Mỗi năm sẽ có 1,5 triệu người Ấn Độ chết vì thuốc lá

Thuốc lá gây hại rất lớn tới sức khỏe của người Ấn Độ và đến năm 2020 có thể cướp đi sinh mạng của 1,5 triệu người mỗi năm nếu họ không từ bỏ thói quen hút thuốc độc hại.

Thuốc lá gây hại rất lớn tới sức khỏe của người Ấn Độ và đến năm 2020 có thể cướp đi sinh mạng của 1,5 triệu người mỗi năm nếu họ không từ bỏ thói quen hút thuốc độc hại.

Một lao động tại Ấn Độ hút thuốc sau một ngày làm việc mệt mỏi.

Theo báo cáo của dự án kiểm soát thuốc lá quốc tế, dù đã ký hiệp ước toàn cầu về kiểm soát, có nhiều đạo luật về thuốc lá và cấm hút thuốc nhưng Ấn Độ đang thất bại trong việc thực thi các đạo luật này.

“So với nhiều nước khác trên thế giới, Ấn Độ đã chủ động trong việc đưa ra các đạo luật về kiểm soát thuốc lá từ năm 2003. Tuy nhiên, đạo luật hiện đang được thực thi không đem lại kết quả như mong đợi trong việc ngăn chặn tình trạng sử thuốc và khuyến cáo người dân bỏ thuốc lá.” – ông Geoffrey Fong – một giáo sư về tâm lý tại trường Đại học Waterloo của Canada và là đồng tác giả của bản báo cáo cho hay.

Do sự thất bại này, theo báo cáo, với dân số 1,2 tỉ người, Ấn Độ hiện có khoảng 275 triệu người sử dụng thuốc lá. Thuốc lá là nguyên nhân dẫn đến một nửa ca bệnh ung thư ở nam giới và 1/4 bệnh nhân ung thư ở nữ giới tại Ấn Độ.

Ngoài ra, khói thuốc cũng là nguyên nhân chính dẫn đến các vấn đề về tim, phổi của người dân Ấn Độ. “Đại dịch thuốc lá ở Ấn Độ cần được chú ý khẩn cấp.” – báo cáo khuyến cáo và cho biết thêm với tốc độ như hiện nay, đến năm 2020, việc tiêu thụ thuốc lá sẽ khiến hơn 1,5 triệu người tử vong mỗi năm.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, số người tử vong vì thuốc lá trên toàn cầu sẽ tăng từ 6 triệu người mỗi năm như hiện nay lên đến hơn 8 triệu người vào năm 2030.

Bảo An (Theo báo nước ngoài)

Đọc thêm