ra dưới góc nhìn của các chuyên gia đối với việc sửa đổi Bộ luật Hình sự ở nước ta, liên quan đến phần về các tội phạm, nhằm bảo vệ và thúc đẩy nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế của Việt Nam. 
Mời độc giả đón đọc.
BBT

Đọc thêm